| Hotline: 0983.970.780

La Bằng lặng lẽ lên hương

Thứ Ba 25/10/2011 , 10:39 (GMT+7)

Đi dọc qua các xóm, chỗ nào chúng tôi cũng thấy thoảng thơm vị chè mới lên hương.

Ông Trần Trọng Bình được tặng danh hiệu Đôi bàn tay vàng

Nằm ở chân núi Tam Đảo, xã La Bằng (Đại Từ, Thái Nguyên) có hơn 300 ha đất trồng chè, trong đó có hơn 200 ha chè đang cho thu hái, với năng suất đạt 93 tạ/ha, sản lượng trung bình hằng năm đạt gần 1.900 tấn búp tươi, tương đương với gần 400 tấn sản phẩm chè khô. Mỗi năm, cây chè cho gần 900 hộ nông dân của 10 xóm thuộc xã La Bằng số tiền hơn 55 tỷ đồng.

Chủ tịch Hội Nông dân xã La Bằng Lương Văn Minh phấn khởi cho biết: Xã La Bằng có 10 xóm thì cả 10 xóm được tỉnh công nhận là làng nghề sản xuất chế biến chè. Với La Bằng, Lễ hội Trà Quốc tế Thái Nguyên (diễn ra từ 10 - 15/11) được tỉnh chọn làm một điểm đến trong "tua" du lịch, vui đấy mà cũng bận rộn nhiều hơn. Trong suốt thời gian diễn ra Lễ hội, 10 xóm đều có biển quảng bá thương hiệu chè, có quầy bán chè phục vụ du khách. Đặc biệt là nhân dân xóm Tiến Thành và xóm Kẹm đang vận động nhau cùng phát tuyến, dọn cỏ, chăm sóc cho vườn chè đẹp hơn để đón khách tham quan.

Đi dọc qua các xóm, chỗ nào chúng tôi cũng thấy thoảng thơm vị chè mới lên hương. Ông Vũ Ngọc Vĩnh, xóm Đồng Tiến cho biết: Đây là lần đầu tiên người dân trong xã được đón tiếp khách trong cả nước, khách quốc tế đến tham quan, vì thế gia đình cũng chuẩn bị những ấm chè ngon nhất để đãi đằng thiên hạ, và bán cho người có nhu cầu mua làm quà.

Khi đến trước một ngõ nhỏ, thấy tiếng rào rào của chè khô lộn nhào trong máy, tiếng các mẹ, các chị í ới trò chuyện, mùi thơm của chè sánh lại giữa nắng chiều, khiến chúng tôi không thể cầm lòng. Vào thăm, gặp ở đây, tại ngôi nhà khang trang của gia đình bà Nguyễn Thị Ngọc (Đồng Tiến) các bà Lâm Thị Vân, Lương Thị Hà và một số bà con trong tổ hợp tác chè an toàn La Bằng.

Bà Vân cho biết: Hôm nay chị em trong tổ hợp tác tập trung lên hương chè. Bà Vân giải thích thêm: Lên hương là công đoạn cuối cùng của quá trình sao, sấy chè. Công đoạn này không đòi hỏi độ nhiệt cao, song quan trọng là phải biết lượng nhiệt như thế nào cho vừa, khi thấy mốc trắng, có mùi thơm nếp cốm là được.

Nhìn những động tác vào chè, lên hương, ra chè và đóng gói sản phẩm, tôi biết các chị đều là dân làm chè có kinh nghiệm. Như nhà bà Vân có 4 sào chè, mỗi năm thu hái từ 8 đến 9 lứa. Do đồi đất dốc, năng suất chỉ đạt 12 kg chè búp khô/sào/lứa, nhưng chè bà Vân có giá bán cao hơn từ 20 đến 30.000 đồng/kg so với chè cùng loại ở xã.

Nhà ông Vĩnh cũng có 4 sào chè, nhờ đất tốt, thuận nước tưới nên năng suất chè đạt 18 kg chè búp khô/sào/lứa. Năng động trong làm chè ở xã phải kể tới bà Hà, ngoài 4 sào chè của gia đình, bà còn nhận làm thuê thêm 8 sào. Để thu hái chè kịp lứa, bà Hà thường xuyên thuê thêm 5 lao động, với mức tiền công 100.000 đồng/người/ngày. Hỏi thu nhập từ chè hằng năm, bà Hà khiêm tốn, bảo: Tổng thu được 120 triệu đồng/năm, trừ chi phí như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công thu hái… còn lãi khoảng 80 triệu đồng/năm.

