| Hotline: 0983.970.780

Liên kết sản xuất lúa giống ngày càng 'đi xuống'

Chủ Nhật 07/05/2023 , 06:29 (GMT+7)

BÌNH ĐỊNH Nhờ lợi thế mùa vụ ‘vênh’ với miền Bắc, trước đây nhiều doanh nghiệp đến Bình Định liên kết sản xuất lúa giống cung ứng cho thị trường miền Bắc, nhưng đang dần thoái trào.

Liên kết sản xuất lúa giống, lợi nhiều bề

Những năm qua, nhiều doanh nghiệp giống cây trồng vào Bình Định liên kết với các HTX nông nghiệp sản xuất lúa giống để cung ứng cho nông dân các tỉnh miền Bắc. Đến nay, UBND tỉnh Bình Định đã phê duyệt 8 dự án liên kết sản xuất lúa giống theo Quyết định 38/2019/QĐ-UBND ngày 19/7/2019, quy mô diện tích hơn 982ha với 4.276 hộ nông dân tham gia.

Lãnh đạo Sở NN-PTNT Bình Định thăm cánh đồng sản xuất lúa giống của HTX Nông nghiệp 2 Nhơn Thọ (thị xã An Nhơn, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Lãnh đạo Sở NN-PTNT Bình Định thăm cánh đồng sản xuất lúa giống của HTX Nông nghiệp 2 Nhơn Thọ (thị xã An Nhơn, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Theo ông Phạm Văn Tân, Giám đốc HTX Nông nghiệp 2 Nhơn Thọ (thị xã An Nhơn, Bình Định), xây dựng được chuỗi liên kết sản xuất lúa giống,nông dân tham gia được hỗ trợ đầu vào gồm vật tư, giống, kỹ thuật; sản phẩm được doanh nghiệp bao tiêu với giá cao hơn lúa thương phẩm. Doanh nghiệp thu mua 1kg lúa giống trả tiền bằng 1,3kg lúa thương phẩm nên thu nhập của bà con tăng lên. HTX là đơn vị trung gian có thêm lợi nhuận để mở rộng hoạt động, hình thành thêm các chuỗi liên kết khác...

Lợi ích rõ nhất trong liên kết sản xuất lúa giống là hình thành được chuỗi sản xuất quy mô tập trung, đảm bảo về chất lượng và ổn định trong tiêu thụ, gia tăng hiệu quả kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích canh tác, tăng vai trò kết nối trong tiêu thụ nông sản địa phương.

“Nhiều năm nay, HTX Nông nghiệp 2 Nhơn Thọ giữ vững mối liên kết sản xuất tiêu thụ lúa giống với Công ty Cổ phần Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình (ThaiBinh Seed) và Công ty Cổ phần Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed). HTX chúng tôi liên kết với 2 doanh nghiệp nói trên sản xuất lúa giống 2 vụ/năm với diện tích hơn 200ha.

Vụ đông xuân 2022 - 2023, HTX sản xuất khoảng 110ha lúa giống. Vụ đông xuân này giá lúa thương phẩm trên địa bàn dao động từ 7.100 - 7.800đ/kg, nhưng lúa giống nhập cho doanh nghiệp được tính giá đế 9.500đ/kg, vụ này nông dân sản xuất lúa giống lãi khá nhờ vừa trúng mùa vừa trúng giá”, ông Phạm Văn Tân, Giám đốc HTX Nông nghiệp 2 Nhơn Thọ cho hay.

Sân phơi lúa giống của HTX Nông nghiệp 2 Nhơn Thọ (thị xã An Nhơn, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Sân phơi lúa giống của HTX Nông nghiệp 2 Nhơn Thọ (thị xã An Nhơn, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Ðến nay, trên địa bàn Bình Định có 57 HTX nông nghiệp xây dựng được chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản gồm lúa giống, bắp (ngô), đậu phụng (lạc), nhưng nhiều nhất là liên kết sản xuất lúa giống.

