| Hotline: 0983.970.780

'Luồng gió mới' làm đổi thay xã nghèo vùng biển

Thứ Sáu 05/03/2021 , 08:27 (GMT+7)

Chương trình nông thôn mới đã thổi luồng gió mới, thay đổi bộ mặt xã Giao Phong, huyện Giao Thủy (Nam Định). Nhờ nông thôn mới, người dân có cuộc sống tốt hơn.

UBND xã Giao Phong ngày nay. Ảnh: Mai Chiến.

UBND xã Giao Phong ngày nay. Ảnh: Mai Chiến.

Tháo gỡ khó khăn

Với điểm xuất phát thấp, song được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước; sự chỉ đạo quyết liệt trong xây dựng nông thôn mới (NTM) của UBND tỉnh, UBND huyện; sự đồng lòng của người dân nên xã Giao Phong đã nhanh chóng bứt phá, lột xác và chuyển mình mạnh mẽ. Từ một xã nghèo ven biển, đến nay Giao Phong đã trở thành địa phương có thu nhập cao, nằm trong top đầu của huyện.

Nhìn lại về chặng đường 10 năm qua, ông Phạm Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Giao Phong nhớ lại: Năm 2011, địa phương bắt đầu bắt tay vào công cuộc xây dựng NTM. Thời điểm đó, địa phương mới chỉ có 7 tiêu chí đạt, các tiêu chí còn lại vẫn dở dang. Trong đó, tiêu chí cơ sở vật chất và tiêu chí bảo hiểm y tế là khó khăn nhất.

“Thời điểm đó, trường học các cấp vẫn còn nghèo nàn, thô sơ, không đủ tiêu chuẩn; địa phương đã phải tìm mọi giải pháp để tháo gỡ tiêu chí này. Còn tiêu chí bảo hiểm y tế, nhờ sự tuyên truyền tích cực nên người dân cũng hiểu rõ vấn đề và có ý thức chấp hành, tham gia đăng kí…”, ông Sơn thổ lộ.

Theo ông Sơn, đó chỉ là 2 trong nhiều cái khó khăn mà thời điểm đó Giao Phong cần phải giải quyết. Với phương châm “làm đến đâu, chắc đến đó”, xã Giao Phong từng bước tháo gỡ mọi khó khăn. Bởi vậy, chỉ sau 4 năm tham gia Chương trình MTQG về xây dựng NTM, xã Giao Phong đã cán đích NTM trong niềm vui phấn khởi của Đảng bộ, chính quyền và toàn thể bà con nhân dân.

Đường sá được mở rộng, nâng cấp. Ảnh cơ sở cung cấp.

Đường sá được mở rộng, nâng cấp. Ảnh cơ sở cung cấp.

Trưởng thôn xóm Lâm Hồ, ông Ngụy Văn Đông không giấu nổi niềm vui khi nhắc lại thời điểm xã Giao Phong được công nhận là xã nông thôn mới. Ông Đông bảo: Có được kết quả này là sự đồng lòng, chung sức của bà con nhân dân xóm Lâm Hồ nói riêng, cả xã nói chung. Mỗi cá nhân là 1 viên gạch, khi các viên gạch được ghép lại với nhau sẽ tạo thành ngôi nhà vững chắc. Điều đó thể hiện sự đoàn kết; sự đồng thuận, đồng lòng của nhân dân cấp cơ sở.

Ông Đông chia sẻ thêm, trước đây trục đường chính vào xóm dài gần 1km chủ yếu là mặt nền đất; trời mưa thì lụt lội, bẩn thỉu, trời nắng thì bụi bay mù mịt; điện đường thì không có, bà con nhân dân đi lại vất vả… Sau khi có chủ trương xây dựng NTM, cán bộ cơ sở đã đứng lên kêu gọi bà con trong xóm hiến đất mở rộng đường, đóng góp ngày công, tiền bạc để tu tạo, làm đẹp con đường.

