| Hotline: 0983.970.780

Lỡ lời

Thứ Năm 24/05/2018 , 09:20 (GMT+7)

Bữa cỗ giỗ ông Đinh đang vào lúc náo nhiệt nhất. Nhìn đàn con sáu đứa vừa trai vừa gái, thêm sáu đứa dâu rể là mười hai, và mười hai đứa cháu cả nội lẫn ngoại, là hai mươi bốn, tụ hội đầy đủ, bà Đinh thấy lòng mình vô cùng ấm áp.

Tuy chỉ ở loanh quanh trong vùng, chẳng đứa nào làm nhà nước hay doanh nghiệp, nhưng chả được mấy năm các con tụ hội đầy đủ vào ngày giỗ bố. Năm thì đứa này ốm, năm lại đứa kia bận...

- Kìa u, u ăn đi chứ. Sao u cứ chống đũa ngồi nhìn vậy. Để con lấy xôi cho u nhá. Xôi nếp cái hoa vàng, ngon lắm...

Thảo, cô con gái thứ hai, vừa nói vừa sắn đĩa xôi bỏ vào bát mẹ. Mấy người phụ họa:

- Phải công nhận năm nay xôi ngon...

Bà Đinh bảo:

- Gạo của nhà Bình đấy.

Vừa dứt câu, thấy Bình, đứa con gái út, tái mét mặt, bà Đinh như người ngủ mê sực tỉnh, biết mình lỡ lời. Nhưng “sẩy chân còn có con sào/sẩy miệng, biết đỡ làm sao bây giờ”? Trước hôm giỗ bố ba ngày, các con đầu lần lượt đến, đứa thì đưa cho hai trăm, đứa đưa ba trăm ngàn để “gọi là thêm cho u một tí để u làm giỗ cho thầy”. Riêng Bình, đứa con gái út, đưa cho bà con gà trống độ hơn một kí lô. Đưa gà xong, cô còn đưa cho bà một túi gạo nếp cái hoa vàng:

- Gạo này để u thổi xôi. Nhưng u đừng nói với ai là gạo của con nhá.

Nghe con nói, bà Đinh thấy lòng mình tràn ngập một nỗi xót xa. Trong 6 đứa con, thì Bình là đứa có hoàn cảnh éo le nhất. Hai mươi tám tuổi, tưởng đã ế, thì may có một người đến hỏi. Người đó là Thi, ở làng bên. Người ta gọi Thi là Thi “ăn”, còn sỗ sàng hơn thì gọi là Thi “đớp”, chỉ bởi cái tính tham ăn và tạp ăn của hắn. Tiết canh, hắn có thể xơi một mình hai bát tô. Một cân thịt ba chỉ luộc với nửa lít rượu một bữa, với hắn, là chuyện rất thường.

Những dịp làng có dịch gia cầm là những ngày “phát tài” của hắn, bởi bữa nào hắn cũng có thịt ăn. Con gà toi, đối với người làng là một thứ ghê tởm, thì với hắn, chẳng sao hết. Chỉ một nắm lá chanh cho vào thịt rang lên, thêm một đĩa muối ớt vắt chanh và một chai rượu nữa, hắn ngồi cho đến lúc con gà toi chỉ còn một đống xương còn chai rượu thì trơ đấy.

Hàng ngay hắn đi làm thuê, được đồng nào, hắn dùng mua đồ nhậu tất. Không phải mua những thứ ngon lành, mà toàn là những thứ như thịt cuối buổi chợ, thịt ế, thịt sắp thiu... Mua thế cho được rẻ, được nhiều. Mua về, hắn tự mình chế biến, xào nấu rồi ngồi gật gù một mình, mặc vợ con mắm muối rau dưa...

Vì tham ăn, tạp ăn, nên hắn “quản” gia đình rất chặt, nhất là thóc lúa, thứ thu nhập duy nhất của gia đình. Vợ con không được đụng đến một hạt thóc. Có lần, nhà hàng xóm thiếu ăn, sang vay một tạ thóc. Thi không có nhà, Bình nể lời cho vay. Chiều về, biết chuyện, hắn tát vợ hai cái nổ đom đóm mắt, và bắt Bình sang đòi về bằng được.

Biết là con gái giấu chồng, mang chỗ gạo sang góp giỗ, bà Đinh nhặt túi gạo bỏ lại vào làn của con:

- Thôi con ạ. Mày mang về đi. Vợ chồng mày góp cho u con gà là quý rồi. Con cái chẳng đứa nào góp, thì u cũng đủ sức làm giỗ cho thày. Mày làm thế, nó biết, rồi lại khổ thân, vợ chồng cắn cấu nhau...

Nhưng thấy con cứ nhất định ấn túi gạo vào mình, mắt nó rơm rớm, bà đành cầm vậy. Nhưng mà khổ chưa? Con nó đã dặn đừng nói với ai là gạo của nó góp, thế mà tuổi già lẩm cẩm, thế nào bà lại buột ra. Thế này là bu hại con rồi, con ơi. Miếng xôi chợt như miếng rơm, nút chặt lấy cổ bà. Bà phải duỗi cổ ra, cố nuốt, mà nó vẫn không vào. Thấy vậy, anh con cả vội dìu bà vào buồng, vuốt lưng cho bà. Nước mắt bà ứa ra.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm