| Hotline: 0983.970.780

Tưới tự động qua điện thoại thông minh

Thứ Sáu 25/01/2019 , 14:50 (GMT+7)

Năm 2018, Trung tâm Khuyến nông Đồng Tháp phối hợp với Trạm Khuyến nông TP Cao Lãnh và Trạm Khuyến nông huyện Lai Vung hỗ trợ cho 2 hộ nông dân thực hiện mô hình “Điều khiển hệ thống tưới tự động qua điện thoại thông minh”.

Mô hình triển khai tại 2 điểm: Xã Tịnh Thới, TP Cao Lãnh với 1ha trồng xoài và xã Tân Thành, huyện Lai Vung với 1ha diện tích cam sành.

mxresdefult103449770
Cam xoàn phát triển tốt nhờ hệ thống tưới tự động

Tham gia mô hình, nông dân được hỗ trợ 50% chi phí lắp đặt hệ thống tưới phun tự động (32.165.000 đồng); được cán bộ kỹ thuật tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật cho tới khi hệ thống đi vào vận hành ổn định, nông dân điều khiển thành thạo.

Hệ thống tưới tự động bao gồm 1 bộ cảm biến có gắn sim điện thoại; ngoài ra, ở các vị trí phù hợp sẽ có những con chíp phân tích độ ẩm, lượng dinh dưỡng, độ pH đất rồi gửi kết quả lên màn hình của bộ cảm biến, bằng kết nối với điện thoại thông minh.

Kết quả thực hiện mô hình cho thấy: Cây phát triển tốt, ít sâu bệnh; hệ thống tưới tự động sẽ dễ dàng rửa trôi nước mưa để không làm ảnh hưởng đến quá trình thụ phấn của hoa xoài vào mùa mưa và hạn chế bọ trĩ vào mùa nắng.

Bên cạnh đó, nông dân biết được khi nào cây thiếu nước, thiếu dinh dưỡng… để bổ sung kịp thời thông qua các chỉ số hiển thị trên bộ cảm biến và điện thoại.

Một ưu điểm nổi bật nữa của mô hình này là giúp cho nông dân hạn chế tiếp xúc với thuốc bảo vệ thực vật do thuốc được phun đều lên cây thông qua hệ thống tưới tự động. Hệ thống có độ bền trên 5 năm, dễ sữa chữa nên nông dân rất hài lòng.

Về hiệu quả kinh tế, mô hình giúp nông dân tiết kiệm chi phí sản xuất 14%/vụ, từ đó tăng lợi nhuận 115%/vụ so với những nông dân ngoài mô hình.

Ông Lê Thành Tính- Trưởng trạm Khuyến nông TP Cao Lãnh cho biết: “Trên địa bàn, diện tích cây ăn trái rất nhiều, trong đó cây xoài chiếm phần lớn diện tích. Đối với cây xoài, điều khó khăn khi sản xuất là vào mùa mưa thì khó xử lý đậu trái, mùa nắng thì bọ trĩ nhiều gây ảnh hưởng đến năng suất. Có được mô hình điều khiển hệ thống tưới qua điện thoại thông minh sẽ giải quyết được các vấn đề đó, giúp nông dân tăng cao lợi nhuận cũng như chất lượng trái. Ngoài ra, từ bộ cảm biến giúp nông dân biết được tình hình độ ẩm đất, lượng dinh dưỡng trong đất, độ pH đất… để điều chỉnh chế độ chăm sóc phù hợp”.

Nông dân Trần Tiến Quân chia sẻ thêm: “Trước đây, ngày nào cũng phải ra thăm vườn, kiểm tra đất xem có bị khô hay không? Nhìn cây nhìn lá xem cây có thiếu phân bón hay không?... Mỗi lần tưới thì phải thuê 3 công nhân làm trong 1 buổi tốn hơn 300 ngàn đồng. Từ khi lắp đặt hệ thống, tôi chỉ cần ngồi ở nhà theo dõi các chỉ số. Mỗi lần tưới chỉ cần bấm điện thoại thì hệ thống tự tưới và mất khoảng 15 phút. Tôi rất hài lòng khi tham gia mô hình này và mong được nhân rộng mô hình trên địa bàn”.

Với những kết quả đạt được từ mô hình “Điều khiển hệ thống tưới qua điện thoại thông minh” tại TP Cao Lãnh và huyện Lai Vung, nông dân ở 2 địa bàn trên đã liên hệ trực tiếp với đơn vị lắp đặt, tự bỏ chi phí ra thực hiện mà không cần có sự hỗ trợ của nhà nước.

 

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.