| Hotline: 0983.970.780

'Làng quê Bắc bộ' trên đảo ngọc Cô Tô

Thứ Hai 02/05/2022 , 08:25 (GMT+7)

QUẢNG NINH Đến đảo Cô Tô (Quảng Ninh), ngoài du lịch và hải sản, sẽ rất thú vị khi được chứng kiến những cánh đồng lúa xanh mướt đặc sệt chất làng quê Bắc bộ.

Cô Tô là quần đảo gồm khoảng 30 đảo lớn nhỏ nằm ở phía đông của tỉnh Quảng Ninh với diện tích 46,2km². Huyện đảo Cô Tô hiện có khoảng 1.500 hộ dân, với hơn 6.000 nhân khẩu. Người dân sinh sống trên đảo phấn lớn đến từ các tỉnh thành từ Quảng Ninh cho đến Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh… 

Nửa năm làm du lịch, nửa năm làm nông dân

Bài liên quan

Ra đảo vào một ngày cuối tháng 4, trời mây mù nhưng đứng trên tàu từ xa, có thể nhìn thấy lấp ló sau màn mây đảo ngọc Cô Tô. Mặc dù là người con sinh ra và lớn lên ở đất mỏ Quảng Ninh nhưng đây là lần đầu tiên tôi ra đảo, hào hứng và sự tò mò dâng cao trong tâm trí tôi như thủy triều ngày rằm.

Xuống cầu tàu tại cảng trung tâm Thị trấn Cô Tô, đã nghe thấy mùi biển, cái hương vị mặn mòi như thổi một luồng sinh khí mới, xua tan mệt mỏi cuộc sống. Khách du lịch cùng chuyến tàu với tôi, khi vừa đặt chân xuống đảo đã mừng rỡ ra mặt, ai cũng hít một hơi thật sâu đến căng lồng ngực.

Bài liên quan

Đặc trưng khí hậu, địa lý, địa chất ở Cô Tô đã mang lại cho nơi đây những tiểu vùng sinh thái hỗn hợp miền biển đảo rất đa dạng và thú vị. Chỗ có cảng, biển, nơi kia lại có rừng, hồ nước ngọt, những vạt sim, rừng chõi nguyên sinh quý giá.

Nơi đây, nếu chạy xe máy theo những con đường ra biển có thể bắt gặp những cánh đồng lúa xanh mượt, tràn đầy sức sống như những cô gái đương tuổi xuân thì, cảnh trông đặc sệt chất làng quê Bắc bộ. Xa xa, từng đàn cò trắng bay lượn, thi thoảng lại sà xuống kiếm mồi như tô điểm cho bức tranh nông nghiệp ở huyện đảo Cô Tô.

Bà Phạm Thị Xanh thăm đồng sáng sớm. Ảnh: Nguyễn Thành.

Bà Phạm Thị Xanh thăm đồng sáng sớm. Ảnh: Nguyễn Thành.

Bài liên quan

Trên đường ra Bãi đá Cầu Mỵ Cô Tô, tôi gặp bà Phạm Thị Xanh (khu 4, Thị trấn Cô Tô) đang thăm đồng buổi sớm. Cặm cụi kiểm tra từng khóm lúa một cách tỉ mỉ, thấy tôi, bà Xanh nở nụ cười đầy thân thiện.

“Tôi là người Hải Phòng, ra đảo từ năm 80 của thế kỷ trước. Lúc mới đến đây, tôi tiếp quản căn nhà đất cùng ruộng lúa, hoa màu của người Hoa. Khi ấy, dân số trên đảo rất ít, cái gì cũng thiếu thốn, từ nước ngọt cho đến điện, giống lúa năng suất thấp nên gạo cũng không đủ ăn, phải đi đánh cá rồi đổi lấy gạo với các chiến sỹ đồn biên phòng”, bà Xanh kể.

Bước ngoặt đến vào năm 2013, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã quyết tâm thực hiện kéo điện lưới ra đảo, dù nguồn lực và công nghệ lúc đó còn nhiều hạn chế. Song song với đó là việc xây dựng các hồ chứa nước ngọt. Từ việc có điện, có nước, đã giúp kinh tế huyện đảo Cô Tô như "bừng sáng".

Ngày ấy, bà Xanh nói riêng cũng như người dân trên đảo Cô Tô cảm thấy hạnh phúc lắm. Không vui sao được khi những cánh đồng đã có nước tưới tiêu. Các chuyến tàu ra đảo cũng xuất hiện nhiều hơn, tần suất dày hơn để thu hút khách du lịch đến Cô Tô. Nhờ đó, việc sản xuất, tiêu thụ các loại nông sản trên đảo ngày càng chuyển sang sản xuất hàng hóa.

