| Hotline: 0983.970.780

Long An phấn đấu năm 2025 có 10 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn

Thứ Sáu 10/06/2022 , 06:04 (GMT+7)

Mục tiêu của Long An đến cuối năm 2025 có 10 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới (NTM).

Trong đó: hai huyện đạt chuẩn NTM nâng cao, một huyện đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 142/161 xã đạt chuẩn NTM, 57 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 11 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Để đạt được mục tiêu đề ra, Long An đang tập trung nhiều giải pháp để tăng tốc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025. Trong đó, tỉnh tập trung chuyển đổi tư duy từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp” và xây dựng ấp đạt chuẩn NTM.

Sở NN-PTNT Long An cho biết, toàn tỉnh đã có 108/161 xã đạt chuẩn NTM, Trong đó có 19 xã NTM nâng cao, huyện Châu Thành đạt chuẩn NTM, TP. Tân An hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Riêng, huyện Tân Trụ và thị xã Kiến Tường đã được Trung ương thẩm định đạt chuẩn hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Thanh long là một trong những cây ăn trái chủ lực của tỉnh Long An. Ảnh: Minh Đảm.

Thanh long là một trong những cây ăn trái chủ lực của tỉnh Long An. Ảnh: Minh Đảm.

Vĩnh Hưng chú trọng hoàn thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật

Chương trình xây dựng NTM đang kéo đời sống người dân nông thôn sát với thành thị. Đặc biệt, các giải pháp phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp đang giúp người dân nâng cao thu thập trong từng nông hộ. Ông Hồ Sĩ Đạt, ấp Trung Trực, xã Thái Bình Trung (huyện Vĩnh Hưng) cho biết:

“Khi địa phương tiến lên NTM đã giúp cho cư dân nông thôn vùng biên giới này thụ hưởng lớn từ chương trình, nhất là hệ thống giao thông, thủy lợi rất thuận lợi cho việc thu hoạch và vận chuyển hàng nông sản, bán được giá cao. Ngoài ra, việc liên kết tổ chức sản xuất ứng dụng công nghệ, áp dụng cơ giới hóa, đưa máy bay vào phun xịt thuốc… trong sản xuất lúa đã giảm công lao động, tăng lợi nhuận trên từng đơn vị diện tích”.

Ông Nguyễn Thiện Tâm, Trưởng ấp Trung Trực, xã Thái Bình Trung (huyện Vĩnh Hưng) cho hay, bà con đang thụ hưởng rất lớn từ chương trình NTM. Rõ nét nhất là đường, trường học, nước sạch đến đường ra đồng được đầu tư rất thuận lợi cho việc chuyển chở vật tư nông nghiệp và hàng nông sản đến ngày thu hoạch. Việc áp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, liên kết với nhau trong sản xuất đã mang lại lợi nhuận cao. Giao thông thông thoáng là yếu tố then chốt giúp cho người nông dân giảm chi phí, hàng hóa bán được giá cao, tăng lợi nhuận.

Trước đây vùng Thái Bình Trung đặc thù là trồng lúa nhưng từ khi xây dựng NTM đến nay bà con đã chuyển đổi sản xuất sang trồng dưa hấu và các sản phẩm xen canh cho thu nhập rất cao. Thu nhập của bà con ở vùng thôn thôn xã Thái Bình Trung năm 2021 khoảng 60 triệu đồng/người/năm. Sau khi địa phương được công nhận xã NTM bà con rất là phấn khởi. Định hướng tới đây của xã là xây dựng ấp NTM và xã NTM nâng cao.

Nói về chương trình NTM của huyện Vĩnh Hưng, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện thông tin: “Vĩnh Hưng là huyện nằm giáp ranh biên giới của tỉnh Long An. Qua 10 năm bắt tay xây dựng NTM, đến nay huyện có gần 90% đường liên xã được đầu tư nâng cấp, mở rộng, láng nhựa, bê tông hóa, ô tô đi lại thuận tiện quanh năm; hơn 80% đường trục ấp, liên ấp được cứng hóa; trên 95% đường ngõ xóm sạch và không lầy lội vào mùa mưa”.

Cũng theo ông Nguyễn Tuấn Anh, huyện Vĩnh Hưng đã có 5 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có một xã NTM nâng cao. Trong quá trình thực hiện chương trình nông thôn mới, huyện nhận được sự đồng thuận từ người dân, phát huy được thế mạnh của địa phương trong phát triển sản xuất gắn với thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

 Đặc biệt, địa phương quan tâm tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị. Người dân chọn đầu tư những cây trồng, vật nuôi chủ lực theo hướng giảm giá thành, gắn sản xuất với tiêu thụ, nâng cao chất lượng, giá trị nông sản thông qua việc ứng dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao.

Đường giao thông nông thôn của tỉnh Long An ngày càng thông thoáng. Ảnh: Thanh Phong.

Đường giao thông nông thôn của tỉnh Long An ngày càng thông thoáng. Ảnh: Thanh Phong.

Qua 10 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM đã kéo đời sống vật chất và tinh thần người dân được nâng lên gấp 3,5 lần so với trước đây. Hiện địa phương đang tiếp tục huy động mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng, nâng chất chương trình NTM. Trong đó, chú trọng hoàn thiện các kết cấu hạ tầng kỹ thuật, nhất là hạ tầng về giao thông. Đây là khâu đột phá để thu hút đầu tư trên địa bàn huyện. Bên cạnh đó, địa phương cũng tổ chức lại sản xuất nông nghiệp để nâng cao hiệu quả, lợi nhuận trên một đơn vị diện tích, nâng cao thu nhập và mức sống của người dân nông thôn.

Cần bổ sung thêm chính sách mới

Qua 10 năm xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn ở Long An đã khang trang, sạch đẹp, hầu hết các tuyến đường chính, liên ấp, liên xã đều được nhựa hóa, bê tông hóa, phục vụ nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa. Thu nhập bình quân đầu người đạt gần 65 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo còn 1,82%.

Tại thị xã Kiến Tường, qua 10 năm thực hiện, giá trị sản xuất nông nghiệp của thị xã đạt hơn 1.401 tỷ đồng, tăng hơn 324 tỷ đồng so với năm 2013, chiếm 35,1% giá trị sản xuất toàn thị xã. Thị xã đã hình thành được vùng lúa ứng dụng công nghệ cao với diện tích 4.000 ha, lợi nhuận bình quân đạt trên 27,1 triệu đồng/ha/năm. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2021 đạt gần 60 triệu đồng/người/năm tăng gấp 3 lần so với 2011. Hiện Kiến Tường đã được Bộ NN-PTNT thẩm định hồ sơ đề nghị công nhận hoàn thành xây dựng NTM.

Tại huyện Đức Huệ, ông Nguyễn Thanh Nguyên, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Tỉnh cũng đã cân đối hỗ trợ khoảng 50 tỷ đồng để xây dựng giao thông nông thôn và các giếng nước tập trung. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 huyện có 5 xã NTM và 2 xã NTM nâng cao. Để đạt được mục tiêu này, huyện đang tập trung huy động mọi nguồn lực, vận động người dân tham gia đóng góp để hoàn thành chương trình NTM. Kêu gọi các mạnh thường quân, đây là nguồn lực rất quan trọng giúp huyện hoàn thành mục tiêu NTM trong thời gian tới.

Vùng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao tại các huyện Đồng Tháp Mười. Ảnh: Minh Đảm.

Vùng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao tại các huyện Đồng Tháp Mười. Ảnh: Minh Đảm.

Nói về kết quả xây dựng NTM của tỉnh, Giám đốc Sở NN - PTNT Long An Nguyễn Thanh Truyền cho biết: Khi bắt tay vào xây dựng NTM, Long An đã đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Theo đó, tỉnh đã quy hoạch bốn vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gồm: Vùng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao tại các huyện Đồng Tháp Mười với diện tích 20.000 ha; vùng sản xuất thanh long tại huyện Châu Thành với diện tích 2.000 ha; vùng sản xuất rau tại huyện Cần Đước, Cần Giuộc, Đức Hòa và TP. Tân An với diện tích 2.000 ha; vùng chăn nuôi bò thịt tại huyện Đức Hòa, Đức Huệ. Đi cùng với quy hoạch phát triển là đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, tổ chức lại sản xuất nông sản theo chuỗi giá trị gắn với truy xuất nguồn gốc; đẩy mạnh xúc tiến thương mại; liên kết các tỉnh, thành phố, doanh nghiệp trong việc tiêu thụ nông sản.

Bên cạnh kết quả đạt được thì việc xây dựng NTM từ nay đến năm 2025 vẫn còn nhiều khó khăn, nhiều chủ trương, chính sách trong xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 chưa được ban hành làm cơ sở triển khai thực hiện như: Tiêu chí huyện NTM kiểu mẫu; cơ chế lồng ghép các nguồn lực tham gia thực hiện xây dựng NTM, nhất là nguồn lực của người dân và cộng đồng dân cư.

Mặt khác, Bộ tiêu chí huyện NTM và xã NTM nâng cao có nhiều chỉ tiêu cần phải có thời gian dài và nguồn kinh phí mới thực hiện được. Tuy vậy, để tăng tốc xây dựng NTM theo lộ trình đã đề ra, Long An đang tập trung xây dựng hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để triển khai thực hiện như: Bộ tiêu chí NTM cấp xã (đạt chuẩn, nâng cao, kiểu mẫu) và ấp NTM. Cơ chế khuyến khích các huyện, xã có kinh tế phát triển hỗ trợ cho các huyện, xã khó khăn đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM. Nghị quyết về mức hỗ trợ một phần từ ngân sách nhà nước cho từng nội dung trong xây dựng NTM. Nghị quyết về tỷ lệ phân cấp nguồn thu để lại cho ngân sách xã, huyện từ đấu giá quyền sử dụng đất, giao đất, có thu tiền sử dụng đất (sau khi hoàn trả kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng) trên địa bàn xã để thực hiện các nội dung xây dựng NTM.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.