| Hotline: 0983.970.780

Lũ ống tràn về trong đêm, huyện miền núi Kỳ Sơn choáng váng

Thứ Hai 05/09/2022 , 17:53 (GMT+7)

NGHỆ AN - Mưa bão cục bộ ập đến bất chợt khiến người dân huyện vùng cao Kỳ Sơn không kịp trở tay, chỉ sau một đêm thiên tai đã gây nên thiệt hại hết sức nặng nề.

Empty

Lũ ống tối ngày 4/9 gây thiệt hại nặng cho huyện Kỳ Sơn. Ảnh: Việt Khánh.

15h ngày 5/9, trao đổi cùng Nông nghiệp Việt Nam, ông Thò Bá Rê, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn thông tin: “Chỉ qua một đêm mưa cục bộ với lưu lượng lớn (ngày 4/9 – PV) đã gây thiệt hại nặng trên địa bàn. Hiện nay huyện đang tích cực đẩy nhanh công tác kiểm tra, khắc phục trên diện rộng, lúc này vẫn chưa thể thống kê chính xác mức độ thiệt hại.

So với những trận thiên tai trước đó, mưa bão đợt này gây thiệt hại trên phạm vi rộng hơn và có tính cục bộ hơn. Nhiều tuyến đường liên xã, liên bản bị cô lập, một số điểm trên tuyến đường QL7 cũng bị ách tắc, nhiều cột điện bị đứt gãy, nhiều nhà dân, trường học đối diện nguy cơ sụp đổ cao. Rất may đến thời điểm này chưa ghi nhận mất mát về người”.

Lãnh đạo huyện Kỳ Sơn và người dân trong vùng ảnh hưởng khẳng định, trận “cuồng phong” lần này có tính chất bất thường, xuất hiện quá đột ngột khiến tất thảy không kịp trở tay. So sánh mức độ càn quét, nhiều người khẳng định có chăng quy mô chỉ thua kém trận lũ lịch sử năm 2011 mà thôi. Đưa ra để thấy, đồng bào huyện biên giới Kỳ Sơn đã trải qua thời khắc kinh hãi ra sao.

Empty

Nhiều nhà dân bị ảnh hưởng nặng nề. Ảnh: Việt Khánh.

Qua nắm bắt tình hình được biết, vào khoảng 20h20 ngày 04/9 mưa lớn cục bộ gây ra lũ ống tại tuyến khe Huồi Giảng, đoạn qua bản Sơn Hà - Tà Cạ. Lũ ống cuốn theo lượng lớn đất đá, nước, cùng nhiều gốc cây to từ phía thượng nguồn đổ về xuôi với gia tốc kinh hoàng, di chuyển đến đâu càn quét tan hoang đến đó. Riêng cầu Hòa Sơn (từ Trung tâm thị trấn Mường Xén vào bản Hòa Sơn - Tà Cạ) tắc nghẽn toàn tập…

Chỉ trong chớp mắt nhiều nơi trên địa bàn huyện Kỳ Sơn bị cày xới nham nhở, đất đá, bùn đất chất đống như bãi công trường, không ít tuyến đường, nhà dân cùng hàng loạt hạng mục công trình… chịu cảnh hư hỏng nặng nề. Dù sự việc xảy đến ngoài tính toán nhưng Ban chỉ đạo PCTT-TKCN huyện Kỳ Sơn đã nhanh chóng nắm bắt tình hình, qua đó khẩn trương huy động phương tiện, lực lượng xử lý tình huống cấp bách.

Theo xác nhận của lãnh đạo xã Hữu Lập, Trên địa bàn xảy ra mưa lớn lúc 22h đêm, đến tầm 2h sáng thì biển nước đã bủa vây tứ phía, gây ngập lụt nặng ở một số vùng thấp trũng. Trong đó, tuyến đường di chuyển từ xã Hữu Lập vào xã Bảo Nam, đi xã Chiêu Lưu đã hình thành nhiều điểm bị sạt lở nghiêm trọng, gây chia cắt hoàn toàn. Thiên tai chớp mắt làm đảo lộn hoàn toàn đời sống dân sinh, bà con nhiều nơi bị động không biết phải ứng phó ra sao.

Trước mắt, hơn 30 ha diện tích trồng lúa của xã Hữu Lập bị ngập, hoặc bị cuốn trôi, dự kiến nhiều nhà mất trắng vụ này. Mưa lũ cũng tác động lớn đến hàng loạt nhà dân ở 2 bản Xốp Thặt và Na, chưa kể nhiều trang trại, nhiều ao nuôi cũng cùng chung cảnh ngộ.

Tại xã Bảo Nam xem ra còn bi đát hơn, trước nhất ghi nhận 6 nhà dân bị sụp đổ, ngay trong đêm 4/9 địa phương phải đưa ra cảnh báo đặc biệt, cùng lúc gấp rút di dời hơn 50 hộ dân ơ bản Nam Tiến 1 và Nam Tiến 2 đến nơi an toàn.

Empty

Công tác xử lý, khắc phục diễn ra ngay trong đêm. Ảnh: Việt Khánh.

Qua ngày 5/9, dù mưa đã ngớt đi nhiều nhưng khắp nơi vẫn đang trong cảnh hoang tàn, bất chấp sự nỗ lực của chính quyền địa phương các cấp và cơ quan chức năng. 

Tại huyện Kỳ Sơn, qua khảo sát hiện có trên 30 điểm sạt lở núi và trên 20 điểm có thể xảy lũ ống, lũ quét, đặc biệt có hàng trăm hộ dân nằm trong diện nguy cơ, rải khắp các xã Tà Cạ, Phà Đánh, Hữu Kiệm, Chiêu Lưu, Keng Đu, Bắc Lý, Mỹ Lý…

Từ tháng 8/2022, Ban Chỉ đạo về Phòng chống thiên tai tỉnh Nghệ An đã ban hành nhiều văn bản gửi Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các địa phương đề nghị ứng phó với mưa lớn, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Để giảm thiểu tối đa thiệt hại cần tập trung nguồn lực, từng bước bố trí, sắp xếp lại khu vực dân cư gắn với sinh kế các khu vực trong diện nguy cơ. Đặc biệt, cần ưu tiên lồng ghép các nguồn vốn xây dựng, bố trí chỗ ở an toàn cho các hộ dân bị ảnh hưởng của các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Châu...

Nói thì dễ nhưng làm mới khó, để hoàn thiện những nội dung trên đòi hỏi tiềm lực tài chính lớn, trong khi các huyện khu vực vùng cao ở Nghệ An cơ bản đang khốn khó đủ bề. Riêng Kỳ Sơn luôn nằm trong danh sách huyện… nghèo của cả nước.

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Xuất khẩu nông sản 4 tháng đạt hơn 19 tỷ USD

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, do có sự chuẩn bị, dự báo chính xác nên 4 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt hơn 19 tỷ USD (tăng hơn 23%).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Điện Biên đưa cửa khẩu thành mũi nhọn phát triển kinh tế

Mường Nhé bây giờ vẫn là một trong những huyện nghèo, chậm phát triển bậc nhất trong cả nước, nhưng người Mường Nhé không thể chấp nhận điều ấy trong 10, 20 năm nữa.