“Nhà tôi có hơn 1 mẫu lúa và 3 sào hoa màu, một năm tôi cấy 2 vụ lúa giống BC15 cũng được khoảng hơn 4 tấn. Ngoài cung cấp cho gia đình, tôi thường mang rau, gạo ra chợ bán. Kinh tế gia đình cũng khấm khá dần lên, những năm gần đây cũng đã xây được nhà cửa chắc chắn”, bà Xanh bộc bạch.

Hàng năm, đảo Cô Tô đón ít nhất vài cơn bão. Ngày trước, công nghệ, thông tin còn lạc hậu, phải 2 - 3 ngày trước khi bão đổ bộ bà con Cô Tô mới biết. Giờ đây, “những vị khách không mời mà đến” chỉ cần chớm hình thành người dân đã biết trước cả tuần đến nửa tháng, hộ nào có lúa chuẩn bị thu hoạch đều sẽ tranh thủ gặt sớm để hạn chế thiệt hại. Ngày nay, hệ thống thoát nước trên đảo đã rất tốt, nên mỗi dịp mưa bão, lúa và hoa màu không còn chịu cảnh ngập úng.

Nông sản được trồng trên đảo Cô Tô mang hương vị khác với trên đất liền, có lẽ vì không khí trong lành, hương vị mặn mòi của biển đã ít nhiều giúp rau, củ, gạo thơm ngon, đậm đà hơn.

Không chuyên về làm nông, anh Bùi Đức Thành (xã Đồng Tiến, Cô Tô) kết hợp vừa làm nông nghiệp vừa làm du lịch. Sinh ra trong gia đình có truyền thống làm nông, ngay từ nhỏ, anh Thành đã theo cha mẹ đi chăm sóc từng con lợn, con gà, luống rau. Từ khi Cô Tô phát triển du lịch, anh cùng gia đình mạnh dạn đầu tư homestay trên khu đất đang sinh sống.

Vườn rau của anh Bùi Đức Thành được trồng để phục vụ khách du lịch. Ảnh: Nguyễn Thành.

Vườn rau của anh Bùi Đức Thành được trồng để phục vụ khách du lịch. Ảnh: Nguyễn Thành.

“Từ khi làm thêm du lịch, tôi nhận thấy nhu cầu của khách là nguồn thực phẩm sạch, an toàn. Vậy nên, tôi đã trồng thêm rau, nuôi thêm gà, lợn để phục vụ du khách”, anh Thành tâm sự.

Hiện tại, chi phí sản xuất trên đảo cao hơn so với trong đất liền vì phân bón, máy móc, xăng dầu… đều phải mang từ đất liền ra. Vì vậy, giá cả thực phẩm từ đất liền chuyển ra đảo thấp hơn so với sản phẩm trồng trên đảo.

Đất có khả năng làm nông nghiệp ở Cô Tô chỉ chiếm khoảng 20% diện tích đất tự nhiên, trong đó một nửa có khả năng cấy lúa, trồng màu, chăn thả gia súc… Trước đây, người dân phải đợi tàu ra đảo mới có gạo để ăn thì nay lúa ở Cô Tô với nhiều giống ngon, năng suất cao đã đáp ứng cơ bản nhu cầu lương thực cho người dân. 

Sản lượng trung bình hàng năm đối với lúa quy đổi thành gạo ước đạt khoảng 360 tấn, trong đó, sử dụng cho chăn nuôi khoảng 20%, còn lại dùng cho sinh hoạt, đảm bảo khoảng 40% nhu cầu. Sản lượng hoa màu trung bình hàng năm khoảng 200 tấn, đáp ứng khoảng 20% nhu cầu của người dân trên huyện đảo. Hàng ngày, có 1 chuyến tàu chở hàng hóa từ đất liền ra đảo để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân cũng như khách du lịch.

Theo ông Bùi Như Duân, cán bộ Phòng Tài nguyên - Môi trường và Nông nghiệp huyện Cô Tô, phần lớn người dân sinh sống trên đảo đều dành nửa năm làm nông nghiệp, nửa năm làm dịch vụ du lịch nhằm nâng cao thu nhập mà vẫn đảm bảo ruộng lúa không bị bỏ hoang.

Nuôi ốc đá tại các đảo nhỏ

“Gọi là nuôi ốc thì cũng không hẳn là đúng, vì ốc được thả sẽ tự kiếm ăn và sinh trưởng, người nuôi chỉ cần canh chừng, bảo vệ để không bị bắt trộm là được”, ông Phạm Ngọc Sơn (khu 4, thị trấn Cô Tô) là một trong những người đầu tiên nuôi ốc đá ở huyện chia sẻ.

