| Hotline: 0983.970.780

Lo lắng người yêu thay đổi

Thứ Ba 21/09/2010 , 11:57 (GMT+7)

Một tháng nay con thấy anh thay đổi. Con đã gặp anh nói chuyện và khóc. Phải chăng niềm tin trong con đã lụi tàn?

Ảnh minh họa
Cô Dạ Hương kính mến!

Con và anh quen nhau cách đây 1 năm khi con mới bắt đầu công việc của một cô bưu điện văn hóa xã (BĐVH), một xã vùng núi. Thực ra trước đó người yêu của con thời cấp III là T và con lỡ có thai với người ấy. T buông xuôi và bỏ rơi con mặc con trong tình trạng tột cùng đau khổ. Con quyết định bỏ cái thai và làm lại cuộc đời mình, bỏ qua sự soi mói, đàm tiếu của mọi người. May sao công việc vẫn ổn và bạn bè vẫn gần gũi động viên con.

Anh qua lại nhà con chơi, hỏi thăm, động viên. Mấy tháng sau anh ngỏ lời yêu và mong con vượt qua mặc cảm trong quá khứ. Con và T đã có 4 năm yêu nhau, để quên T đâu có dễ, đúng không cô? Lúc đầu con cảm thấy hối hận vì anh như lấp chỗ trống, thời gian trôi đi, con thấy mình thật may mắn khi có anh, cô ạ.

Ở bên con anh thường kể chuyện hoặc hát cho con nghe và chẳng bao giờ hỏi chuyện về T. Ngày Tết anh đưa con về ra mắt gia đình, ngày đại thọ của bà nội anh cũng đón con về chơi. Anh đã đưa bố mẹ tới ngỏ lời với bên con. Trong lòng con, nhà anh như nhà chồng và anh như là người chồng đã cưới của mình. Con thấy bố mẹ anh có vẻ đã chấp nhận con nhưng con vẫn lo, nếu biết quá khứ của con liệu họ có xét lại không?

Một tháng nay con thấy anh thay đổi. Thậm chí 2 ngày không thấy nhắn tin. Do trước không chịu học hành nên mãi mới tốt nghiệp 12 bổ túc văn hóa rồi đi học nghề, giờ anh lái xe giao hàng thuê cho một người bà con kiêm luôn kế toán. Công việc bận, vất vả nên con luôn chủ động gọi điện hay nhắn tin để động viên. Một lần con nhận được số máy lạ, thì ra là người yêu cũ của anh. Chúng con nói chuyện và con biết chị ấy chưa lấy chồng và vẫn yêu anh. Có những lần đi chơi với anh, bạn anh hỏi có phải con ở xã X, con chạnh nghĩ, anh có người khác nữa sao? Hỏi thì anh nói người ấy chỉ là bạn, đã có chồng trong Nam, mới cưới. Cô ơi, người yêu cũ của anh tấn công anh rất mạnh, con cứ nhấp nhổm băn khoăn. Con thấy anh xa lạ, lạnh nhạt, hờ hững, không ấm áp tràn ngập yêu thương như trước. Nếu mất anh con không biết mình có đứng dậy được nữa không?

Con đã gặp anh nói chuyện và khóc. Phải chăng niềm tin trong con đã lụi tàn? Năm nay con 23, anh cũng 28 rồi nhưng không dám giục "mình cưới đi anh" và cũng không nghe anh đá động chuyện này. Lui tới nhà anh, bố mẹ anh hỏi "hai đứa sao rồi", con không biết nên trả lời thế nào nữa.

Con mong sớm nhận được lời khuyên của cô.

Đừng in tên và địa chỉ con lên, cô nhé.

Cháu thân mến!

Quan sát các cô gái mình với các cô ở các nước văn minh, cô thấy có một điểm khác nhau rất quan trọng: Phụ nữ mình cứ sợ không được cưới. Dĩ nhiên mình là dân lạc hậu, dư luận gia tộc và chòm xóm cứ khiến phụ nữ mình không sống nổi nếu chưa cưới, hay đẻ con một mình hay bị ế. Nhưng phải có những người dũng cảm vượt lên thì xã hội mới dần quen chứ. Như hồi đầu, thấy ai mặc áo hai dây ra đường hay đi dạ tiệc là chính cô cũng cau mày, giờ chuyện ấy quá thường, lại có vẻ đẹp nữa. Như ngày trước ai dám "tự túc" con thì cơ quan đoàn thể hành cho bằng chết, giờ mọi người đã biết thông cảm và che chở cho rồi.

Tại vì các cháu cứ quan niệm đã yêu thì cứ liên tục phải gọi điện, nhắn tin cho nhau như ngày đầu. Không biết quy luật của tâm sinh lý gì cả. Một việc gì làm mãi cũng ngán, kể cả việc chăn gối, ngủ nghê. Vợ chồng son khác, vợ chồng cũ khác, vợ chồng già lại càng khác. Yêu tháng đầu khác, tháng thứ 6 đã khác và đến cuối năm thì khác dữ rồi. Ngay cả việc hương lửa cũng nhạt đi, thưa dần và rồi sẽ đến lúc chán như ăn mãi cơm nếp ướt.

Cũng không nên loại trừ chuyện cô người yêu cũ tấn công và cậu ấy phân vân. Giữ nhau bằng điện thoại cũng là một cách. Dù gì các cháu cũng mới yêu có mấy tháng thôi mà. Cháu vừa quên được T, cậu ấy biết chứ, vậy thì cũng phải để người ta nguôi hẳn cô tình cũ đã. Và khi cô ấy tấn công, thì hãy để chuyện lộ ra, lộ hẳn, để cho cậu ấy lựa chọn lần cuối. Phải thừa nhận cậu ấy đã ra tay cứu vớt một tâm hồn đổ vỡ và rồi chợt hay người cũ của mình loay hoay đau khổ suốt vì mình. Có khi nào cháu hỏi lòng, nếu người quay lại là T thì cháu thế nào, bứt rứt giấu người hiện tại hay đây đẩy xua đi?

Hãy để cậu ấy ngấm dần tình cảm với mình hay với người kia. Tức là để vậy cho cậu ấy lựa chọn xong và lên tiếng. Giục cưới thì là cưới non đấy nhá. Hãy can đảm quan niệm, cưới cũng được không cưới cũng không chết ai, không việc gì phải sợ như là sắp chết đến nơi như vậy. Người ta đã để bố mẹ qua lại nhà mình, người ta vẫn đưa mình về bên nhà họ, ưu thế thuộc về cháu, lo chi.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm