| Hotline: 0983.970.780

Lo lắng khi con gái "nổi loạn"

Thứ Tư 16/05/2012 , 10:09 (GMT+7)

Em thấy bất mãn với cô con gái nhỏ này lắm chị ơi. Xung quanh đầy cạm bẫy mà con mình thì ngây dại và ham chơi.

Ảnh minh họa
Chị Dạ Hương kính mến!

Em là một người mẹ cách đây 2 năm đã nhờ chị tư vấn về việc quản lý và dạy dỗ con gái. Chị nhớ không, năm đó cháu đang học lớp 8 bỗng dưng sa sút, thay đổi tâm tính và ham chơi.

Nhờ chị tư vấn, em đã tìm người nhờ ôn luyện lại toàn bộ kiến thức lớp 8 cho con, tăng cường quản lý và dành hầu hết thời gian cho con ngoài công việc cơ quan. Gian nan lắm chị ơi. May mắn là em đã không uổng công. Kỳ thi cấp III nó đã vào được một trường tốt với số điểm cao hoàn toàn bằng thực lực của nó. Em rất cảm ơn chị nhưng cũng chưa phản hồi thông tin cho chị biết để chia vui với mẹ con em.

Hiện em lại bất an vì cô con gái này. Em một lần nữa lại xin ý kiến chị.

Chuyện là thế này: Sau khi con vào cấp III, em thưởng nó một chuyến du lịch xuyên Việt 1 tháng, chủ yếu ở lâu tại Sài Gòn (gia đình bên em đã chuyển hầu hết vào Sài Gòn và miền đông Nam bộ nhiều năm nay). Ông bà, cậu dì, anh chị ai cũng thở phào cho mẹ con em và ai cũng có phần thưởng cho nó, chủ yếu là quần áo đẹp, đồ dùng và nữ trang…

Con bé bước vào lớp 10 với rất nhiều ưu thế: Điểm số đầu vào, ngoại hình khá, chữ viết tốt, trên hết là có mẹ luôn theo sát. Nhưng chỉ được thời gian ngắn nó lại kết bạn với những đứa con gái ham chơi, lắm chiêu nhiều trò, thích ăn diện, sành điệu. Em cấm thì nó hẹn nhau ở trường, học xong không mấy khi về nhà. Hôm thì rủ nhau ăn quà vặt, hôm thì đi mua đồ cho một đứa nào đó trong bọn, hôm thì chơi thể thao…

Mẹ cật vấn thì dối quanh, rồi ngụy biện. Con gái mười lăm như bông hoa đang nở, ra khỏi nhà là có người để ý, có đứa tán tỉnh trêu đùa, nó không biết đó là tai họa mà còn thích thú với những lời khen và hình như cố gắng về ngoại hình để được khen nhiều hơn. Việc học hành nó vẫn chăm chỉ, mẹ vẫn thúc giục nhưng không mấy khả quan. Em lại dùng sách lược là gửi gắm cho nó học thêm mấy môn chính ở nhà thầy cô. Cuối tuần, anh trai nó ở Hà Nội về kiểm tra bài vở.

Em thấy bất mãn với cô con gái nhỏ này lắm chị ơi. Xung quanh đầy cạm bẫy mà con mình thì ngây dại và ham chơi. Chằng bù cho thằng anh nó vừa giỏi giang vừa trách nhiệm. Em không biết quản lý con bằng cách nào, cũng không thể bảo bọc mãi được. Chị ơi em phải làm gì để giúp con mình vượt qua giai đoạn này cho an toàn và học tốt lên.

Em gái (Bắc Ninh)

Em thân mến!

Mừng vì em đã có giải pháp đúng đắn để con gái vượt qua lớp 9 và lên được lớp 10. Nhưng hình như em đã sai khi biến vui mừng thành những phần thưởng quá ư vật chật.

Chị nhớ thời mình hồi nhỏ. Một bầy sáu chị em của chị mồ côi cha sớm, cô ruột rất nghiêm khắc, không cho đứa nào xâu lỗ tai sớm cả. Cô bảo sáu đứa đòi sáu đôi hoa tai thì chết à, đua đòi, ganh tỵ, hư hốt, khi nào chồng dạm hỏi thì xâu tai cũng kịp chán. Lúc nào cũng phải lo học và lo giúp đỡ gia đình. Vì vậy mà lớn lên đứa nào cũng giỏi bếp núc, biết quán xuyến nhà cửa, biết quý đồng tiền và trên hết, biết sống có trách nhiệm với người thân.

Vậy đó. Tuổi thiếu nữ đứa nào cũng bóng sắc, bề ngoài, thích đẹp và thích được khen đẹp. Mình buông tay một lúc thì nó sổng nhà ngay. Là lứa tuổi nó lật đật vậy đó. Mình giữ con bằng sự hấp dẫn của mái nhà, quà không gì hơn là quà sách (quà quần áo đẹp và nữ trang thì khác nào xui nó diện đi, chơi đi). Sai lầm của em là cho nó đi xuyên Việt như một người thành đạt trong khi phần thưởng ấy có thể là đi chùa, đi từ thiện, hay làm gia sư không công cho ai đó ở phố, trong họ…

Chúng ta luôn sợ con mình thiếu, thực ra nó chỉ thiếu lòng nhân ái mà thôi. Khi nó chưa vững mà lại hơi bị đẹp thì càng không để cho nó đẹp. Cô biết một bà hàng xóm có đứa cháu ngoại cực ký lười biếng và ích kỷ, vậy mà gặp cháu là bà hay khen: Con này đẹp quá, đi thi hoa hậu được đấy. Bà mà còn giao đãi với nó trong khi đáng ra phải nghiêm mặt trách cứ và bảo ban cho nó bớt chây ỳ đi.

Em đừng hốt hoảng. Vẫn còn kịp. Hãy từ từ gò con vào công việc với mẹ trong nhà trong bếp. Hãy kiểm soát những mối bạn bè của nó, để nó dừng lại được, rồi mình làm thân với những đứa giỏi trong lớp và làm quen với bố mẹ chúng và mời những đứa ấy về chơi. Nó sắp xong lớp 10, mấy tháng hè em phải làm cho nó xa bạn cũ và năm mới sẽ là bạn mới. Nếu ở phía Nam có bà con nào tin cậy, em gửi nó đi hè trong này đi. Trong những ngày đó, em lặng lẽ xem gia đình các bạn lớp 10 nó ra sao. Gần mực thì đen, chúng nó là những đứa lười học, ham chơi, nói dối và rồi sẽ cặp bồ sớm, nhảy nhót, đua xe và cuối cùng, nhậu nhẹt hút hít. Con gái thời nay hư hốt chơi bời, hỗn ẩu không thua gì con trai, lại có nguy cơ bầu bì mà bố mẹ phát hiện muộn, đúng là hũ mắm treo đầu giàn.

Không đầu hàng, không mắng chửi cũng không tuyên chiến. Đối thoại, dịu dàng mà nghiêm khắc và làm cho con biết thương mẹ, nó sẽ tốt lên từ tình thương này. Vấn đề là hành vi mỗi ngày của mình phải có sức cảm hóa lớn cho con. Con gái hay gần gũi mẹ, nếu nó chống mẹ, hãy xem lại chính mình.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm