| Hotline: 0983.970.780

Lợn an toàn sinh học trụ vững trước dịch bệnh

Thứ Tư 20/05/2020 , 13:10 (GMT+7)

Cơn khủng hoảng dịch tả lợn châu Phi khiến hàng trăm ngàn nông hộ điêu đứng. Tuy nhiên, nhờ chăn nuôi lợn an toàn sinh học, không ít hộ dân đã vượt qua đại dịch…

Ông Nguyễn Văn Cư chăm sóc đàn lợn chăn nuôi theo phương pháp an toàn sinh học của gia đình. Ảnh: HTX.

Ông Nguyễn Văn Cư chăm sóc đàn lợn chăn nuôi theo phương pháp an toàn sinh học của gia đình. Ảnh: HTX.

Đổi mới tư duy chăn nuôi

Với thâm niên nuôi lợn gần 20 năm, đến nay gia đình anh Phùng Văn Bảo ở khu phố Phú An, phường An Lộc, thị xã Bình Long (Bình Phước) đã có riêng cho mình trang trại lợn với quy mô trên 50 nái, 1.000 lợn thịt/năm.

Bất chấp dịch tả lợn châu Phi khiến nhiều nông hộ chăn nuôi điêu đứng, trang trại heo của anh Bảo vẫn trụ vững. Để có được thành quả này, anh Bảo đã sớm mạnh dạn thay đổi tư duy, đẩy mạnh đầu tư, đổi mới phương thức chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học (ATSH).

Anh Bảo cho biết, những năm trước đây do chăn nuôi nhỏ lẻ, truyền thống, tự phát, kỹ thuật còn hạn chế nên dịch bệnh hay xảy ra, hiệu quả kinh tế và thu nhập thấp. Sau khi được cán bộ ngành nông nghiệp địa phương tư vấn, hỗ trợ về nuôi heo theo hướng ATSH, anh Bảo quyết định thay đổi hoàn toàn suy nghĩ, cách làm và hướng đi của mình.

“Nói thì dễ nhưng để có được trang trại lợn ATSH không hề đơn giản, bởi khác với nuôi lợn truyền thống, chuồng trại lợn ATSH phải đồng bộ. Từ chuồng lồng cho lợn hậu bị, chuồng sàn cho lợn nái, chuồng úm lợn con, chuồng nền cho lợn thịt phải riêng biệt.

Ngoài ra, phải có hệ thống cho ăn, uống tự động, kho chứa thức ăn, nhà ở, tủ thuốc thú y, tủ bảo quản vắc xin, hệ thống biogas xử lý chất thải, cổng, tường rào,… phải làm đầy đủ. Như trang trại 50 lợn nái của gia đình, tôi đã đầu tư hàng trăm triệu đồng rồi”, anh Bảo nói.

Bên cạnh đó, công tác cách ly người ra vào trang trại là ưu tiên số một dành đối với việc nuôi lợn ATSH. Theo đó, để việc ra vào khoa học, đảm bảo đàn lợn sinh trưởng phát triển tốt, 2 vợ chồng anh luân phiên nhau, mỗi người ở trong trang trại 15 ngày theo phương thức tự cung tự cấp, nói vui  là “ăn cùng lợn, ngủ cùng lợn”.

“Trong thời gian tôi chịu trách nhiệm “ôm” đàn lợn thì vợ tôi chăm sóc con cái và ngược lại, mọi giao giao tiếp của cả gia đình chủ yếu qua điện thoại. Có như vậy mới tránh được việc ra vào chuồng lợn, mang theo mầm bệnh”, anh Bảo vui vẻ nói.

Trái ngọt đã đến đối với anh Bảo, năm 2019 vừa qua, dịch tả lợn châu Phi bùng phát tại địa phương làm nhiều hộ chăn nuôi lợn trên địa bàn không kịp trở tay. Thế nhưng trang trại lợn của anh Bảo vẫn trụ vững, đồng thời giá lợn hơi xuất chuồng ở mức trên 70.000 đồng/kg đã giúp anh Bảo thu lãi gần 1 tỷ đồng riêng 1 đợt xuất chuồng vừa qua.

Liên kết sản xuất

Rời trang trại anh Bảo, chúng tôi tìm đến HTX An Phát nằm trên địa bàn phường An Lộc, thị xã Bình Long. Đây là một trong những HTX đầu tiên, duy nhất của tỉnh Bình Phước có 100% xã viên đều nuôi lợn ATSH và đã được cấp giấy chứng nhận VietGAHP. Ngoài ra, HTX còn có cửa hàng cung ứng thịt lợn ATSH từ trang trại đến người tiêu dùng.

Mô hình nuôi lợn an toàn sinh học được đánh giá cao. Ảnh: Trần Trung.

Mô hình nuôi lợn an toàn sinh học được đánh giá cao. Ảnh: Trần Trung.

Hiện HTX có 11 xã viên với quy mô 550 lợn nái, hơn chục nghìn lợn thịt, hàng năm cung ứng ra thị trường trên 14.000 tấn thịt lợn.

Ông Nguyễn Văn Cư - Giám đốc HTX cho biết, mặc dù nằm trong vùng dịch tả lợn châu Phi, thế nhưng hầu hết lợn HTX khỏe mạnh, không bị dịch bệnh. Trong quý I/2020, sản lượng xuất chuồng bình quân của HTX vẫn đạt chỉ tiêu đề ra.

So với các hộ nuôi trong khu vực, việc nuôi heo ATSH còn tiết kiệm chi phí lao động hơn 70%, giảm từ 10 đến 12% thức ăn. Đặc biệt, toàn bộ phân, nước tiểu lợn được tận dụng làm biogas và phân hữu cơ, đảm bảo vệ sinh môi trường, tăng thu nhập cho người chăn nuôi.

Nói về công tác vận hành HTX, ông Cư chia sẻ, trong khi các HTX khác thiếu sự ràng buộc giữa HTX với các xã viên dẫn đến thực trạng mạnh ai nấy làm, thì HTX An Phát lại có cách làm rất hay. Đó là, trước khi vào HTX, xã viên phải có các cam kết rõ ràng. HTX sẽ đại diện pháp lý ký kết hợp đồng kinh tế cung ứng sản phẩm sạch cho các đối tác.

Trong quá trình sản xuất, nếu xã viên gian dối, không đáp ứng tiêu chí sản phẩm sạch thì HTX phải chịu trách nhiệm bồi thường hợp đồng. Vì thế, bất cứ xã viên nào vi phạm các quy chế của HTX thì sẽ bị cho ra khỏi HTX.

 Trong quá trình sản xuất, xã viên nào gặp khó khăn như thiếu cám, vắc xin, men sinh học,… thì HTX trích quỹ chung cho vay lại để duy trì sản xuất ổn định. Vì thế các xã viên luôn tuyệt đối tuân thủ các nguyên tắc, HTX luôn nhận được sự đồng thuận từ trên xuống dưới.

Đưa sản phẩm sạch tới người tiêu dùng

Nắm bắt được nhu cầu, tâm lý người tiêu dùng muốn sử dụng thịt lợn sạch, HTX đã mở thêm cửa hàng cung ứng thịt lợn ATSH. Việc ra đời cửa hàng nằm trong mục tiêu thực hiện chuỗi liên kết khép kín từ sản xuất, giết mổ, cung ứng đến tận tay người tiêu dùng không qua khâu trung gian của HTX.

Cửa hàng cung ứng thịt lợn có giấy phép kinh doanh, chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, giấy khám sức khỏe người bán hàng, có chứng nhận kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm của chủ cửa hàng, các dụng cụ bán hàng đạt chuẩn...

Cửa hàng thịt lợn sạch của HTX An Phát đưa trực tiếp sản phẩm tới người tiêu dùng, không qua trung gian. Ảnh: HTX.

Cửa hàng thịt lợn sạch của HTX An Phát đưa trực tiếp sản phẩm tới người tiêu dùng, không qua trung gian. Ảnh: HTX.

Từ khi đi vào hoạt động, cửa hàng thu hút các doanh nghiệp tham gia phân khúc bán lẻ, chế biến, phân phối lợn an toàn tìm đến. Sau khi tìm hiểu quy trình, đối tác rất hài lòng với kỹ thuật chăn nuôi và đặt vấn đề ký hợp đồng bao tiêu lâu dài với giá cao hơn thị trường.

“Trung bình mỗi con lợn 100 kg chúng tôi kiếm thêm từ 500.000 đồng trở lên. Lợn nuôi đến đâu, công ty thu mua đến đó nên các thành viên trong HTX chỉ tập trung chăn nuôi lợn đảm bảo các tiêu chuẩn đề ra, lợn đạt chất lượng thịt thơm ngon”, ông Cư tiết lộ.

Ông Trần Văn Lộc, Giám đốc Sở NN – PTNT tỉnh Bình Phước nhận định, có thể nói, chăn nuôi theo hướng ATSH đang dần trở thành hướng sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao, bền vững, góp phần thay đổi tư duy, thói quen sản xuất của bà con nông dân.

Thời gian tới, Sở sẽ phối hợp các ban, ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền về hiệu quả của việc chăn nuôi theo hướng ATSH, đồng thời tham mưu UBND tỉnh Bình Phước ban hành chính sách hỗ để tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận và ứng dụng tiến bộ khoa học- kỹ thuật vào phát triển chăn nuôi, tham gia vào chuỗi giá trị từ chăn nuôi đến giết mổ, tiêu thụ sản phẩm theo hướng an toàn, bền vững.

Xem thêm
Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.