2 bài báo “Nằm giữa bỗng mất phần chăn” và “Nghị định 64 của Chính phủ không rõ ràng?” được đăng trên báo NNVN (ngày 22/3/2012 và 5/4/2012) phản ánh về một số bệnh binh 2/3 của huyện Quốc Oai (Hà Tây, nay là Hà Nội) không được giao đất canh tác theo Nghị định 64 ngày 27/9/1993 của Chính phủ, trong khi bệnh binh 1/3 và bệnh binh 3/3 lại được giao, khiến đời sống của họ thêm khó khăn, gây nên sự bức xúc kéo dài.
>> Nằm giữa bỗng mất phần chăn
>> Nghị định 64 của Chính phủ không rõ ràng?
Ngay từ năm 2000, nhiều bệnh binh 2/3 tại Quốc Oai đã có đơn đề nghị cấp có thẩm quyền giải quyết quyền lợi chính đáng đó cho họ, nhưng không được UBND huyện Quốc Oai giải quyết hoặc giải quyết không công bằng (có xã được, có xã không)… Ngày 4/6/2012, chúng tôi tiếp tục nhận được đơn của các ông Nguyễn Mạnh Hùng, Nguyễn Đắc Lục, Nguyễn Danh Thang… đều là bệnh binh 2/3 của xã Sài Sơn (Quốc Oai), phản ánh về việc suốt gần 20 năm qua, bản thân họ bị thiệt thòi vì không được giao đất canh tác. Chúng tôi đã về địa phương tìm hiểu và nhận thấy như sau.
Xã Sài Sơn có 40 người được hưởng chế độ bệnh binh 2/3 (mất từ 61% đến 80% sức khỏe) theo quy định tại Nghị định 236/HĐBT ngày 18/9/1985 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ). 40 bệnh binh đó đều có hộ khẩu thường trú và đều có mặt ở xã vào thời điểm thực hiện Nghị định 64 (năm 1993) của Chính phủ. Theo điều 6 nghị định trên (đối tượng giao đất nông nghiệp để sử dụng ổn định, lâu dài là nhân khẩu nông nghiệp thường trú tại địa phương, kể cả người đang làm nghĩa vụ quân sự).
Các ông Nguyễn Mạnh Hùng, Nguyễn Đắc Lục (phải) trình bày vụ việc
Căn cứ điều 17 điểm 2 Pháp lệnh ưu đãi người hoạt động cách mạng và gia đình liệt sỹ, thương binh, bệnh binh… ngày 29/3/1994 của UBTVQH (thương binh, bệnh binh được ưu tiên giao đất, vay vốn với lãi suất thấp để sản xuất, được miễn hoặc giảm các loại thuế…). Căn cứ chương III Nghị định số 28/CP ngày 29/4/1995 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh trên (Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về chế độ ưu đãi… Bộ LĐTB-XH thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về các chế độ ưu đãi quy định theo pháp lệnh... UBND các cấp và cơ quan Nhà nước khác thực hiện quản lý Nhà nước về các chế độ ưu đãi trong phạm vi địa phương, ngành mình…) thì những bệnh binh trên không chỉ được ưu tiên giao đất canh tác mà còn được hưởng một số ưu đãi khác như ưu tiên vay vốn của quỹ quốc gia giải quyết việc làm và từ các nguồn vốn khác với lãi suất thấp, được miễn hoặc giảm các loại thuế…
Thế nhưng ngay từ khi thực hiện việc giao đất canh tác theo Nghị định 64, lãnh đạo xã Sài Sơn đã có sự thiếu công bằng. Khi lập đề án giao đất, các HTX đã không căn cứ vào các quy định tại các văn bản trên, dẫn đến tình trạng người được giao ruộng, người không, mặc dù cùng là bệnh binh. Ví như ở thôn Thụy Khuê có 8 bệnh binh 2/3 thì 4 người được giao ruộng còn 4 người không, khiến các bệnh binh thấy sự bất công diễn ra ngay trước mắt họ. Đề án được trình thế nào thì UBND xã rồi UBND huyện cứ thế phê duyệt mà không có sự kiểm tra, giám sát hoặc điều chỉnh cho hợp lý, công bằng.
Thiếu sót lớn nhất của các cơ quan có thẩm quyền của huyện Quốc Oai trong việc thực hiện việc giao đất theo Nghị định 64 là việc họ đã đánh đồng bệnh binh với “bộ đội về hưu hoặc nghỉ mất sức…” theo điều 8 nghị định này. Với cách nhìn nhận đó, họ đã không phân biệt quân nhân về hưu hoặc nghỉ mất sức với bệnh binh. Nhưng khi hậu quả phát sinh là khiếu kiện kéo dài thì họ lại đổ tại… nghị định, như lời một ông phó chủ tịch UBND huyện Quốc Oai là “Nghị định 64/CP của Chính phủ còn có điểm chưa rõ ràng”.
Lấy cớ Pháp lệnh ưu đãi người có công… ra đời sau Nghị định 64 để không giải quyết đơn đề nghị được giao đất canh tác của các bệnh binh là một điều không thể chấp nhận được, bởi Pháp lệnh ưu đãi người có công… của UBTVQH chỉ ra đời sau Nghị định 64 chưa đầy 6 tháng, các địa phương hoàn toàn có đủ khả năng điều chỉnh lại ruộng đất cho các bệnh binh theo điều 17 điểm 2 của Pháp lệnh. Đã là Pháp lệnh, thì mọi cơ quan, tổ chức cho đến cá nhân đều có nghĩa vụ chấp hành nghiêm chỉnh, vô điều kiện. Từ chối thực hiện Pháp lệnh là vi phạm pháp luật.
Cho đến nay, sau gần 20 năm đòi hỏi quyền lợi của mình, 8/40 bệnh binh 2/3 của xã Sài Sơn đã chết mà vẫn không thực hiện được ước mơ của mình là “người cày có ruộng”.
Được biết UBND TP Hà Nội đã giao cho Thanh tra Thành phố xem xét đơn khiếu nại của một số bệnh binh 2/3 tại một số xã của huyện Quốc Oai, làm rõ những căn cứ pháp lý để UBND TP có quyết định giải quyết hợp tình, hợp lý. Rất mong lần này, ước mơ “người cày có ruộng” của những bệnh binh trên sẽ biến thành hiện thực. |