| Hotline: 0983.970.780

Lão nông 'gàn dở' quyết làm giàu ở nơi 'khỉ ho cò gáy'

Thứ Hai 25/07/2022 , 10:37 (GMT+7)

NINH BÌNH 'Sinh ra ở núi rừng, thiên nhiên ban tặng cho nhiều điều kiện thuận lợi về đất đai, khí hậu, không làm giàu từ phát triển kinh tế đồi rừng thì thật là lãng phí'.

Lão “gàn dở” hay đại gia chân đất... là những tên gọi tếu táo nhưng chứa đầy sự mến phục mà người dân thôn Quyết Thắng, xã Xích Thổ (Nho Quan, Ninh Bình) giành để nói về ông Trần Quốc Trịnh, một lão nông có cách làm giàu từ rừng không giống ai.

Ông Trần Quốc Trịnh, thôn Quyết Thắng, xã Xích Thổ (Nho Quan, Ninh Bình), hiện nuôi 300 đàn ong dưới tán rừng. Ảnh: Trung Quân.

Ông Trần Quốc Trịnh, thôn Quyết Thắng, xã Xích Thổ (Nho Quan, Ninh Bình), hiện nuôi 300 đàn ong dưới tán rừng. Ảnh: Trung Quân.

Theo chân Chủ tịch Hội Nông dân xã Xích Thổ vượt qua chặng đường đồi quanh co vào tận trong thung (theo cách gọi của người dân địa phương), bao quanh là các dãy núi cao, không điện, không sóng điện thoại mới tìm gặp được lão nông Trần Quốc Trịnh.

Ấn tượng ban đầu về ông là một người có vóc dáng không cao lớn, nhanh nhẹn, thân thiện, vui vẻ... Tôi chưa kịp nói hết câu chuyện thì ông đã cắt lời: “Hôm nay vào đây rồi thì phải nhậu cái đã, mấy khi mới có người phương xa đến chơi, chứ quanh năm chỉ chuyện trò với 7 bà kia buồn chết”, nói rồi ông chỉ tay về phía những công nhân đang cần mẫn dọn cỏ, chăm sóc cây cối.

Ông Trịnh kể: Trước đây, khi đi bộ đội về, ông đã làm đủ nghề để mưu sinh nhưng kinh tế gia đình vẫn khó khăn, chật vật. Khi nhà nước có chủ trương cho phép chuyển đổi, phát triển rừng sản xuất, ông đã mạnh dạn vay mượn người thân, bạn bè, cùng với toàn bộ số vốn của mình thầu 10ha đất trong thung với dự định phát triển kinh tế đồi rừng.

Ông Trịnh trồng thêm nhiều loại cây có giá trị kinh tế như keo, xoan, sưa, luồng, sắn, củ hoài sơn, khoai tam đảo... để liên tục có nguồn thu, quay vòng vốn. Ảnh: Trung Quân.

Ông Trịnh trồng thêm nhiều loại cây có giá trị kinh tế như keo, xoan, sưa, luồng, sắn, củ hoài sơn, khoai tam đảo... để liên tục có nguồn thu, quay vòng vốn. Ảnh: Trung Quân.

“Lúc đấy ai cũng bảo bị hâm, đất ngoài đường lớn đầy ra thì không mua lại đâm đầu vào cái nơi khỉ ho cò gáy, nhưng tôi kệ, quyết là làm bằng được. Tôi chỉ nghĩ đơn giản là mình sinh ra ở vùng rừng núi, được thiên nhiên ưu ái cho điều kiện thuận lợi về đất đai, khí hậu..., không phát triển kinh tế từ rừng thì thật là lãng phí”, ông Trịnh chia sẻ.

Từ năm 2002, ông bắt đầu cải tạo đất trồng sắn, cây ăn quả, nuôi bò... theo cách thức làm “tù mù”, thấy gì hay là nuôi, trồng thử. Tuy nhiên, khó khăn đã ngay lập tức xuất hiện khi đường đi vào trong thung vô cùng khó khăn, chỉ có thể đi bộ theo đường mòn qua 3 quả núi mới vào được tới nơi.

Bên cạnh đó, trong thung không có điện, không sóng điện thoại nên gần như cô lập với bên ngoài, muốn phát triển chăn nuôi, trồng trọt bắt buộc phải có người ở lại trông nom, trong khi ông vẫn đang làm trưởng thôn nên không thể ở lại, tính ra số tiền thu được chỉ đủ trả tiền thuê lao động.

“Khi đấy sắn, nhãn nhiều, mang ra ngoài bán chẳng được bao nhiêu, cho không không ai lấy vì đường đi vào khó khăn. Nuôi bò, dê phải thuê người chăm sóc, muốn bán phải xẻ thịt rồi gánh ra ngoài. Nếu tính toán chi ly, chi phí trả cho 1 lao động khoảng 100 triệu đồng/người/năm. Do đó, lợi nhuận hầu như chẳng còn”, ông Trịnh kể.

Từ một vùng đất hoang vu, ông Trịnh đã biến thành vùng đất 'đẻ ra tiền'. Ảnh: Trung Quân.

Từ một vùng đất hoang vu, ông Trịnh đã biến thành vùng đất "đẻ ra tiền". Ảnh: Trung Quân.

Đến năm 2020, khi đường quốc lộ được nâng cấp, doanh nghiệp về thành lập công ty chế biến, cải tạo đường sá cho xe tải ra vào, ông đặt vấn đề xin đi nhờ và được chấp thuận. Vậy là, khó khăn về đường đi đã được giải quyết, xe máy, xe tải nhỏ đã có thể đi thẳng vào trong thung.

Ông quyết định xin nghỉ làm công tác chính quyền ở thôn, trực tiếp vào ăn ở trong thung cùng công nhân để phát triển kinh tế đồi rừng. Ông cũng mở rộng thêm diện tích canh tác lên 30ha để thuận lợi phát triển đa dạng các loại cây trồng vật nuôi.

Ông Trịnh bộc bạch: Quyết tâm là thế nhưng quả thực khi bắt tay vào làm chuyên nghiệp thì mới thấy không hề đơn giản, nếu không có tính toán bài bản, phối hợp lấy ngắn nuôi dài thì khó có thể thành công.

Trên cơ sở đó, tận dụng lợi thế bao quanh thung là các loại hoa rừng, rất thích hợp cho việc nuôi ong lấy mật, trong khi mật ong hoa rừng đang rất được thị trường ưa chuộng, ông bắt đầu khôi phục lại đàn ong mà trước đây chỉ nuôi "chơi chơi".

Với cách thức lấy ngắn nuôi dài, phối kết hợp chăn nuôi với trồng trọt, ông Trịnh đang từng bước xây dựng cho mình cơ ngơi giữa núi rừng. Ảnh: Trung Quân.

Với cách thức lấy ngắn nuôi dài, phối kết hợp chăn nuôi với trồng trọt, ông Trịnh đang từng bước xây dựng cho mình cơ ngơi giữa núi rừng. Ảnh: Trung Quân.

Trên cơ sở kinh nghiệm đã có, ông mày mò tìm hiểu, nghiên cứu sâu hơn về kỹ thuật nuôi ong thông qua sách, báo, mạng xã hội. Nhờ đó, đến hiện tại ông đã có cho mình 300 thùng nuôi ong, năm 2021 số tiền thu được từ việc bán mật là 400 triệu đồng. Dự kiến năm nay, ông sẽ thu được 4.500 - 5.000 lít mật ong, với giá bán mật đang ở mức cao, lợi nhuận thu được sẽ cao hơn năm trước.

Bên cạnh đó, ông kết hợp trồng thêm nhiều loại cây có giá trị kinh tế như keo, xoan, sưa, luồng, sắn, cây hoài sơn (bán cho các hiệu thuốc bắc), khoai tam đảo... để liên tục có nguồn thu, quay vòng vốn.  

“Keo, xoan, sưa chưa được thu nhưng đấy là của để dành, việc nuôi ong và các cây trồng khác hiện tại vẫn đáp ứng đủ chi phí cho hoạt động sản xuất, trả lương công nhân, thậm chí có lãi nhẹ nên không quá lo lắng”, ông Trịnh vui vẻ.

Nói về dự định trong thời gian tới, ông Trịnh dự định sẽ đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi thêm lợn rừng để tận dụng nguồn thức ăn có sẵn, kỹ thuật nuôi không quá phức tạp, trong khi đầu ra đang rất khan hàng.

Xem thêm
Nuôi bò 3B thâm canh, tăng trọng gần 1kg/ngày

QUẢNG TRỊ Qua theo dõi, bò lai BBB nuôi theo hình thức thâm canh tăng trọng trung bình 0,9kg/con/ngày, tương ứng 27kg/con/tháng.

Cam kết giảm 10% tỷ lệ tử vong liên quan đến kháng thuốc

HÀ NỘI Tại Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 2024 về kháng thuốc đặt mục tiêu đến 2030, các quốc gia cam kết giảm 10% tỷ lệ tử vong liên quan đến kháng thuốc.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.