| Hotline: 0983.970.780

Lý do Nga điều đội tàu chiến lớn chưa từng có tới Syria

Thứ Năm 06/09/2018 , 07:25 (GMT+7)

Ngoài việc răn đe Mỹ và hỗ trợ đồng minh Syria, Nga có thể đang muốn thử nghiệm và quảng bá vũ khí tới các khách hàng tiềm năng.

Đô đốc Grigorovich, một trong các chiến hạm được điều tới Địa Trung Hải. Ảnh: Livejournal.

Cuối tháng 8/2018, Nga triển khai lực lượng hải quân lớn nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh đến khu vực Tây Địa Trung Hải, ngoài khơi Syria. Động thái này diễn ra sau khi Nga cáo buộc Mỹ chuẩn bị tấn công Syria với cái cớ "trừng phạt việc sử dụng vũ khí hóa học" ở Idlib, thành trì cuối cùng của phe nổi dậy tại nước này.

Giới phân tích cho rằng ngoài việc răn đe Mỹ và bảo vệ đồng minh Syria trước nguy cơ bị tấn công, quyết định triển khai đội tàu chiến rầm rộ đến Địa Trung Hải của Nga dường như còn mang mục đích quảng bá vũ khí, theo National Interest.

Hải quân Nga triển khai hơn 10 tàu chiến gồm khu trục hạm, tàu hộ vệ tên lửa và tàu ngầm, đa số được trang bị tên lửa hành trình tầm xa Kalibr, có khả năng tiêu diệt mục tiêu ở khoảng cách 2.500 km. Chuyên gia phân tích Konstantin Sivkov tại Học viện Khoa học Nga cho rằng sự hiện diện của các chiến hạm mang tên lửa này có thể ngăn đối phương tiến vào vị trí thực hiện đòn không kích Syria.

"Đội tàu chiến của Nga sẽ tạo lá chắn trên biển và trên không để đối phó với các cuộc tấn công tiềm tàng từ quân đội Mỹ. Tuy nhiên, khó có thể xảy ra đụng độ trực tiếp giữa hai bên", Kerim Has, chuyên gia về Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, nhận định.

Hồi tháng 5 năm nay, tàu hộ vệ Yaroslav Murdry của hải quân Nga đã bám sát nhóm tác chiến tàu sân bay USS Harry S. Truman ở ngoài khơi Syria. Chuyên gia Sivkov nhận định các tàu như Yaroslav Murdry có thể chuyển tọa độ của nhóm tàu sân bay Mỹ về sở chỉ huy khi nổ ra xung đột quân sự.

"Sự hiện diện của Nga sẽ làm suy yếu khả năng áp đặt quyết định bằng vũ lực của phương Tây. Nói cách khác, Nga muốn chuyển từ cạnh tranh quân sự sang chính trị bằng việc cho thấy rằng họ luôn có biện pháp đối phó hiệu quả trước mọi động thái quân sự của phương Tây", Timur Akhametov, chuyên gia Trung Đông tại Hội đồng Quan hệ Quốc tế Nga, đánh giá.

Michael Kofman, học giả tại Trung tâm phân tích Wilson của Mỹ, cho rằng sự hiện diện của tàu chiến Nga không chỉ nhằm hỗ trợ cuộc tấn công vào Idlib. "Có thể Moskva định phô trương hỏa lực trong các hoạt động tập trận cấp chiến dịch và chiến lược sắp tới", Kofman nói.

Chuyên gia Has nhận định việc triển khai lực lượng hải quân lớn dường như sẽ hỗ trợ quá trình thiết lập cơ sở hạ tầng, duy trì sự hiện diện lâu dài của Nga tại Syria, đặc biệt là ở quân cảng Tartus.

Hiện chưa rõ các tàu chiến Nga ở Địa Trung Hải sẽ tham gia cuộc tập trận kéo dài một tuần rồi trở về nước hay ở lại hỗ trợ cuộc tấn công của quân đội Syria vào tỉnh Idlib. Cuộc tập trận dự kiến kéo dài đến ngày 8/9, một ngày sau khi lãnh đạo Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran họp ở Tehran để thảo luận tình hình Syria.

"Nhiều khả năng quân đội Syria sẽ không tấn công Idlib trước hội nghị này. Một số tàu chiến Nga có thể rời khu vực hoặc ở lại đó theo đợt triển khai luân phiên sau khi hoàn thành cuộc diễn tập", Has đánh giá.

Nga có thể dựa chủ yếu vào lực lượng không quân trong cuộc tấn công Idlib, thay vì dựa hoàn toàn vào các tàu chiến. Số lượng chiến đấu cơ Nga triển khai tại căn cứ không quân Hmeymim đang tăng lên đáng kể.

Vị trí tỉnh Idlib của Syria. Đồ họa: BBC.

"Moskva có thể tăng cường hiện diện quân sự ở Syria trước cuộc tấn công vào Idlib, bắt đầu bằng việc kéo sự chú ý từ khu vực này sang các cuộc diễn tập trên Địa Trung Hải. Hoạt động tăng cường lực lượng nhiều khả năng sẽ tiếp tục ngay cả sau khi kết thúc diễn tập, nhằm phục vụ chiến dịch tấn công Idlib", Has nhận định.

Ngoài các lý do trên, Nga dường như đang tận dụng cơ hội để thử nghiệm, quảng bá tính năng nhiều loại vũ khí khác nhau trong môi trường chiến tranh thực tế. Điều này có thể giúp Nga thu hút các khách hàng trong khu vực với các khí tài như tiêm kích, tàu chiến và tổ hợp phòng không S-400.

"Việc triển khai sức mạnh quân sự ở nước ngoài là cơ hội để Nga tăng cường uy tín, lấy lại vị thế cường quốc ở Trung Đông và đông Địa Trung Hải, nơi có nhiều nguồn dầu mỏ. Đây có thể là nguyên nhân khiến Hạm đội Phương Bắc, Hạm đội Baltic, Hạm đội Biển Đen và Hải đội Caspian cùng diễn tập với lực lượng Không quân Vũ trụ Nga ở khu vực này", Has cho hay.

(vnexpress.net)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Mỹ không còn hệ thống phòng không Patriot để gửi cho Ukraine

Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan cho biết Washington không còn hệ thống phòng không Patriot cho Ukraine, nhưng sẽ gây áp lực buộc EU và NATO chia sẻ cho Kiev.

Bùng nổ thị trường thú cưng và chăm sóc thú cưng

Lần đầu tiên Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng được tổ chức tại TP.HCM với sự tham gia của 12 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm