| Hotline: 0983.970.780

Lào Cai: Hơn 30% diện tích quế sẽ được cấp chứng nhận hữu cơ

Chủ Nhật 27/08/2023 , 14:10 (GMT+7)

Toàn bộ diện tích quế của Lào Cai sẽ từng bước được chuyển đổi sản xuất theo hướng bền vững, phấn đấu trên 30% diện tích trồng quế được cấp chứng nhận hữu cơ.

Cây quế ở Bảo Yên (Lào Cai) mang lại cuộc sống ấm no hơn cho đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: Hải Đăng.

Cây quế ở Bảo Yên (Lào Cai) mang lại cuộc sống ấm no hơn cho đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: Hải Đăng.

Tại hội thảo về xúc tiến đầu tư, thương mại ngành hàng quế tỉnh Lào Cai do UBND tỉnh Lào Cai tổ chức tại huyện Bảo Yên (Lào Cai) ngày 25/8, ông Hoàng Quốc Khánh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lào Cai cho biết, Lào Cai có diện tích quy hoạch lâm nghiệp lớn với trên 417 nghìn ha, chiếm 65,5% tổng diện tích tự nhiên, trong đó diện tích quy hoạch rừng sản xuất trên 186 nghìn ha. Năm 2022, diện tích đất có rừng là 382 nghìn ha, trong đó rừng trồng sản xuất là 116 nghìn ha, tỷ lệ che phủ đạt 57,7%, tăng gấp 3 lần so với khi tái lập tỉnh (năm 1991 là 19%). 

Người dân Lào Cai cần cù trong lao động, qua đó đã tạo nên nhiều bản sắc văn hóa đặc trưng và kinh nghiệm truyền thống phong phú trong phát triển, canh tác nông, lâm nghiệp.

Nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh này, Đảng bộ tỉnh Lào Cai đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 26/8/2021 về chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó quế được xác định là một trong 6 sản phẩm, ngành hàng chủ lực của tỉnh để tập trung phát triển.

Cây quế đã được đưa vào trồng tại tỉnh Lào Cai từ những năm 1970, đến nay đã khẳng định được vị trí, vai trò trong phát triển kinh tế lâm nghiệp của tỉnh. 

Với hiệu quả kinh tế đem lại khá cao và ổn định, những năm qua, đặc biệt là từ năm 2012 trở lại đây, diện tích trồng quế tăng nhanh, hiện toàn tỉnh Lào Cai có trên 57 nghìn ha quế (gấp 8 lần năm 2012) và là tỉnh có vùng nguyên liệu quế đứng thứ 2 toàn quốc (chỉ sau tỉnh Yên Bái). Hiện nay, tỉnh đã có trên 3.600ha quế được chứng nhận hữu cơ và diện tích quế hữu cơ đang tiếp tục mở rộng.

Theo dự tính, diện tích vùng nguyên liệu quế của tỉnh Lào Cai sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Cùng với đó, toàn bộ diện tích quế của tỉnh sẽ từng bước được chuyển đổi sản xuất theo hướng bền vững, phấn đấu trên 30% diện tích trồng quế được cấp chứng nhận hữu cơ

Dự kiến từ năm 2024 đến năm 2030, mỗi năm Lào Cai sẽ có trên 4.000ha quế đến tuổi có thể khai thác trắng và khoảng 10.000ha trong giai đoạn tỉa thưa. Sản lượng quế khai thác dự kiến mỗi năm sẽ đạt trên 40.000 tấn vỏ khô, 350.000 tấn cành lá và khoảng trên 210.000m3 gỗ, ước sản lượng tinh dầu quế từ 1.600 - 2.000 tấn/năm. 

Tuy nhiên, việc phát triển quế với tốc độ nhanh cũng tạo ra bài toán khó trong việc đáp ứng các quy chuẩn chất lượng, biến động về giá cả, thị trường đầu ra.

"Vì vậy, tỉnh Lào Cai hướng tới mục tiêu phát triển ngành hàng quế một cách bền vững, giá trị cao; gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm thành chuỗi khép kín, đồng bộ; đưa sản phẩm quế của Lào Cai trở thành hàng hóa có chất lượng đạt chuẩn đến tay người tiêu dùng; biến tiềm năng, thế mạnh về vùng nguyên liệu quế rộng lớn thành giá trị thiết thực; chuyển mong muốn, quyết tâm phát triển quế trở thành một ngành hàng mang lại giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao đời sống của người dân", ông Hoàng Quốc Khánh nhấn mạnh. 

Tỉnh Lào Cai cam kết sẽ luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất khuyến khích các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trồng, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm từ quế theo hướng hiệu quả, bền vững.

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Xúc động những bức tranh tuyên truyền bệnh dại của học sinh

Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Long An chia sẻ: 'Khi nhận các bức tranh dự thi tuyên truyền bệnh dại của các em học sinh, chúng tôi rất xúc động'.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.