Ông cũng cáo buộc Bắc Kinh tìm kiếm bá quyền tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương trong tương lai gần nhằm thay thế Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Patrick Shanahan (Ảnh: Getty) |
Các máy bay ném bom, tên lửa siêu thanh, các vụ tấn công mạng, các vũ khí chống vệ tinh... từ Trung Quốc.
Theo hãng tin AP, ở một mức độ đáng chú ý, đề xuất ngân sách năm 2020 của Lầu Năm Góc được định hình bởi các mối đe dọa an ninh quốc gia mà Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan tóm tắt trong 3 từ: “Trung Quốc, Trung Quốc, Trung Quốc”.
Mặc dù Mỹ vẫn đang vướng vào các cuộc chiến chống lại phiến quân Hồi giáo, và Nga được xem là mối đe dọa nghiêm trọng, nhưng ông Shanahan muốn chuyển sự chú ý chính của quân đội sang điều mà ông xem là vấn đề an ninh cấp bách hơn: một quân đội Trung Quốc đang mạnh lên nhanh chóng.
Điểm nhấn trên, mà ông Shanahan phác thảo hôm 14/3 trong một phiên điều trần khi trình đề xuất ngân sách quốc phòng năm 2020 lên Ủy ban quân vụ Thượng viện Mỹ, đang cạnh tranh để tìm kiếm sự ảnh hưởng đối với các vấn đề trước mắt hơn, như nỗ lực của Tổng thống Donald Trump nhằm dùng quân đội để xây bức tường biên giới với Mexico.
Phiên điều trần dường như đã dành nhiều thời gian hơn về bức tường biên giới và các viễn cảnh sử dụng các quỹ của quân đội để xây dựng nó hơn là về bất kỳ khía cạnh nào của chính sách ngoại giao, trong đó có cuộc xung đột tại Syria, sự cạnh tranh quân sự với Nga, Trung Quốc hay Triều Tiên.
Ông Shanahan không phải là bộ trưởng quốc phòng đầu tiên bày tỏ lo ngại về Trung Quốc. Vài người tiền nhiệm của ông cũng theo đuổi “chính sách xoay trục” sang châu Á của chính quyền Barack Obama, trong đó Trung Quốc là trọng tâm. Nhưng ông Shanahan xem đó là vấn đề ngày càng cấp bách, vượt quá các phương thức truyền thống về sức mạnh quân sự và vượt mọi ưu tiên đảng phái.
“Chúng ta đã phát lờ vấn đề quá lâu”, ông Shanahan nói với một nghị sĩ.
“Trung Quốc đang tích cực hiện đại hóa quân đội, đánh cắp có hệ thống khoa học và công nghệ và tìm kiếm lợi thế quân sự thông qua một chiến lược hợp nhất quân sự - dân sự”, ông viết trong một bản điều trần trước Ủy ban quân vụ Thượng viện Mỹ, vốn đang cân nhắc ngân sách 718 tỷ USD của Lầu Năm Góc được lên kế một phần nhằm đối trọng với đà tiến của Trung Quốc.
Ví dụ, khoản 25 tỷ USD mà Lầu Năm Góc đang đề xuất chi cho các vũ khí hạt nhân vào năm 2020 là nhằm một phần giữ lợi thế so với kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc, vốn nhỏ hơn của Mỹ nhưng đang tăng lên. Ông Shanahan nói rằng Bắc Kinh đang phát triển máy bay ném bom tầm xa có thể mang vũ khí hạt nhân, mà nếu thành công, có thể cho phép Trung Quốc đuổi kịp Mỹ và Nga, những nước duy nhất có vũ khí hạt nhân cả trên bộ, trên không và trên biển.
Quyền Bộ trưởng Shanahan đã liệt kê một loạt tiến bộ khác của Trung Quốc - tên lửa siêu thanh mà Mỹ có khả năng phòng giới hạn; các bệ phóng tên lửa và các nỗ lực khác vốn cho phép Bắc Kinh có thể chiến đấu trong các cuộc chiến trên vũ trụ; đánh cắp có hệ thống công nghệ của Mỹ và đồng minh, và quân sự hóa các thực thể ở Biển Đông.
"Không chỉ về quân sự"
Bonnie Glaser, giám đốc Dự án sức mạnh Trung Quốc tại Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS), cho hay Mỹ thiếu các chiến lược hiệu quả để cạnh tranh với Trung Quốc trên quy mô rộng.
“Chúng ta đã hơi chậm trong việc bắt kịp” trong các lĩnh vực như hạn chế tham vọng của Trung Quốc trong khu vực, trong đó có các nỗ lực nhằm kiểm soát hoàn toàn Biển Đông, bà Glaser nói về các lo ngại của Quyền Bộ trưởng Shanahan.
Một số nhà phân tích quốc phòng cho rằng ông Shanahan và Lầu Năm Góc đã thổi phồng mối đe dọa Trung Quốc.
“Tôi nghĩ cần đặt câu hỏi rằng chính xác điều gì đang gây lo ngại về hành động của Trung Quốc”, Christopher Preble, phó chủ tịch về nghiên cứu chính sách ngoại giao và quốc phòng tại Viện Cato, nói. Ông không coi Trung Quốc là vấn đề an ninh, nhưng nghi ngờ rằng quân đội Mỹ là cơ quan phù hợp nhất để đối phó với các thách thức phi quân sự, nhưng các cuộc tấn công mạng nhằm vào các mạng lưới thương mại của Mỹ.
Theo quan điểm của ông Preble, một cuộc cạnh tranh với Trung Quốc không chỉ về mặt quân sự.
“Tôi vẫn không tin bản chất mối đe dọa là nghiêm trọng đến mức như Lầu Năm Góc nói”, ông Preble nói. “Họ có khuynh hướng phóng đại bản chất của mối đe dọa”.
Trong vị trí Thứ trưởng quốc phòng trước đó, ông Shanahan và cựu Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis đã phác thảo một chiến lược quốc phòng quốc gia vốn đặt Trung Quốc ở đầu danh cách các vấn đề cần đối phó.
“Khi Trung Quốc tiếp tục phát triển về kinh tế và quân sự, khẳng định quyền lực thông qua một chiến lược tổng thể lâu dài, nước này sẽ tiếp tục theo đuổi một chương trình hiện đại hóa quân đội nhằm tìm kiếm sự bá quyền ở Ấn Độ - Thái Bình Dương trong tương lai gần và tìm cách thay thế Mỹ để đạt được ưu thế toàn cầu trong tương lai”, tài liệu chiến lược đó viết.
Điều đó phần nào lý giải vì sao Mỹ đang chi hàng tỷ USD cho không gian, trong đó có các phương tiện bảo vệ vệ tinh chống lại nguy cơ tấn công tiềm tàng từ Bắc Kinh, và chế tạo tên lửa siêu thanh để giữ lợi thế trước sự phát triển vũ khí của Nga và Trung Quốc.
Nó cũng lý giải một phần về kế hoạch chuẩn bị cho tàu sân bay USS Harry Truman nghỉ hưu sớm, một chiến lược để chuẩn bị cho một cuộc xung đột vũ trang tiềm tàng với Trung Quốc trong tương lai.