“Từ chỗ mặt đường chỉ rộng 2m, đến nay đã được mở rộng tới 5m, xe cộ đi lại thoải mái. Mặt đường được đổ bê tông chắc chắn, dày tới 10cm; 1 bên đường trồng hàng cau cảnh trông rất đẹp mắt, điện đường chiếu sáng cả 1 góc trời…, còn gì vui hơn nữa”, ông Đông cười.

Góp sức cùng thôn xóm, nhiều năm qua, hộ gia đình ông Phạm Thanh Lộc (xóm Lâm Hồ) đã ủng hộ các nguyên vật liệu xây dựng, tiền bạc để cùng cơ sở xây dựng NTM; tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp hơn.

Chờ ngày hái “trái ngọt”

Với quan điểm “xây dựng NTM có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc”, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Giao Phong tiếp tục tập trung nỗ lực, phấn đấu nâng cao chất lượng các tiêu chí, hướng tới xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu.

Xóm văn hóa nông thôn mới. Ảnh: Mai Chiến.

Xóm văn hóa nông thôn mới. Ảnh: Mai Chiến.

Chủ tịch UBND xã Giao Phong bộc bạch: Năm 2018, địa phương tiếp tục được Huyện ủy, HĐND, UBND huyện tin tưởng, lựa chọn làm điểm xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn 2018 - 2020. Để triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị quan trọng này, các lãnh đạo địa phương đã ngồi lại với nhau để định hướng đường đi, ban hành Nghị quyết chuyên đề, kế hoạch xây dựng…

“Chúng tôi coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên và lâu dài; nhằm huy động, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân cùng tham gia. Nhờ vậy, chúng tôi đã chọn được những giải pháp mang lại hiệu quả cao, phù hợp với đặc điểm của địa phương, đến nay đã đạt được những kết quả đáng mừng”, ông Phạm Văn Sơn nói.

Theo đó, đến hết năm 2020, tỉ lệ lao động trong độ tuổi có việc làm thường xuyên đạt gần 100%; thu nhập bình quân đạt 54,6 triệu đồng/người/năm; có 95,04% số hộ dân trong địa bàn xã được sử dụng nước sạch; tỉ lệ hộ nghèo đa chiều không thuộc đối tượng bảo hiểm xã hội là 0%; trường học các cấp đều đạt chuẩn quốc gia; 99,7% số hộ dân hài lòng đối với kết quả thực hiện Bộ tiêu chí xã NTM nâng cao…

Đến nay, xã Giao Phong đã cơ bản hoàn thành xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu. Đây là tín hiệu vui của địa phương. Ngày hái “trái ngọt” sắp cận kề.

Lãnh đạo địa phương giám sát công trình. Ảnh cơ sở cung cấp.

Lãnh đạo địa phương giám sát công trình. Ảnh cơ sở cung cấp.

Một ngày đầu xuân chúng tôi có mặt ở xã Giao Phong, mặc dù trời mưa dày hạt nhưng cán bộ Hưng - phụ trách mảng văn hóa xã vẫn không ngần ngại chở tôi đi tham quan địa phương bằng xe máy. Quả thực, đi đến đâu chúng tôi choáng ngợp đến đó; bởi bộ mặt nông thôn được thay đổi rõ rệt, những ngôi nhà cao tầng nối nhau san sát; đường sá rộng rãi, sạch sẽ. 

Trước khi chúng tôi chia tay địa phương, vị Chủ tịch UBND xã Giao Phong nói rằng, kết quả xây dựng NTM nói chung và xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu nói riêng là rất to lớn và toàn diện trên cả các mặt của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Giao Phong.

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

Người dân tự nguyện bàn giao mặt bằng thực hiện dự án đường cao tốc Bắc-Nam

Quảng Bình Người dân huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) đã tự nguyện bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025

Ninh Thuận: Thêm 84 sản phẩm được công nhận OCOP

Mới đây, UBND tỉnh Ninh Thuận đã ban hành quyết định công nhận 84 sản phẩm của các chủ thể đạt hạng OCOP từ 3 - 4 sao.