Được biết, ốc đá ở Cô Tô không nhân được giống, để có ốc thả, ông Sơn phải đi thu gom các con ốc nhỏ của bà con với giá 40.000 đồng/kg. Đảo Dê là hòn đảo mà ông đã chi hàng trăm triệu đồng để đấu thầu công khai khu vực nuôi ốc. Đây là đảo không có người dân sinh sống, chỉ có người nhà ông Sơn ở để trông nom ốc đá của gia đình.

Khu vực bãi triều thuộc đảo Dê được ông Sơn thả ốc đá thương phẩm. Ảnh: Nguyễn Thành.

Khu vực bãi triều thuộc đảo Dê được ông Sơn thả ốc đá thương phẩm. Ảnh: Nguyễn Thành.

Ông Sơn vui vẻ tâm sự: “Tôi nuôi ốc từ năm 2006, ngày ấy không có ai nuôi, ốc nuôi nhiều mà không mất chi phí thức ăn. Giá ốc khi ấy chỉ 15.000 đồng/kg, giờ đã tăng lên khoảng 100.000 đồng/kg, tạo nguồn thu nhập ổn định cho các hộ nuôi.

Tận mục sở thị khu vực bãi triều thả ốc của ông Sơn, tôi phải men theo những mom đá, khúc khuỷu, trơn trượt bởi rong rêu bám vào, người không quen rất dễ bị ngã. Những mảng rong rêu đó chính là nguồn thức ăn tự nhiên cho loài ốc đá nơi đây.

Lật từng phiến đá để tìm những chú ốc đang ẩn náu phía dưới, chị Nguyễn Thị Phương (con dâu ông Sơn) hào hứng khoe với tôi hôm nay được nhiều ốc to, nom đến là ngon mắt. “Vào những ngày nước lớn thì không bắt ốc được, may mắn cho anh là hôm nay nước thấp, bãi đá lộ ra thì mới đi nhặt ốc rồi quay phim, chụp ảnh được đấy”, chị Phương vui vẻ nói.

Ốc đá được bắt từ sáng sớm đến tầm trưa sẽ được chuyển đi tiêu thụ ở Cô Tô và đất liền. Ảnh: Nguyễn Thành.

Ốc đá được bắt từ sáng sớm đến tầm trưa sẽ được chuyển đi tiêu thụ ở Cô Tô và đất liền. Ảnh: Nguyễn Thành.

Ốc đá đúng như cái tên gọi của chúng, ốc sống bằng cách bám trên những khe đá, ăn nguồn thức ăn tự nhiên nên hoàn toàn “sạch sẽ”. Vỏ ốc sần sùi, nhìn từ xa nom như những viên đá nhỏ giúp chúng ngụy trang tốt hơn, nhưng chừng đó là chưa đủ với đôi mắt, đôi tay nhanh thoăn thoắt của người đi bắt ốc.

“Mỗi người đi thu hoạch ốc sẽ được thuê với giá 20.000 đồng/kg, người nào bắt được 50kg là trong ngày hôm đó có ngay một triệu đồng. Trừ các chi phí thuê người bắt ốc, chi phí mua ốc con và các loại phí khác, mỗi cân ốc cho lãi khoảng 30.000 đồng”, ông Sơn chia sẻ. Ốc sau khi thu hoạch được chuyển vào huyện đảo để tiêu thụ và mang vào đất liền bán.

Đến nay, tổng diện tích nuôi ốc đá, ốc màu, hải sâm trên địa bàn huyện Cô Tô là 67ha, năng suất ước đạt 3,2 tấn/ha/năm. 

Cơ cấu kinh tế huyện đảo Cô Tô đang chuyển dịch đúng hướng với thương mại - dịch vụ chiếm 60,8%; công nghiệp - xây dựng chiếm 15,5%; nông, lâm, thủy sản chiếm 23,7%. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 2.500 USD năm 2015 lên 4.000 USD năm 2020. Đặc biệt, kể từ tháng 7/2019 đến thời điểm này, Cô Tô là huyện đầu tiên và duy nhất của tỉnh Quảng Ninh không còn hộ nghèo.

Xem thêm
Đàn ngựa bạch của người hùng cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Ít người biết, cha con ở Bắc Giang cứu trạm bơm Cống Bún trong trận bão Yagi hôm nào đang sở hữu đàn ngựa bạch có nguồn gốc từ Mông Cổ…

Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Nông dân lo lắng vì giá lúa đông xuân sớm giảm mạnh

ĐBSCL Hiện một số nơi tại ĐBSCL đang vào vụ thu hoạch lúa đông xuân sớm nhưng giá lúa giảm từ 2.000 - 2.400 đồng/kg so với cùng kỳ.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.

Bình luận mới nhất