| Hotline: 0983.970.780

Lời cầu khẩn từ lâm trường Sơn Động

Thứ Năm 23/05/2013 , 09:56 (GMT+7)

Tỉnh Bắc Giang đã chuyển đổi 6 lâm trường thành các BQL, công ty lâm nghiệp. “Bình mới rượu cũ” là một chuyện, nhiều cách làm trái khoáy khiến các đơn vị dường như còn khó khăn hơn. Lâm trường Sơn Động (nay là Cty TNHH MTV lâm nghiệp Sơn Động) là một ví dụ điển hình.

Thực hiện Nghị quyết 28 của Bộ Chính trị về việc sắp xếp đổi mới nông lâm trường quốc doanh, tỉnh Bắc Giang đã chuyển đổi 6 lâm trường thành các BQL, công ty lâm nghiệp. “Bình mới rượu cũ” là một chuyện, nhiều cách làm trái khoáy khiến các đơn vị dường như còn khó khăn hơn. Lâm trường Sơn Động (nay là Cty TNHH MTV lâm nghiệp Sơn Động) là một ví dụ điển hình.

Bán non rừng vẫn thiếu lương công nhân

Sau hai lần chuyển đổi theo Nghị quyết 28 của Bộ Chính trị về việc sắp xếp, đổi mới nông lâm trường quốc doanh, lâm trường Sơn Động cũng đổi tên thành Cty TNHH một thành viên lâm nghiệp Sơn Động. Hàng loạt diện tích tích đất buộc phải tháo ra để trả lại cho địa phương, bộ máy cán bộ công nhân viên tinh gọn dần, vậy mà khó khăn dường như càng thêm chồng chất. Giám đốc Chu Bá Nghĩa chẳng ngần ngại mà nói thẳng: Càng chuyển đổi chúng tôi càng gặp khó khăn. Cái cần thiết thì chẳng thấy đáp ứng, toàn thấy quan tâm những vấn đề không đâu vào đâu cả.

Thực hiện Nghị quyết 28/BCT, lâm trường Sơn Động chuyển thành Cty TNHH MTV, hạch toán độc lập tự chủ, tự quản, sản xuất kinh doanh theo Luật doanh nghiệp. Sự chuyển đổi được ví von theo kiểu bình mới rượu cũ, bởi tàn dư mà lâm trường cũ để lại quá nặng nề.

Năm 2010, thời điểm ông Nghĩa có quyết định nhậm chức Giám đốc Cty lâm nghiệp Sơn Động, khi nhìn vào biên bản bàn giao, người đàn ông khá tâm huyết với rừng này nằng nặc xin từ chức luôn. Lý do thì quá rõ: cơ sở vật chất không có gì, hệ thống cán bộ rệu rã. Một số thì bỏ chạy đi làm việc khác, số không chạy được thì bấu víu, bỏ mặc. Lương không có, nợ nần chồng chất. Gần như chẳng có chút ánh sáng nào để vực dậy, thoát ra. Bây giờ, sau 3 năm thực hiện đổi mới, thật xót xa khi một đơn vị từng có công lớn với ngành lâm nghiệp vùng cao này đang phải bán cốt lột xương để mà tồn tại.


Giám đốc Chu Bá Nghĩa

“Anh xem cả nước này có chỗ nào trồng rừng theo chu kỳ ba năm rưỡi đã phải khai thác rồi không? Vậy mà chúng tôi đang phải cắn răng thực hiện mô hình sản xuất theo cách này. Đau xót lắm. Tiếc lắm. Nói thì không ai tin, nhiều lãnh đạo của ngành lên đây chứng kiến cảnh này xong cũng trầm tư, phân vân, nhưng rồi chẳng ai có thể giải quyết nổi. Nhưng tôi hỏi, bây giờ cho người ta một bồ thóc giống khi người ta đang đói thử hỏi có lấy thóc ra mà ăn không? Buộc phải khai thác. Năm 2011 bán non 31 ha, năm 2012 bán non 63 ha. Năm nay, diện tích rừng trồng từ năm 2010 cũng phải quy hoạch vào diện tích khai thác. Khai thác để mà nuôi nhau chứ không lấy đâu ra”, ông Nghĩa chua chát.

