Lênh đênh khám phá vùng hồ Thác Bà đang trở thành trào lưu đối với nhiều du khách…
Một góc hồ Thác Bà |
Một chuyến đi dài và lâu nhất trên hồ Thác Bà của tôi vào năm 1989 hay 1990 mà tôi không còn nhớ rõ để viết phóng sự “96 giờ trên huyện hồ Thác Bà”. Chuyến đi ấy trên chiếc xuồng máy, mái lợp cọ, phía trên đan một tấm phên bằng cật tre để những tấm lá cọ không bị gió thổi bay. Người lái là Nguyễn Văn Cách, anh làm trong nhóm bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên hồ. Với trên 1.300 hòn đảo, tạo ra hàng ngàn ngách hồ, vậy mà anh nhớ không sót một ngách nào. Người ta đặt cho anh cái biệt danh “cảnh sát trưởng” vùng hồ. Hễ nghe nơi nào đánh mìn, chỉ ít giờ sau là anh có mặt. Anh xuất hiện như từ dưới nước lên, khiến nhiều người đánh bắt cá phi pháp trên hồ trở tay không kịp.
Ròng rã 4 ngày trời chúng tôi phiêu du khắp các xã phía đông hồ Thác Bà: Cẩm Nhân, Tích Cốc, Xuân Lai, Mỹ Gia, Xuân Long… Cùng đi có ông Đào Duy Vượng, Chánh văn phòng UBND huyện Yên Bình, ngày thì trên hồ, tối thì dạt vào nhà dân bên hồ nghỉ. Chúng tôi đến thăm và nghỉ tại nhà của nhà văn Hoàng Hạc ở xã Xuân Lai, khi đó ông đã về hưu được mấy năm.
Câu cá trên hồ |
Tháng 12/1984 tôi chuyển về Hội Văn học Nghệ thuật Hoàng Liên Sơn ở cùng dãy nhà với ông, khi đó ông đang là Phó Giám đốc Sở Văn hóa kiêm Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Hoàng Liên Sơn. Đã mấy năm không gặp được bạn văn, thấy tôi ông mừng lắm đọc câu thơ Bút Tre: Hoan hô đồng chí Thái Sinh/ Mang một chút tình đến với Xuân Lai. Đêm ấy tôi với ông ngồi uống rượu thâu đêm, khi tất cả mọi người đã ngủ ông vẫn say mê kể chuyện văn. Những tác phẩm nổi tiếng của ông: Ké Nàm, Khảm hải, Hươu và rùa, Xứ lạ mường trên, Hạt giống mới… là những truyện ông viết về bản làng, dân tộc và cuộc đời ông quanh hồ Thác Bà.
Mãi sau này tôi mới biết, ông xuất thân từ một thầy tạo. Ông được cha là cụ Hoàng Văn Sình, một thầy tạo cao tay nhất vùng lòng hồ Thác Bà những năm 1930-1940 đã mời thầy về dạy cho ông chữ nho, rồi dạy ông cách cúng, bắt vía trừ tà, xem đất, xem ngày, cúng tiễn đưa linh hồn người đã khuất về nơi yên nghỉ… Giống như cha, ông nổi tiếng là một thầy tạo khi còn rất trẻ. Một thời người ta coi thường những người làm nghề thầy mo, thầy cúng, thầy tạo. Nhưng chính họ không biết rằng những người đó là trí thức của cộng đồng các dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc, những người gìn giữ những giá trị văn hóa dân gian. Nói chuyện với ông mới thấu hiểu văn hóa dân tộc Tày từ chuyện dựng nhà, hỏi vợ, gả chồng, ma chay, cúng bái, lễ tết… Bởi thế văn của ông thấm đẫm văn hóa Tày.
Những ngôi nhà sàn dân dã trên các đảo hồ |
Ẩn sâu dưới lòng hồ Thác Bà là một vùng văn hóa đa sắc tộc, tại chính nơi đây hai anh em họ Vũ là Vũ Công Uyên, Vũ Công Mật đã khởi sự sau khi tiêu diệt tù trưởng Đại Đồng để từ đó mở rộng thanh thế lên các tỉnh vùng Tây Bắc. Những hang động nổi tiếng như Hang Hùm, hang Tỉnh ủy, động Xuân Long, hang chùa São… Trước khi tích nước hồ thủy điện Thác Bà, năm 1964 người ta đã tiến hành khai quật hang Hùm. Tại đây các chuyên gia người Đức phát hiện dấu tích của người Việt cổ cách nay 14,8 vạn năm.
