| Hotline: 0983.970.780

Lo ngại việc thăm dò khoáng sản cạnh khu di tích lịch sử

Thứ Hai 01/03/2021 , 13:38 (GMT+7)

Việc thăm dò khoáng sản đang khiến dự luận lo ngại vì ảnh hưởng đến khu di tích lịch sử, nơi ghi dấu những chiến công oanh liệt trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.

Khánh thành bia tưởng niệm khu Di tích lịch sử Điểm cao 1015 vào năm 2018 (Ảnh do Ban liên lạc Đại đoàn Đồng bằng cung cấp).

Khánh thành bia tưởng niệm khu Di tích lịch sử Điểm cao 1015 vào năm 2018 (Ảnh do Ban liên lạc Đại đoàn Đồng bằng cung cấp).

Trước đó vào tháng 9/2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có quyết định cấp giấy phép cho Công ty cổ phần khoáng sản Lộc Thiên Phú được thăm dò khoáng sản đá quarzit tại xã Pô Kô, huyện Đăk Tô và xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy (Kon Tum). Diện tích khu vực thăm dò khoáng sản khoảng 48 ha và được thực hiện trong vòng 36 tháng.

Tuy nhiên, do việc được phép thăm dò khoáng sản nằm gần với khu vực Đồi Sạc Ly (nơi có khu Di tích lịch sử Điểm cao 1015) đã khiến dư luận, đặc biệt là các cựu chiến binh bức xúc phản đối bởi ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường, cấu trúc địa chất cũng như ý nghĩa sâu sắc về lịch sử chiến tranh tại nơi đây.

Theo ghi nhận của phóng viên, từ khu vực được thăm dò khoáng sản đến khu Di tích lịch sử Điểm cao 1015 chỉ khoảng 400m. Phía dưới chân khu di tích đã được mở con đường dài khoảng 300m, rộng khoảng 1,5m và đường nhánh dài khoảng 100m. Phía cuối đường nhánh xuất hiện các mũi khoan thăm dò địa chất và xây dựng các bể chứa nước.

Đường được mở xung quanh khu Di tích lịch sử Điểm cao 1015 để thăm dò khoáng sản.

Đường được mở xung quanh khu Di tích lịch sử Điểm cao 1015 để thăm dò khoáng sản.

Lo ngại việc này, mới đây Trung tướng Khuất Duy Tiến, Trưởng ban Ban liên lạc truyền thống Đại đoàn Đồng bằng – Sư 320 cũng đã ký văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Kon Tum đề xuất cho dừng ngay việc khảo sát, thăm dò, khai thác khoản sản ở khu vực đồi Sạc Ly.

Theo Trung tướng Khuất Duy Tiến, khu Di tích lịch sử Điểm cao 1015 là nơi từng diễn ra các trận đánh vô cùng khốc liệt trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Đặc biệt, trận đánh then chốt mở màn cho Chiến dịch Xuân - Hè năm 1972 trên chiến trường Tây Nguyên đã lại mang chiến thắng ý nghĩa quân dân ta. Chiến thắng này cũng phá vỡ tuyến phòng thủ phía Tây sông Pô Kô của quân Mỹ - Ngụy, tạo điều kiện cho chiến dịch tiến công giải phóng Đăk Tô - Tân Cảnh vào tháng 4/1972.

Hiện những tảng đá, nắm đất ở Di tích lịch sử Điểm cao 1015 đã thấm đẫm xương máu của hàng trăm cán bộ, chiến sỹ đã anh dũng hy sinh bảo vệ tổ quốc để có ngày độc lập như hôm nay.

“Với những ý nghĩa lịch sử đó, Ban liên lạc truyền thống Đại đoàn Đồng bằng – Sư 320 đề nghị các Bộ, Ban, ngành đề xuất cho dừng ngay việc khảo sát, thăm dò, khai thác khoản sản tại khu Di tích lịch sử Điểm cao 1015”, Trung tướng Khuất Duy Tiến nhấn mạnh.

Dư luận lo ngại việc mở đường sẽ ảnh hưởng đến khu Di tích lịch sử Điểm cao 1015.

Dư luận lo ngại việc mở đường sẽ ảnh hưởng đến khu Di tích lịch sử Điểm cao 1015.

Đề cập vấn đề này, ông Dương Quang Phục, Phó Chủ tịch UBND huyện Sa Thầy cho biết, các cựu chiến binh đã có ý kiến lo ngại việc thăm dò khai thác khoáng sản sẽ ảnh hưởng đến khu di tích. Tuy nhiên, do Bộ TN-MT trực tiếp cấp phép cho công ty thăm dò khai thác khoáng sản nên huyện chỉ có chức năng đi kiểm tra hiện trạng và báo cáo về UBND tỉnh.

“Hiện chúng tôi cũng yêu cầu các đơn vị dừng toàn bộ hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản để báo cáo cấp thẩm quyền xem xét”, ông Phục nói và cho biết, khu Di dích lịch sử Điểm cao 1015 đã được tỉnh Kon Tum xếp hạng di tích cấp tỉnh và đang làm thủ tục xin Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử đặc biệt cấp Quốc gia.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.