Trong khi trò chuyện chúng tôi còn được biết thêm: Đầu năm 2011, ông Lương Thanh Nhã, Giám đốc Cty Cổ phần Hùng An Trà Việt Nam, có trụ sở tại Sài Đồng (Long Biên, Hà Nội) đã tìm đến đặt thu mua chè của tổ hợp tác. Ông chủ doanh nghiệp chuyên kinh doanh chè này biết đến sản phẩm chè của người dân La Bằng là dạo Xuân Canh Dần 2011, ông được bạn bè biếu tặng mấy ấm, uống thử, thấy chất lượng ngang ngửa với chè được sản xuất từ Tân Cương (TP Thái Nguyên), Minh Lập (Đồng Hỷ) và Phúc Thuận (Phổ Yên). Vậy là ông về La Bằng, đặt hàng trực tiếp với người làm chè. Tuy chỉ là hợp đồng miệng, song Hùng An Trà bắt đầu gắn bó khăng khít với La Bằng.

Nhâm nhi chén trà sóng sánh xanh, ông Lương Văn Minh cho chúng tôi biết: Trên khu đất thuộc đèo Khế, núi Điệng của xã hiện còn có những bãi chè cổ thụ, nhiều cây có đường kính rộng tới 50cm. Mới đây, người dân trong xã còn phát hiện trên đó có những bãi chè ra búp đỏ, hái về hãm nước chè xanh uống rất ngon…

 Chuyện về gốc tích, lai lịch cây chè, ở La Bằng không ai biết. Các cụ cao tuổi cũng chỉ đưa ra giả định là khoảng vài trăm năm trước, chim muông tha hạt chè về đây, thả xuống đất, hạt chè nảy thành cây, lên thành bụi. Người dân địa phương đi rừng lấy gỗ, săn thú cũng chỉ hái lá về đun uống. Đến đầu thế kỷ XX, La Bằng có cụ Khuông, chủ đồn điền đã cho người lên rừng lấy hạt chè về trồng ở gò Treo Trống, nay thuộc đất xóm Na Cút. Sau này, chè cụ Khuông bị nhân dân phá lấy đất trồng lúa, màu.

Ông Trần Trọng Bình, xóm Đồng Đình, người được cơ quan chức năng của tỉnh trao tặng danh hiệu “Đôi bàn tay vàng” và 2 lần đoạt giải nhất chất lượng chè của tỉnh cho biết: Chè La Bằng mới tạo được thương hiệu từ khoảng gần 5 năm nay. Thương hiệu là do mọi người trong xã cùng quyết tâm làm, như không sử dụng các loại hóa chất độc hại phun cho chè, khi thu hái, chế biến phải để chè vào các tấm nong, nia chứ không đổ bừa bãi ra nền nhà… Còn chè ngon, tất nhiên còn phụ thuộc vào đôi bàn tay của mỗi người.

Đến những năm đầu thập niên sáu mươi của thế kỷ trước, theo tiếng gọi của Đảng, những người dân từ vùng đất Bình Lục (Hà Nam) lên khai phá đất trồng chè. Ông Vũ Tiến Dũng, người làm chè xóm Đồng Tiến kể lại: Bấy giờ người miền xuôi lên trồng chè còn được Nhà nước cấp lương thực, ăn để trồng chè, chứ chưa tính đến việc hái chè bán cho ai.

Chợ chè La Bằng họp 12 phiên/tháng. Trung bình mỗi phiên chợ có từ 7 đến 10 xe ô tô tải về nhập chè. Ngoài chè La Bằng còn có chè từ các xã lân cận mang sang bán, gọi chung là chè La Bằng. Ông Đỗ Xuân Thìn, Trưởng xóm Kẹm bảo: Người đi buôn chè rất rành, chỉ nhìn màu, ngửi hương là họ biết đâu là chè La Bằng, hoặc chè từ các vùng khác mang đến.

Chạng vạng chiều, trên các trục đường về ngõ xóm, chúng tôi gặp những nông dân tất bật với gánh chè nặng vai. Ngay sau bữa cơm chiều, bếp lò lên lửa, máy sao, máy vò chè lặp lại từng vòng quay, đều đặn như chiếc kim đồng hồ, để từ đây, chè lặng lẽ tỏa hương, hiến dâng cho cuộc đời những gì tinh túy nhất.

Xem thêm
Thủ tướng: Kiểm tra, giám sát từ đầu, tránh tích tụ vi phạm

Họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Thủ tướng lưu ý tăng cường kiểm tra, giám sát ngay từ lúc bắt đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ lại thành sai phạm lớn.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Nghề cói Kim Sơn được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định 1150/QĐ-BVHTTDL đưa nghề thủ công truyền thống nghề cói Kim Sơn vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.