Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình (Ảnh: Kyodo) |
Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Donald Trump dự kiến sẽ gặp nhau tại Buenos Aires, Argentina trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo G20 vào cuối tháng 11. Các vấn đề có thể sẽ được đưa ra thảo luận trong cuộc gặp giữa ông Trump và ông Tập là thương mại, Biển Đông và Đài Loan.
Thời báo Phố Wall ngày 11/10 đưa tin chính quyền Trump mới thông báo cho Trung Quốc về quyết định triển khai cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo trong vài ngày gần đây. Bắc Kinh hy vọng cuộc gặp này sẽ tạo cơ hội để hai nước hạ nhiệt căng thẳng thương mại đang leo thang.
Người đứng sau thúc đẩy cuộc gặp giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình là Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Larry Kudlow. Cả hai đều lo ngại về nguy cơ thị trường chứng khoán toàn cầu sẽ rơi vào cảnh hỗn loạn do hệ quả của cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Việc hai quan chức trong chính quyền Trump như Mnuchin và Kudlow, những người có tư tưởng ôn hòa về hoạt động thương mại với Trung Quốc, xây dựng lộ trình cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo mang ý nghĩa quan trọng. Các động thái thương mại đối với Trung Quốc hiện nay của chính quyền Trump thường đi theo tư tưởng cứng rắn của Cố vấn Hội đồng Thương mại Quốc gia Peter Navarro và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer.
Tháng trước, Tổng thống Trump đã áp thuế với gần 200 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và dọa sẽ tiếp tục áp thuế nếu Bắc Kinh có hành động trả đũa. Trung Quốc sau đó đã đáp trả bằng việc áp thuế 60 tỷ USD hàng hóa của Mỹ. Ông Trump cảnh báo sẽ áp thuế thêm 267 tỷ USD hàng hóa nữa, đồng nghĩa với việc toàn bộ hàng xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ sẽ bị đánh thuế. |
Thời báo Phố Wall dẫn các nguồn tin giấu tên cho biết Tổng thống Trump đã chỉ định một nhóm để lên kế hoạch chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh với Chủ tịch Tập Cận Bình. Một trong số đó là Christopher Nixon Cox, cháu của cố Tổng thống Mỹ Richard Nixon - người đã có chuyến đi tới Trung Quốc vào năm 1972 trước khi thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Trong khi đó, bên phía Trung Quốc, đội ngũ chuẩn bị cho cuộc gặp với Tổng thống Trump gồm Phó Thủ tướng Liu He - cố vấn cấp cao của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Dennis Wilder, cựu quan chức Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và hiện là giám đốc khu vực Đông Á của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, cho rằng các quan chức Trung Quốc đã thể hiện rõ mong muốn tổ chức cuộc gặp với nhà lãnh đạo Mỹ.
“Trung Quốc rất muốn được tiếp xúc trực tiếp với Tổng thống Mỹ vì họ cảm thấy rằng những người thay mặt ông Trump tham gia đàm phán không phải lúc nào cũng biết được điều ông ấy thực sự muốn. Do vậy họ (Trung Quốc) muốn tìm hiểu trực tiếp từ chính Tổng thống Trump và xem họ cần phải làm gì để thoát khỏi cuộc chiến thương mại”, ông Wilder nói.
“Cách duy nhất tôi cho rằng có thể xử lý được vấn đề này là một cuộc gặp ở cấp lãnh đạo”, ông Wilder nói, đồng thời nhận định các quan chức ở cấp thấp hơn sẽ khó có thể giải quyết được bế tắc về cuộc chiến thương mại nếu “hai nhà lãnh đạo không cho họ biết chính xác một thỏa thuận mà hai bên có thể đạt được sẽ như thế nào”.
Lập trường khó đoán của Mỹ
Hai nhà lãnh đạo Mỹ - Trung gặp nhau bên lề hội nghị G20 tại Đức năm 2017 (Ảnh: AFP) |
Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Larry Kudlow tiết lộ với CNBC hôm 11/10 rằng hai nhà lãnh đạo Mỹ - Trung có thể gặp nhau bên lề hội nghị G20. Tuy nhiên, ông dự đoán chính quyền Trump sẽ vẫn giữ lập trường kiên định từ trước đến nay đối với Bắc Kinh trong cuộc chiến thương mại.
“Tôi nghĩ phía Trung Quốc sẽ tới và nói: “Được thôi, chúng tôi sẽ thay đổi cơ cấu, sẽ tuân thủ luật và sẽ thực hiện một thỏa thuận thương mại công bằng, giúp ích cho nền kinh tế và lực lượng lao động Mỹ”. Họ sẽ phải làm điều đó, điều mà họ trước đây họ chưa làm”, ông Kudlow nói.
“Tôi luôn tin rằng đối thoại còn tốt hơn không đối thoại. Những yêu cầu của chính quyền Trump (đối với Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại) nhận được sự ủng hộ của nhiều nước. Châu Âu, Nhật Bản và Canada đều chia sẻ quan điểm với chúng tôi. Vì thế hãy chờ xem mọi việc diễn ra như thế nào”, Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Mỹ nhận định.
Về phần mình, Tổng thống Trump liên tục đưa ra những tín hiệu khó đoán về việc liệu Mỹ và Trung Quốc có thể đạt được một thỏa thuận thương mại hay không.
Tại sự kiện vận động ở Kansas tuần trước, Tổng thống Trump cho biết: “Ngay bây giờ chúng ta đang xúc tiến một thỏa thuận với Trung Quốc”. Tuy nhiên chỉ 3 ngày sau đó, ông Trump nói với các phóng viên tại Phòng Bầu Dục, Nhà Trắng rằng Trung Quốc vẫn chưa “sẵn sàng” đạt được thỏa thuận thương mại với Mỹ. Ông cũng nhắc lại lời đe dọa tiếp tục áp thuế bổ sung nhằm vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Kể từ khi Trung Quốc hủy các cuộc đàm phán, dự kiến diễn ra từ cuối tháng 9, với Washington, hai nước vẫn chưa nối lại đối thoại. Giới chức Mỹ từng cảnh báo ông Trump sẽ không đàm phán về thương mại với ông Tập tại G20 nếu Trung Quốc không đưa ra danh sách gồm những nội dung nhượng bộ. Trong khi đó, các quan chức Trung Quốc khẳng định họ đã có danh sách này, song sẽ không cung cấp cho Mỹ nếu không được đảm bảo về “một môi trường chính trị ổn định” tại Washington, bao gồm việc chỉ định một quan chức có đủ thẩm quyền để thay mặt chính quyền Trump đàm phán với Trung Quốc.
Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Cui Tiankai chỉ trích các nhà đàm phán Mỹ vì không cho thấy thiện chí giải quyết tranh chấp, đồng thời liên tục thay đổi lập trường.
“Chúng tôi không biết Mỹ đang muốn cái gì là ưu tiên. Khi Bắc Kinh sẵn sàng thỏa thuận và đi đến nhượng bộ, Mỹ lại tìm cách buộc Trung Quốc phải chấp thuận các điều khoản vô lý. Phía Mỹ đang nỗ lực để đạt được hình thức kiểu như: Mỹ sẽ có 100% còn Trung Quốc không có gì cả. Tôi không nghĩ chuyện này là công bằng và khả thi”, Đại sứ Cui nhấn mạnh.