| Hotline: 0983.970.780

Loay hoay phát triển rừng gỗ lớn có chứng chỉ rừng bền vững

Thứ Sáu 29/04/2022 , 06:25 (GMT+7)

Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích trồng rừng gỗ lớn gắn với chứng chỉ rừng bền vững, nhưng vẫn còn đó nhiều vướng mắc cần tháo gỡ.

Gỗ nguyên liệu nhập khẩu khan hiếm, giá tăng vọt

Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, hiện nguồn nguyên liệu đầu vào của ngành chế biến gỗ xuất khẩu của nước ta có 2 nguồn chính. Một là nguồn gỗ trong nước, bao gồm gỗ rừng trồng tập trung với khoảng 21,5 triệu m3/năm và gỗ cao su cùng cây phân tán khoảng 9,5 triệu m3/năm.

Mặc dù hiện nay chưa có thống kê cụ thể, tuy nhiên, theo nhận định của ngành chức năng, khoảng 60 - 70% nguồn cung gỗ nguyên liệu trong nước là gỗ nhỏ, chủ yếu được chế biến dăm gỗ và viên nén. Khoảng 30 - 40% nguồn cung gỗ nguyên liệu còn lại trong nước là gỗ lớn được chế biến gỗ xuất khẩu.

Gỗ nguyên liệu nhập khẩu, nhất là nguồn gỗ ít rủi ro ngày càng khan hiếm và đắt đỏ. Ảnh: NNVN.

Gỗ nguyên liệu nhập khẩu, nhất là nguồn gỗ ít rủi ro ngày càng khan hiếm và đắt đỏ. Ảnh: NNVN.

Nguồn thứ 2 là gỗ nhập khẩu. Bình quân mỗi năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 5 - 6 triệu m3 gỗ nguyên liệu quy tròn, trong đó khoảng 60 - 70% trong số này được xem là “gỗ sạch” từ nguồn ít rủi ro, hầu hết được đưa vào chế biến phục vụ xuất khẩu; 30 - 40% còn lại thuộc nhóm gỗ rủi ro, chủ yếu chỉ tiêu thụ nội địa chứ thị trường tiêu thụ thế giới không chấp nhận.

Theo ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam: Gỗ nguyên liệu nhập khẩu nhập về Việt Nam không ngừng tăng. Giai đoạn 2012 - 2021, mỗi năm Việt Nam nhập khẩu hơn 4,8 triệu m3 gỗ nguyên liệu quy tròn từ 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Riêng năm 2021, Việt Nam nhập khẩu đến 6 triệu m3 gỗ quy tròn.

Lượng gỗ nguyên liệu nhập khẩu từ nguồn ít rủi ro chiếm khoảng 2/3 trong tổng số lượng, 1/3 còn lại nhập về từ nguồn rủi ro. Càng về sau, lượng gỗ ít rủi ro nhập khẩu về Việt Nam có xu hướng tăng, từ 3,6 triệu m3 gỗ quy tròn năm 2018 tăng lên 4,2 triệu m3 năm 2021. Lượng gỗ từ nguồn rủi ro giảm hẳn, từ 2,2 triệu m3 quy tròn năm 2018 giảm xuống còn 1,8 triệu m3 năm 2021, chỉ còn chiếm 30% trong tổng lượng gỗ nhập khẩu.

"Tuy nhiên, trong 3 tháng đầu năm 2022, do biến động của nguồn gỗ nguyên liệu nhập khẩu nên số lượng nhập từ nguồn ít rủi ro giảm, trong khi gỗ nhập từ nguồn rủi ro tăng cao, chiếm đến 42% trong tổng lượng gỗ nhập khẩu”, ông Lập cho biết.

Hiện nay, hầu hết diện tích rừng đã được cấp chứng chỉ rừng bền vững lại là rừng gỗ nhỏ, chỉ phục vụ cho băm dăm, rất khó đưa vào sản xuất, chế biến đồ gỗ xuất khẩu. Ảnh: VĐT.

Hiện nay, hầu hết diện tích rừng đã được cấp chứng chỉ rừng bền vững lại là rừng gỗ nhỏ, chỉ phục vụ cho băm dăm, rất khó đưa vào sản xuất, chế biến đồ gỗ xuất khẩu. Ảnh: VĐT.

Gỗ nguyên liệu nhập khẩu đã thiếu hụt, lại còn tăng giá mạnh, khiến các doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu càng chồng chất khó khăn. “Giá gỗ nguyên liệu nhập khẩu từ nguồn ít rủi ro tăng mạnh từ đầu năm 2021 đến nay. Cụ thể, gỗ thông tròn tăng 52%, gỗ thông xẻ tăng 38%, gỗ dương xẻ tăng 21%, gỗ sồi xẻ tăng 36%. Hiện nay, gỗ nguyên liệu nhập khẩu vẫn còn đà tăng. Mỗi m3 gỗ xẻ nhập khẩu tăng từ 275 USD/m3 trong tháng 12/2021 lên đến 561 USD/m3 vào tháng 3/2022”, ông Đỗ Xuân Lập cho biết thêm.

Những năm qua, để chủ động nguồn nguyên liệu cho ngành chế biến gỗ xuất khẩu, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích phát triển trồng rừng gỗ lớn có chứng chỉ bền vững để phục vụ sản xuất.

Phát triển rừng trồng gỗ lớn cũng nhằm giảm phụ thuộc của ngành gỗ vào nguồn gỗ nguyên liệu nhập khẩu, đặc biệt là nguồn gỗ rủi ro. Tuy nhiên, tính đến nay, kết quả đạt được trong việc chủ động nguồn gỗ nguyên liệu từ gỗ rừng trồng chất lượng cao trong nước vẫn chưa như kỳ vọng. Trong bối cảnh nguồn cung gỗ nguyên liệu nhập khẩu đang có những biến động lớn như hiện nay, việc tạo nguồn nguyên liệu trong nước càng trở nên bức bách.

Lùng nhùng chuyện cấp chứng chỉ rừng bền vững

Theo Tổng Cục Lâm nghiệp, hiện nay, ở Việt Nam đang áp dụng 2 hệ thống chứng chỉ rừng bền vững, gồm chứng chỉ FSC và chứng chỉ VFCS do Tổ chức PEFC (hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia),

Tính đến cuối tháng 3/2022, Việt Nam có 53 đơn vị trồng rừng với 226.429 ha rừng đạt chứng chỉ FSC và 54.529 ha rừng đạt chứng chỉ VFCS. Những diện tích đạt chứng chỉ FSC bao gồm rừng tự nhiên và rừng trồng. Toàn bộ rừng đạt chứng chỉ VFCS là diện tích cao su của các đơn vị thuộc Tập đoàn Cao su Việt Nam.

Hiện nay, tỉ lệ rừng có chứng chỉ FSSC cho khai thác gỗ lớn còn hết sức khiêm tốn. Ảnh: VĐT.

Hiện nay, tỉ lệ rừng có chứng chỉ FSSC cho khai thác gỗ lớn còn hết sức khiêm tốn. Ảnh: VĐT.

Chiếm 18% trong tổng diện tích 226.429 ha rừng có chứng chỉ FSC là rừng tự nhiên, 82% còn lại là rừng trồng. Trong số diện tích rừng trồng đã đạt chứng chỉ FSC có một phần nhỏ diện tích là rừng phòng hộ, số còn lại khoảng 179.752 ha là rừng trồng sản xuất, đây là diện tích rừng trồng cung ứng gỗ nguyên liệu có chứng chỉ FSC cho ngành chế biến gỗ. Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ có khoảng 20 - 30% trong tổng diện tích 179.752 ha rừng trồng sản xuất đã có chứng chỉ FSC là đã cho khai thác cây gỗ lớn.

Trong khi đó, hiện nay việc thực hiện và duy trì chứng chỉ FSC của các đơn vị trồng rừng đang vướng nhiều trở ngại bởi 4 nhóm rào cản, đó là về đất đai, kỹ thuật, thị trường và về chính sách.

Trong quá trình thực hiện FSC, nhiều đơn vị trồng rừng gặp khó bởi một số diện tích đất của doanh nghiệp chồng lấn với diện tích đất rừng của hộ dân. Nhiều trường hợp đất của doanh nghiệp được giao quản lý, sử dụng chỉ "tồn tại trên giấy", thực tế đã bị hộ dân lấn chiếm, hoặc đã được doanh nghiệp giao khoán lâu dài cho hộ dân, giờ chẳng thể can thiệp. Hoặc ranh giới đất đai cả trên bản đồ lẫn thực địa không rõ ràng, nhiều hộ dân nhận đất khác vị trí trên bản đồ, đây là kết quả của việc giao đất không đúng quy trình của các địa phương. Hay việc diện tích đất trồng rừng của hộ dân manh mún, không tập trung nên khó làm chứng chỉ.

Những bất cập trong công tác quản lý đất rừng đang gây ra vô vàn phiền toái cho việc phát triển rừng gỗ lớn gắn với chứng chỉ rừng bền vững. Ảnh: NNVN.

Những bất cập trong công tác quản lý đất rừng đang gây ra vô vàn phiền toái cho việc phát triển rừng gỗ lớn gắn với chứng chỉ rừng bền vững. Ảnh: NNVN.

Về rào cản về kỹ thuật, hiện nay người trồng rừng chưa tiếp cận được với nguồn giống cây lâm nghiệp chất lượng, dù Việt Nam đã có bộ giống cây trồng tốt. Thêm vào đó, nguồn lao động chất lượng và có ý thức rất hạn chế, nếu không được hướng dẫn chi tiết, cụ thể sẽ khó đáp ứng được các tiêu chí nghiêm ngặt khi thực hiện và duy trì chứng chỉ FSC. Thêm vào đó, năng suất gỗ của rừng FSC đạt chưa cao, chỉ từ 75 - 130 m3/ha, chưa vượt trội so với rừng trồng chưa có chứng chỉ, đây cũng là nguyên nhân do chất lượng cây giống.

Về thị trường, gỗ FSC gặp phải những rào cản làm giảm sức cạnh tranh. Ví như những địa phương có diện tích rừng trồng có chứng chỉ FSC lớn chủ yếu là các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung bộ, thế nhưng nhu cầu sử dụng gỗ FSC ở các địa phương này chẳng là mấy, trong khi các doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu ở vùng Đông Nam bộ lại có nhu cầu rất lớn, nhưng chi phí vận chuyển từ phía Bắc vào là rất cao, nên gỗ FSC mất sức cạnh tranh trên thị trường.

Hiện nay, có hiện tượng gỗ không có chứng chỉ FSC trà trộn vào gỗ FSC nên chẳng biết đâu mà lần. Thêm vào đó, hiện doanh nghiệp muốn phát triển rừng FSC khó có cơ hội tiếp cận với hàng ngàn hộ trồng rừng để đặt mối liên kết sản xuất diện tích lớn.

Hiện nay, có hiện tượng gỗ không có chứng chỉ FSC trà trộn vào gỗ FSC nên chẳng biết đâu mà lần. Ảnh: Tùng Đinh.

Hiện nay, có hiện tượng gỗ không có chứng chỉ FSC trà trộn vào gỗ FSC nên chẳng biết đâu mà lần. Ảnh: Tùng Đinh.

“Một rào cản khác trong việc phát triển rừng gỗ lớn có chứng chỉ FSC là hiện nay, hộ trồng rừng khó tiếp cận với nguồn hỗ trợ của Nhà nước về tài chính, vì hộ trồng rừng khó đáp ứng các tiêu chí nghiêm ngặt về đất đai, trong đó có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bản đồ thực địa ranh giới…

Do thủ tục phức tạp, trong khi nông dân hạn chế kiến thức và quy trình pháp luật nên không thể tiếp cận với nguồn hỗ trợ này. Thêm vào đó, có 1 số địa phương chính quyền chưa thực sự vào cuộc làm cầu nối giữa doanh nghiệp và người dân xây dựng mối liên kết trồng rừng gỗ lớn, nhất là trong việc xác nhận đất đai, ranh giới. Chính quyền địa phương đứng ngoài cuộc cũng đã làm thất thoát không ít lòng tin của người dân trong việc phát triền rừng gỗ lớn”, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam chia sẻ.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Những công nghệ 'chia lửa' cho lực lượng giữ rừng

Rừng đầu nguồn đóng vai trò quan trọng trong phòng chống thiên tai. Việc ứng dụng công nghệ trong bảo vệ rừng đầu nguồn giúp nâng cao hiệu quả quản lý bảo vệ rừng.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.