Một chu kỳ sản xuất cây keo nguyên liệu kéo dài từ 7-10 năm, nhưng ngay cả khi thu hoạch theo chu kỳ ba năm rưỡi thì lâm trường Sơn Động vẫn không đủ tiền để trả lương công nhân. Bởi nếu trả rồi thì xem như cụt vốn sản xuất. Tiếng là doanh nghiệp làm rừng kinh tế nhưng tiền chẳng mấy khi được nhập két. Nhận tiền bán gỗ nguyên liệu xong cũng vừa lúc nhân công đòi, chi phí sản xuất đòi. Đấy là chưa kể tiền lương của cán bộ công nhân viên.

Hiện Cty lâm nghiệp Sơn Động được giao quản lý và sản xuất 2.555 ha rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn 4 xã Tuấn Đạo, Bồng Am, Thanh Luận và Yên Định. Nhưng 70% trong số diện tích này là rừng tự nhiên nghèo kiệt, chưa được cải tạo. Tức là có khoảng gần 2.000 ha rừng chẳng sinh lợi gì, kinh phí bảo vệ cũng chẳng có. Từ chỗ hơn 30 quân, ông Nghĩa giảm xuống giảm còn 26, xua hết xuống các đội sản xuất nhưng vì không có nguồn vốn nên không làm nổi.

Kế hoạch trồng rừng năm 2013 yêu cầu nguồn vốn gần 1 tỷ. Lãnh đạo công ty phải huy động anh em họ hàng, bạn bè, vay vốn bên ngoài gần 600 triệu. Số tiền còn lại chạy vạy gõ cửa các công ty chế biến gỗ xin tạm ứng. Không đủ. Công ty phải họp, lấy biểu quyết xem thử anh em cán bộ công nhân viên có chấp nhận chậm lương không. Nếu chấp nhận thì làm, còn không giải tán. Song song với kế hoạch trồng rừng kết hợp trồng sắn xen kẽ. Tiền bán sắn, nếu được giá cũng chẳng đủ tiền trả lương công nhân.

Vì đâu nên nỗi?

Nguyên nhân dẫn đến thực trạng thê thảm của lâm trường Sơn Động là do thiếu vốn. Nguyên nhân thiếu vốn là do bùng nhùng chuyện đất đai kéo dài từ sau khi thực hiện chuyển đổi đến tận bây giờ vẫn chưa giải quyết xong.

Thực hiện Nghị quyết 28/BCT, UBND tỉnh Bắc Giang đã thu hồi một diện tích rất lớn đất rừng của lâm trường Sơn Động. Chủ trương thì đúng, nhưng cách triển khai nhùng nhằng đã đẩy đơn vị này đến thực trạng khó khăn chồng chất như hiện nay.


Không có vốn trồng rừng, Cty lâm nghiệp Sơn Động phải làm đủ ngành nghề để tồn tại

Chẳng hạn việc thu hồi hơn 1.900 ha rừng tự nhiên để giao lại cho các địa phương quản lý. UBND tỉnh chỉ ra quyết định thu hồi mà không khảo sát các phương án bồi thường, hỗ trợ tiền công chăm sóc, trông coi, bảo vệ của lâm trường suốt quãng thời gian từ trước đến nay. Ngay cả khi Cty lâm nghiệp Sơn Động lập phương án hỗ trợ trình lên UBND tỉnh xin kinh phí thì ông Nghĩa bảo rằng: Công của anh em, yêu cầu hỗ trợ là vô cùng chính đáng và đúng pháp luật nhưng từng năm 2010 đến nay vẫn chưa được giải quyết. UBND tỉnh thông qua nhưng còn các sở ban ngành này nọ, người ta xem chuyện hỗ trợ như kiểu bố thí, chẳng ai quan tâm.

Trong lúc đang kêu gào tiền hỗ trợ bảo vệ 1.900 ha rừng tự nhiên chưa có kết quả thì UBND tỉnh Bắc Giang tiếp tục có Quyết định 168 ngày 6/5/2011 thu hồi 50 ha diện tích rừng trồng của công ty tại các khoảnh 19, 22, 27, 30, 31 thuộc các thôn Đông Tuấn và Bảo Tuấn giao cho UBND xã Tuấn Đạo để phục vụ việc chuyển đổi thành đất… nông nghiệp. Hành động mà ông Nghĩa cá là nếu chuyển đổi thành công thì ông đem toàn bộ diện tích đất rừng sản xuất của công ty cho không các xã luôn. Điều đáng nói thêm là với diện tích này, UBND tỉnh cũng chỉ ra quyết định thu hồi đất rừng sản xuất mà không hề có phương án bồi thường nào cả. Trước thực trạng ấy, ông Nghĩa đòi từ chức, lãnh đạo Cty lâm nghiệp Sơn Động kiên quyết không bàn giao nếu chưa nhận được tiền bồi thường. Sau nhiều cuộc họp, lập biên bản thống kê, toàn bộ 50 ha đất rừng sản xuất vẫn được định giá 2,6 tỷ đồng. Đất vẫn được giao cho UBND xã Tuấn Đạo để cải tạo thành ruộng, số tiền đền bù cũng được giao cho xã này có trách nhiệm bồi thường cho công ty. Nhưng Cty lâm nghiệp Sơn Động chỉ nhận được 500 triệu đồng tiền bồi thường và được quyền khai thác xong số cây nguyên liệu trên đất. Số tiền còn lại công ty ủng hộ địa phương. Một thực tế cười ra nước mắt bởi tiền lương công nhân vẫn còn nợ, vốn sản xuất không có mà vẫn phải cắn răng ủng hộ địa phương tiền tỷ thì quả là chuyện lạ.

Nhưng thực trạng mà lãnh đạo công ty phải tự nhận thức kiểu không ủng hộ không được bởi hiện tại Cty lâm nghiệp Sơn Động vẫn chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ). Diện tích đất dù liên tục bị thu hồi nhưng vẫn còn nhùng nhằng, đo đạc, xác định xây dựng hồ sơ đất đai phải mất tiền, trong hoàn cảnh nuôi sống công nhân còn chả có thì lấy đâu ra. Hồ sơ dự toán gửi về UBND tỉnh thì một mặt tỉnh không có kinh phí, mặt khác diện tích hiện nay còn bị lấn chiếm nhiều nên không giải quyết được. Không có sổ đỏ thì không vay được vốn ngân hàng. Vướng mắc đủ đường, đói tiền của, Cty lâm nghiệp Sơn Động không biết còn kéo dài đến bao giờ.

+ Cuối năm ngoái, Bộ NN-PTNT ban hành Thông tư 56 về việc cho phép cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt thành rừng sản xuất kinh tế. Cứ tưởng thông tư này là cứu cánh của các lâm trường quốc doanh như Sơn Động, nhưng không hiểu sao đến nay vẫn chưa thấy triển khai. Tỉnh Bắc Giang có 6 nông lâm trường quốc doanh. Thực hiện Nghị quyết 28/BCT thì một lâm trường chuyển thành BQL rừng phòng hộ Sơn Động. Còn lại các lâm trường Yên Thế, Lục Ngạn, Lục Nam, Sơn Động… chuyển thành công ty lâm nghiệp. Với thực tế hiện nay, dù đã chuyển đổi nhưng các lâm trường thiếu vốn. Lâm trường nào diện tích rừng sản xuất nhiều thì sống, lâm trường nào diện tích rừng tự nhiên nhiều thì thê thảm.

+ Có một điều lạ nữa, trong khi người dân đang thiếu đất sản xuất, nhưng ngay khi các lâm trường trên địa bàn huyện Sơn Động trả đất lại cho địa phương, UBND tỉnh Bắc Giang đã cho 2 doanh nghiệp thuê diện tích lên đến hơn 1.300ha. Đã 3 năm trôi qua nhưng không thấy động tĩnh gì, nhiều người không biết những doanh nghiệp này thuê đất làm gì cả.

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Đội Bình nghĩa sĩ Hà thành muôn thuở chẳng phai mờ

Ông Đặng Đình Tân - nguyên Phó Bí thư thường trực Huyện uỷ cho biết, để ghi công cụ Đội Bình, tổng Đại Bối đổi tên thành tổng Đội Bình, nay là xã Đội Bình.