| Hotline: 0983.970.780

Lão nông làm đôi gà đẹp nhất Phú Bình

Thứ Tư 13/12/2023 , 17:15 (GMT+7)

THÁI NGUYÊN Ông Nguyễn Văn Tuyên, Giám đốc HTX gà đồi hữu cơ Tân Phú là người phát triển đôi gà đoạt giải nhất Hội thi 'Đôi gà đẹp' lần đầu tổ chức tại huyện Phú Bình.

Huyện Phú Bình có trên 13.000 hộ chăn nuôi gà theo hình thức thả đồi. Ảnh: Quang Linh.

Huyện Phú Bình có trên 13.000 hộ chăn nuôi gà theo hình thức thả đồi. Ảnh: Quang Linh.

Chăn nuôi gà đồi phát triển nhanh

Với tiềm năng về kinh tế vườn, đồi, huyện Phú Bình là địa phương phát triển mô hình chăn nuôi gà thả đồi sớm nhất tỉnh Thái Nguyên, bắt đầu xuất hiện từ năm 2010.

Cùng với cây ăn quả, cây lâm nghiệp, chăn nuôi gà đồi đã giúp người dân nơi đây tận dụng được đất đai, vừa hỗ trợ cây trồng phát triển, mang lại nguồn thu nhập cao và ổn định.

Năm 2014, Nhãn hiệu “Gà đồi Phú Bình” đã được Cục sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Đến nay, huyện Phú Bình có trên 13.000 hộ chăn nuôi gà theo hình thức thả đồi, tập trung chủ yếu ở các xã Tân Khánh, Tân Kim, Tân Hòa… với tổng đàn hơn 4 triệu con, sản lượng trên 20 nghìn tấn, chiếm 63% giá trị sản xuất ngành chăn nuôi.

Qua đó, tạo công ăn việc làm cho khoảng 20.000 lao động, đem lại tổng doanh thu mỗi năm lên đến hàng trăm tỷ đồng. Những giống gà thường được người nuôi yêu thích như gà Ta Lò, Lai Mía, Ri.

Ông Nguyễn Văn Tuyên, Giám đốc HTX Gà đồi Hữu cơ Tân Phú. Ảnh: Quang Linh.

Ông Nguyễn Văn Tuyên, Giám đốc HTX Gà đồi Hữu cơ Tân Phú. Ảnh: Quang Linh.

Người làm đôi gà đẹp nhất Phú Bình

Tại Hội thi "Đôi gà đẹp" tại Chương trình xúc tiến tiêu thụ sản phẩm gà đồi Phú Bình và các nông sản tiêu biểu của tỉnh Thái Nguyên năm 2023 lần thứ I, diễn ra từ ngày 24/11 đến 26/11, đôi gà của xã Tân Khánh do ông Nguyễn Văn Tuyên, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) gà đồi hữu cơ Tân Phú phát triển đã đoạt Giải Nhất và trúng đấu giá 200 triệu đồng. 

Sản phẩm gà nuôi thả đồi của Hợp tác xã gà đồi hữu cơ Tân Phú hiện đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp huyện. Để chăn nuôi gà đồi ngày càng phát triển về quy mô, sản lượng và chất lượng, HTX gà đồi hữu cơ Tân Phú đã xây dựng chuỗi sản xuất, chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào và phương thức tiêu thụ với 8 thành viên.

Chia sẻ về điểm khác biệt của gà đồi Phú Bình so với sản phẩm cùng loại được nuôi ở nơi khác, ông Nguyễn Văn Tuyên, Giám đốc HTX Gà đồi Hữu cơ Tân Phú cho biết: “Gà đồi Phú Bình hiện nay vẫn giữ được đặc tính của con gà Ri cổ, hoang dã. Con gà sống ở môi trường đồi, núi, ưa bay nhảy, vận động nhiều, giúp thớ thịt rắn, cơ chắc, da giòn. Gà cũng có màu lông đẹp, nhiều màu, mào to, đuôi dài, chân vàng tía…”

Để tạo ra sản phẩm gà đồi chất lượng cao, ông Nguyễn Văn Tuyên nhấn mạnh phải áp dụng mô hình chăn nuôi sạch từ tuyển chọn con giống, chăm sóc đến tiêu thụ.

