Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: KCNA. |
Vào ngày kỷ niệm ngày sinh của hai cố lãnh đạo Kim Nhật Thành và Kim Jong Il, Triều Tiên tổ chức duyệt binh, bắn pháo hoa, người dân được nghỉ lễ. Nhưng tuần trước, điều đó không diễn ra vào sinh nhật 8/1 của Kim Jong-un, người được cho là vừa bước sang tuổi 35. Ông thậm chí còn không ở Triều Tiên mà tới Bắc Kinh để gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lần thứ tư.
Kim Jong-un lên nắm quyền sau khi cha ông là Kim Jong-Il qua đời vào tháng 12/2011. Triều Tiên không có hoạt động nào để đánh dấu ngày 8/1, ngoại trừ lần cựu sao bóng rổ Mỹ Dennis Rodman hát chúc mừng sinh nhật ông tại sân vận động trước một trận đấu giao hữu vào năm 2014. Truyền thông nước này cũng chỉ đưa tin rằng Rodman đã hát một bài hát thể hiện sự kính trọng đối với ông Kim chứ không nói rõ là mừng sinh nhật.
Giáo sư Hazel Smith, chuyên gia tại trường Nghiên cứu châu Phi và phương Đông ở London từng sống ở Triều Tiên năm 1998 - 2001, nói rằng "không quá ngạc nhiên" khi nước này không kỷ niệm sinh nhật của Kim Jong-un, theo Business Insider.
"Kim Jong-un là lãnh đạo tối cao. Mỗi lời ông ấy nói đều giống như mệnh lệnh", Smith nhận xét. "Ngày sinh của ông nội và bố của Kim Jong-un đã được coi là ngày lễ quốc gia. Các nhà tuyên truyền Triều Tiên không cần thêm một ngày nữa để nhấn mạnh uy quyền của gia đình".
Smith cũng nói thêm rằng các lễ kỷ niệm quốc gia rất tốn kém và trời quá lạnh để tổ chức hoạt động ngoài trời vào thời điểm này trong năm.
"Các lễ kỷ niệm quốc gia đòi hỏi chi phí lớn và sự tham gia của hàng nghìn người. Tháng một là thời điểm lạnh nhất trong năm, nhiệt độ có khi xuống đến -25 độ C", bà nói. "Việc tổ chức cũng không khả thi vì họ còn phải chuẩn bị cho lễ kỷ niệm sinh nhật của Kim Jong-il ngày 16/2.
Giới quan sát cũng nhận định sinh nhật của Kim Jong-un không được kỷ niệm bởi ông chưa gây tiếng vang đủ lớn, chưa thu phục đủ sự tôn sùng từ người dân. "Người Triều Tiên có lẽ cho rằng còn quá sớm để tôn vinh ông Kim Jong-un lên mức ấy", Owen Miller, chuyên gia tại Đại học London, bình luận.
"Kim Jong-il được chỉ định là người kế nhiệm Kim Nhật Thành vào năm 1980 và lòng tôn kính đối với ông ấy trong người dân đã phát triển từ trước khi ông lãnh đạo đất nước. Trái lại, Kim Jong-un mới chỉ được giới thiệu với công chúng Triều Tiên một đến hai năm trước khi nắm quyền vào năm 2011".
"Để ra nghị quyết coi sinh nhật của lãnh đạo là ngày lễ quốc gia, người đó cần đạt được một số thành tựu nhất định", Jean H. Lee, chuyên gia tại trung tâm Wilson có trụ sở tại Mỹ, nói. "Vì vậy, có lẽ ông Kim còn cần làm được nhiều điều hơn".
Người dân Triều Tiên cúi đầu trước tượng Kim Nhật Thành và Kim Jong-il ngày 15/4/2018, trong dịp kỷ niệm ngày sinh của Kim Nhật Thành. Ảnh: KCNA. |
Một số chuyên gia đề cập tới khả năng ông Kim muốn xây dựng hình ảnh bản thân như một lãnh đạo gẫn gũi với nhân dân nên việc chọn sinh nhật ông là ngày lễ quốc gia sẽ ảnh hưởng tới nỗ lực ấy.
Guardian hồi tháng 9/2017 đưa tin Kim Yo-jong, em gái ông Kim, đồng thời là một quan chức cấp cao trong chính quyền Triều Tiên, muốn tìm cách để "tạo dựng sự sùng bái cá nhân với anh trai, bao gồm nỗ lực phát triển hình ảnh ông Kim như một lãnh đạo hòa đồng và gần gũi".
Truyền thông Trung Quốc nhấn mạnh tuổi tác của Kim Jong-un khi ông đến nước này. Báo Trung Quốc Global Times viết trên Twitter rằng ông Kim đón sinh nhật 35 tuổi trong chuyến thăm. Liu Hong, biên tập viên một phụ bản của Xinhua gọi ông là "lãnh đạo bát linh hậu", sử dụng cụm từ để chỉ những người sinh vào thập niên 1980.
"Việc này có hai mục đích: họ ám chỉ rằng với tuổi trẻ, ông có thể là một nhà cải cách đúng đắn. Nhưng động thái này cũng nhằm nhấn mạnh ông Kim là hậu bối nên vị thế không ngang bằng với ông Tập", cựu quan chức ngoại giao Mỹ Mintaro Oba bình luận.