Hang chùa São ở trong hang núi nằm ngay bên mép nước hồ Thác Bà. Cách nay gần 50 năm, trước mặt chùa khoảng hai cây số là Lục Yên châu, thủ phủ của huyện Lục Yên xưa, sau khi nước hồ dâng huyện lỵ Lục Yên chuyển về thị trấn Yên Thế.
Lục Yên châu là một vùng đất trù phú nằm cạnh bờ sông Chảy, từ lâu đã nổi tiếng sầm uất ngày đêm tấp nập cảnh trên bến dưới thuyền. Đây là mảnh đất giàu có và yên bình bậc nhất dọc sông Chảy, có lẽ vì thế mà người ta mới gọi là Lục Yên châu. Thế kỷ thứ XIII-XIV thuộc triều Trần, cư dân bản địa đã chọn hang đá nằm ngang sườn núi làm nơi thờ phật với tên gọi là chùa São, tên chữ là Hương Thảo tự.
Còn một ngôi chùa nữa nằm dưới chân núi, sau nhiều năm không được tu sửa ngôi chùa đã sụp đổ, dấu tích còn lại là nền ngôi chùa nằm trong khuôn viên trường tiểu học xã Tân Lập và nhà ông Hoàng Thanh Nghị. Chùa trên hang núi gọi là chùa hang hoàn toàn do thiên tạo. Chùa hang gồm 3 chùa nằm ở ba vị trí khác nhau từ thấp lên cao: Chùa Hạ, chùa Trung và chùa Thượng. Ngôi chùa khá linh thiêng, có người đã lấy đồ thờ cúng ở đây chưa kịp mang đi tiêu thụ đã lăn đùng ra ốm, phải làm lễ trả lại đồ cúng vào chùa mới khỏi ốm.
Du khách tham quan đảo hồ |
Từ trên núi Hắc Y nhìn ra sông Chảy bên dưới là bến Lăn, mùa mưa nước hồ dâng ngập chợ Tân Lĩnh. Nơi đây có chùa Thượng Miện, chùa Vàng, chùa Dõng, chùa Tháp Bảo... đây cũng là nơi Vũ Văn Mật xây dựng võ trường huấn luyện binh sĩ. Trải qua mấy trăm năm, bây giờ người ta còn thấy nhiều dấu vết thành lũy, hào sâu, thành quách của anh em Vũ Văn Uyên, Vũ Văn Mật xây dựng dọc sông Chảy lên tới tận Tuyên Quang.
Đã bao lần tôi lênh đênh trên hồ Thác Bà nhằm khám phá những điều bí ẩn chứa quanh hồ và những câu chuyện lạ trong dân gian, lần này thì quyết định theo những người bạn đi chơi hồ một cách dân dã để tận hưởng non nước, mây trời ngồn ngộn trên hồ.
Thuyền đưa chúng tôi lên hòn đảo trang trại gia đình ông Vũ Mạnh Trí, đi xuống máy từ bến cảng Hương Lý chừng một tiếng đồng hồ thì tới nơi. Trang trại của gia đình ông rộng 5 ha nuôi một đàn lợn rừng cùng rất nhiều gà và chim câu. Buổi sáng ông xua lũ lợn rừng bơi sang hòn đảo bên cạnh, tối lũ lợn rừng lại bơi về. Ông làm một ngôi nhà sàn nhỏ nhìn ra mặt hồ, nằm trên ngôi nhà sàn này đón gió lồng lộng từ ngoài hồ mát rượi thổi vào. Những người bạn của tôi xuống hồ câu cá, còn tôi lang thang trong rừng keo đang khép tán. Ông Trí bắt gà và cá dưới hồ làm cơm đãi khách.
Vào hai ngày nghỉ cuối tuần trang trại của ông luôn kín khách. Bởi thế, người ta phải đăng ký trước vài ngày, đoàn khách nào muốn ăn thịt lợn rừng thì phải báo để ông bắt từ đêm hôm trước. Mô hình du lịch trang trại hồ mới bắt đầu từ mấy năm nay, số lượng chưa nhiều khoảng hơn chục trang trại nhưng khá hấp dẫn. Những người tới đây dường như đều quên hết cuộc sống xô bồ ở chốn thị thành để tận hưởng khí trời trong lành và mát mẻ, tận hưởng gió mây lồng lộng.
Ông Trí nổi lửa nướng thịt gà bằng cây màng tang, mùi nhựa thơm hăng hắc quyện với gừng, củ sả và mắc khén, mỡ chảy xuống lớp than đỏ rực cháy xèo xèo thơm lừng…
Nướng gà, cá |