Gà được phân thành từng khu theo độ tuổi để có chế độ chăm sóc phù hợp. Gà được thả vườn với thức ăn thường được tận dụng từ thiên nhiên hoặc các phụ phẩm nông nghiệp như ngô, cám, rau xanh để bảo đảm đủ thành phần dinh dưỡng cũng như an toàn vệ sinh thực phẩm; chuồng trại được vệ sinh, tiêu độc khử trùng thường xuyên, tiêm vacxin phòng bệnh đầy đủ…

Với mong muốn nâng cao giá trị sản phẩm gà đồi Phú Bình, ông Tuyên cùng các thành viên HTX Gà đồi Hữu cơ Tân Phú đang chăn nuôi theo hướng hữu cơ và chuẩn bị tiến tới chăn nuôi theo tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam.

HTX Gà đồi Hữu cơ Tân Phú đã phối hợp cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị nghiên cứu để xây dựng mô hình trình diễn gà sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ để vận động bà con chuyển đổi sản xuất cũng như thu hút đầu tư.

“Cái khó khi chuyển hẳn sang chăn nuôi theo tiêu chuẩn hữu cơ là phải chủ động được nguồn thức ăn vật nuôi khi sản lượng vùng nguyên liệu ngô có chứng nhận hữu cơ trong nước gần như không có và phần lớn vẫn phải nhập khẩu ngô biến đổi gen từ nước ngoài.

Nếu thực hiện được quy trình chăn nuôi theo tiêu chuẩn hữu cơ, giá trị sản phẩm sẽ tăng vọt, môi trường sống của con người sẽ được cải thiện, vật nuôi giảm sử dụng thuốc kháng sinh…”, ông Tuyên nhận định.

Xây dựng vùng, cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh

Xác định gà đồi là 1 trong 8 sản phẩm chủ lực của địa phương, từ năm 2021 đến nay, huyện Phú Bình đã chú trọng xây dựng các vùng, cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh.

Hàng năm, từ các nguồn vốn lồng ghép, huyện đã phân bổ kinh phí để hỗ trợ các mô hình chăn nuôi gà theo tiêu chuẩn VietGAP, hướng hữu cơ, đặc biệt là phát triển các sản phẩm chế biến sâu.

Huyện cũng khuyến khích các hộ chăn nuôi tự phối chế thức ăn từ nguyên liệu sẵn có của địa phương để hạ giá thành sản phẩm đầu vào. Xây dựng các mô hình theo chuỗi từ chăn nuôi gà đồi đến tiêu thụ sản phẩm an toàn…

Đồng thời UBND huyện Phú Bình đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích thành lập các HTX, Tổ hợp tác sản xuất để hình thành các đầu mối liên kết với các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm.

Xem thêm
Vật nuôi khốn đốn vì mưa lạnh kéo dài

BÌNH ĐỊNH Thời gian gần đây, Bình Định có mưa lạnh kéo dài, khiến sức đề kháng của vật nuôi giảm sút, đây là cơ hội để dịch bệnh phát sinh, người chăn nuôi lo ngay ngáy.

Khoai tây trước cơ hội thành cây vụ đông chủ lực của Hà Nội

Đứng trên bờ nhìn cánh đồng khoai tây rộng 10ha của xã Tự Lập (huyện Mê Linh, Hà Nội) chưa thỏa, nhiều bà con còn tò mò xuống bới củ, sờ hoa, sờ lá.

Triển khai dự án chuyển đổi số ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL

Bộ NN-PTNT đầu tư dự án nghiên cứu chuyển đổi số ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.