Từ đầu tư hạ tầng
Những ngày cuối năm, dọc đường từ trung tâm xã đến các thôn, làng, người Kinh, người J’rai ở xã Ia Mơ, ai nấy đều tất bật bước vào vụ cấy mới. Những cánh đồng lúa nước hai vụ như làm dịu đi cái nắng nóng của mùa khô Tây Nguyên nơi miền biên viễn Ia Mơ này.
Ia Mơ là xã biên giới phía Tây Nam của huyện Chư Prông thuộc tỉnh Gia Lai, có 31,95 km đường biên giới giáp biên với Vương quốc Campuchia. Xã có tổng diện tích tự nhiên là 43.559,9 ha, gồm 5 thôn với tổng 635 hộ/2.586 nhân khẩu, người Jrai chiếm 69,9% dân số của toàn xã…
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Mơ, cho biết: Toàn xã có diện tích gieo trồng là 1.772,15 ha, với các loại cây trồng như điều, lúa, dưa hấy, bí đỏ, mía, rau đậu các loại... Nhiều năm về trước, đời sống của bà con còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, thu nhập của nhân dân thấp, hệ thống cơ sở hạ tầng, đường giao thông chưa được đầu tư bài bản...
“Đứng trước những khó khăn đó, Đảng ủy, chính quyền xã Ia Mơ đã tập trung chỉ đạo ban hành nghị quyết, chương trình hành động phát triển kinh tế, xã hội và giảm nghèo bền vững. Đồng thời phân công, gắn trách nhiệm của các cán bộ, công chức xã trực tiếp phụ trách các thôn để thực hiện các chỉ tiêu kinh tế và tiêu chí giảm nghèo, góp phần xây dựng nông thôn mới”, Phó Chủ tịch xã Nguyễn Anh Tuấn cho biết.
Được sự quan tâm của tỉnh, của huyện trong việc đầu tư, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, toàn bộ tuyến đường vào khu vực trung tâm xã đã được bê tông hóa; các công trình công cộng như trạm y tế, trường học, sân vận động… đều được xây dựng mới, phục vụ nhu cầu học tập, chăm sóc sức khỏe và giải trí, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân. Đặc biệt, hệ thống điện lưới đã thắp sáng một vùng biên vốn ngàn đời tăm tối.
Song, niềm vui, niềm tự hào lớn nhất của người dân Ia Mơ, đó chính là công trình thủy lợi Ia Mơ. Được Chính phủ đầu tư từ năm 2010 với diện tích mặt nước trên 3.600 ha. Thủy lợi Ia Mơ đang dần hoàn thiện hệ thống kênh dẫn nước. Khi hoàn thành, công trình cung cấp nước tưới cho khoảng 12.500 ha, trong đó có 8.500 ha tại xã Ia Mơ và các địa phương lân cận, giải quyết nhu cầu nước tưới sản xuất nông nghiệp cho một vùng rộng lớn, giúp người dân tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế.
Đến mở rộng cánh đồng lúa nước
Công trình thủy lợi Ia Mơ được xây dựng đã đánh thức “giấc ngủ lạc hậu” ngự trị tự ngàn đời của người dân vùng biên viễn này. Từ đây, những dòng nước đầu tiên đang len lỏi vào những cánh đồng khô khát, tưới mát cho các loại cây trồng trên địa bàn.
Đặc biệt, đến thời điểm hiện tại, xã Ia Mơ đã hình thành được hai cánh đồng trồng lúa nước hai vụ với 382 ha. Đây là những vùng đất khô cằn mà trước đây, bà con dân tộc J’rai chỉ biết tra hạt lúa xuống đất rồi… giao cho trời, hoặc những khu chăn thả tự nhiên. Bây giờ, nước đi đến đâu, lúa tốt bời bời đến đó. Lúa nước hai vụ theo chân người dân nơi đây, len lỏi đến tận gầm nhà sàn, rồi mở ra những cánh đồng bao la, ngằn ngặt xanh đến tận đường chân trời.
Gia đình bà K’păh Bơi, dân tộc J’rai ở làng Nap, xã Ia Mơ có 6 sào đất (1 sào 1.000m2), trước đây chỉ trồng lúa một vụ bấp bênh hoặc một vài loại cây truyền thống khác. Theo đó, cuộc sống của gia đình bà cũng bấp bênh theo thời tiết mỗi năm. “Trước đây bà con chỉ làm lúa được một vụ nên cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Nay có hồ thủy lợi, bà con rất mừng, có nước để bà con trồng lúa hai vụ, có thêm thu nhập để cuộc sống ấm no hơn”, bà K’păh Bơi không dấu nổi niềm vui.
Là hộ thuộc diện khó khăn, kinh tế gia đình anh Đặng Phúc Thuận ở làng Klă, xã Ia Mơ chỉ trông ngóng vào hơn 3 sào lúa sản xuất 1 vụ. Nếu năm nào gặp thời tiết khô hạn, xem như mất trắng. “Trước đây, cánh đồng này chưa có nước về nên bà con ở đây chỉ làm lúa một vụ thôi. Từ ngày có kênh thủy lợi dẫn nước vào đồng ruộng, bà con chúng tôi rất vu. Giờ người dân ở đây đã biết trồng lúa hai vụ rồi, cuộc sống đỡ hơn nhiều so với trước”, anh Thuận cho hay.
Phó Chủ tịch UBND xã Ia Mơ chia sẻ: “Việc mở rộng những cánh đồng lúa nước hai vụ là một thay đổi lớn, giúp người dân nơi đây dần làm quen với việc canh tác lúa nước hiện đại. Địa phương luôn vận động bà con không nên bán đất mà phải giữ lại đất để canh tác, phát triển kinh tế gia đình và để dành đất cho con cháu sau này”.
Công trình thủy lợi Ia Mơ không chỉ đưa nước về tưới cho những cánh đồng lúa nước hai vụ, không chỉ tắm mát cho một vùng đất rộng lớn khô khát tự ngàn đời, mà lớn hơn, nó làm thay đổi tập tục canh tác lạc hậu từ ngàn đời của người dân nơi đây. Theo đó, phương thức canh tác mới đang dần được bà con dân tộc thiểu số làm quen, các tiến bộ về sản xuất nông nghiệp tiền tiến đã từng bước đến với cánh đồng. Theo đó, năng suất tăng, đời sống bà con được nâng cao.