Những đơn vị giữ vững mối liên kết suốt nhiều năm qua, góp phần mang lại thu nhập cho nông dân điển hình như HTX Nông nghiệp Nhơn Thọ 2 (thị xã An Nhơn); Phước Hưng, Phước Sơn 1 và Phước Sơn, Phước Quang, Phước Hiệp (huyện Tuy Phước); Ngọc An (thị xã Hoài Nhơn); Ân Tín, Thanh niên (huyện Hoài Ân); Tây Giang, Tây Thuận, Thuận Nghĩa (huyện Tây Sơn)…

Liên kết sản xuất lúa giống có xu hướng giảm

Nông dân tham gia liên kết sản xuất lúa giống ngoài tăng thêm thu nhập còn được hưởng thêm lợi ích lớn hơn là tiếp cận được các tiến bộ kỹ thuật trong canh tác lúa. Thế nhưng ngoài 8 dự án sản xuất lúa giống mà UBND tỉnh Bình Định phê duyệt từ năm 2019, đến nay chưa có thêm mối liên kết mới, diện tích sản xuất có chiều hướng giảm.

Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Định, trong vụ đông xuân 2022 - 2023 vừa qua, tỉnh này thực hiện được 8 dự án cánh đồng lớn liên kết sản xuất lúa giống và 30 cánh đồng liên kết sản xuất lúa giống với tổng diện tích hơn 2.000ha, giảm 63ha so cùng kỳ. Các vùng sản xuất lúa giống tập trung ở thị xã An Nhơn, huyện Tuy Phước, thị xã Hoài Nhơn và huyện Phù Cát... Ngoài ra, UBND huyện Tây Sơn đã phê duyệt 2 kế hoạch liên kết sản xuất lúa thương phẩm ở xã Bình Tường với 100ha và xã Tây Phú 80ha.

“Diện tích liên kết sản xuất lúa giống giảm là do các doanh nghiệp giảm sản lượng thu mua; nhiều HTX nông nghiệp không đảm bảo các điều kiện về nhà kho, sân phơi, máy sấy… phục vụ nhu cầu mua lúa khô của các doanh nghiệp.

Tham gia dự án liên kết sản xuất lúa giống, ngoài tăng thêm thu nhập, nông dân Bình Định còn được tiếp cận với các tiến bộ kỹ thuật trong canh tác lúa. Ảnh: V.Đ.T.

Tham gia dự án liên kết sản xuất lúa giống, ngoài tăng thêm thu nhập, nông dân Bình Định còn được tiếp cận với các tiến bộ kỹ thuật trong canh tác lúa. Ảnh: V.Đ.T.

Sản xuất lúa giống ở Bình Định chủ yếu duy trì các mối liên kết cũ với ThaiBinh Seed, Vinaseed, Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ… đã được xây dừng nhiều năm nay. Việc xây dựng mới và mở rộng đối tượng cây trồng gặp khó khăn do không có doanh nghiệp tham gia vào chuỗi liên kết”, ông Kiều Văn Cang, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Định chia sẻ.

“Trong lộ trình phát triển kinh tế tập thể và HTX giai đoạn 2021 - 2025, huyện Tuy Phước đầu tư cho các HTX nông nghiệp trên địa bàn phát triển các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản, từng bước ổn định đầu vào, đảm bảo đầu ra cho nông dân, tăng hiệu quả kinh tế cho HTX.

Thế mạnh của Tuy Phước là phát triển các mô hình cánh đồng lớn, cánh đồng liên kết trong sản xuất và tiêu thụ lúa giống, huyện có chính sách hỗ trợ các HTX nông nghiệp đầu tư xây dựng kho bãi, sân phơi đáp ứng điều kiện tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm của các doanh nghiệp”, ông Phan Văn Khiêm, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tuy Phước (Bình Định) cho hay.

Xem thêm
Phương châm '3 đủ' trong phòng chống đói, rét cho gia súc

Thái Nguyên Tại huyện Phú Lương, công tác phòng chống đói, rét được thực hiện với phương trâm '3 đủ' là đủ ấm, đủ no, đủ vacxin và thú y phòng dịch.

Biên Hòa phát hiện, xử lý các lò mổ lậu

Đồng Nai Lực lượng liên ngành thành phố Biên Hòa đang tăng cường kiểm tra, xử lý các điểm giết mổ không phép trên địa bàn, nhất là trong giai đoạn cuối năm.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.