| Hotline: 0983.970.780

Ly hôn không khó, nhưng vẫn cứ là giải pháp tồi tệ nhất

Thứ Tư 23/02/2022 , 13:35 (GMT+7)

Không thương mình, không thương người ta nữa nhưng phải thương các con, hình dung chúng nó lớn lên ra sao, tổn thương đến khi nào mà cân nhắc kỹ, thật là kỹ, chị ạ...

Chị kính mến!

Đứa con trai đầu bị bệnh tim bẩm sinh chị ạ, đến khổ cho em. Ngoài Bắc mùa đông rét, mùa nồm ẩm, quá chật vật gian nan. Em những muốn chết chứ sống thế này không sống nổi. Quyết định để hai gia tộc hai hậu phương lại, chúng em vào Sài Gòn chị ạ.

Nghĩ là không sinh nữa, đã có con trai rồi. Nhưng nhà nội nhà ngoại giải thích con mắc bệnh ấy, rất bấp bênh, còn tuổi là phải sinh đứa nữa. Và vừa chữa bệnh cho con, vừa bầu bì sinh nở. Đứa thứ hai con gái, thiên thần, đúng như mong muốn.

Nhưng cuộc sống không giống như em hình dung mặc dù thời tiết trong Nam là liều thuốc. Vợ chồng hục hặc nhau hết chuyện lớn đến chuyện nhỏ. Đã có làm đơn và xé đơn. Mấy lần như thế chị ạ. Cả hai không có ai cả nhưng chỉ thấy là không muốn nhìn thấy nhau. Thế hai đứa con thì sao? Em đã nghĩ em ôm hết, đã nghĩ, nếu người mẹ phải làm điếm để nuôi con sẽ không sao cả, lương tâm là đủ.

May mà anh ấy thay đổi, khi ấy em đã vượt qua mốc 31-33 tuổi và chồng em 36. Có nghĩa là khi anh vừa qua cái quãng ngặt 31-33 thì đến em, mẹ em đã cảnh báo suốt. Anh tìm thêm việc làm ngày làm đêm, nhiều quan hệ tốt với người tốt, anh như được bón thêm nước, thêm phân, thêm năng lượng. Mười năm sau giai đoạn hôn nhân gian nan, chúng em mua trả góp nhà và đứa con bệnh nan giải cũng lớn dần lên, khỏe ra sau phẫu thuật.

Giờ nhớ lại thời ấy em thương con vô hạn chị ạ. Phương Nam đã cứu em, đứa con gái thiên thần đã cứu em và chính em cũng thấy mình trưởng thành vượt bậc trong suy nghĩ và hành vi. Giờ em yêu chồng hơn rất nhiều vì thương anh bạc tóc sớm. Hú hồn chị ạ. Vì sao mà em nghĩ đơn giản rằng em ôm hai đứa con và sẵn sàng làm mọi thứ để nuôi con?

Em chưa khi nào nghĩ nói hết đối thoại hết với chồng và muốn anh ấy thay đổi ra sao? Lá thư này để thấy rằng ly hôn không khó, nhưng vẫn cứ là giải pháp tồi tệ nhất. Không thương mình, không thương người ta nữa nhưng phải thương các con, hình dung chúng nó lớn lên ra sao, tổn thương đến khi nào mà cân nhắc kỹ, thật là kỹ, hết mức chị ạ. Nay con trai em sắp du học rồi chị, một tương lai sáng rực cho mọi thành viên chúng em chị ạ.

-------------------

Em thân mến!

Hạnh phúc thì giống nhau nhưng bất hạnh thì mỗi người mỗi cảnh. Không thể nào có một công thức chung cho việc này em ạ. Vậy nên mới ly dị ngày càng nhiều và chắc chắn, số trẻ buồn số trẻ bị tổn thương vì ba mẹ bỏ nhau, không ít.Có người bỏ chồng vì chồng bạo lực, có người bỏ vì chồng lăng nhăng, có người bỏ vì chồng gia trưởng, có người bỏ vì chồng nặng bên anh ta quá, có người bỏ vì mẹ chồng quái, có người bỏ vì chồng sao đó chuyện tế nhị không nói ra được, có người bỏ vì chồng kém cỏi hơn mình…

Liệt kê không xiết và vì thế, mãi mãi không bao giờ tòa thất nghiệp vì chuyện không còn người ly hôn.Việc của em, có lẽ ở cái quãng mà mẹ em cảnh báo ấy, là lúc cuộc hôn nhân của em lâm vào bế tắc do quy luật hậu cưới xin hậu sinh đẻ. Mặt khác, con của em bị chứng bệnh nhiều tiền và nhiều công làm em nghẹt thở với việc đó. Cộng với sự chịu đựng giới hạn của người trẻ, các em muốn vứt bỏ cuộc hôn nhân trần ai đó.

Chuyện di vào Nam quá chính xác. Dễ sống dễ làm ăn và dễ các mối quan hệ dù sao cũng rất thoáng (do thổ nhưỡng, do thời tiết làm ra tính cách Nam bộ). Mừng là em đã vượt qua hết thảy, dần dà. Mừng là chồng em vượt lên cho thấy đây là người đàn ông tiềm năng, rất xứng đáng để em lấy lại tin yêu. Mừng nhất là đứa con èo uột ngày xưa đã xong PTTH và có chân trời mà bạn trẻ nào cũng mơ ước.

Chị cũng đã từng ly dị, chị cũng luôn tự vấn mình khi nhìn con buồn. Luôn luôn. Và chị đồng ý với em trong phần cuối thư, nên cứu vãn nếu còn cứu vãn được, nên đối thoại rốt ráo để nghe nhau và xem không yêu thì còn thương không, xem người kia có tiềm năng thay đổi không? Và nhìn, và tưởng tượng các con sẽ và sẽ sau cú sốc một phiên tòa.

Một chấn thương tâm lý có lẽ là mãi mãi, các bậc cha mẹ nên thử đặt mình vào vị trí và tâm lý con để cân nhắc và hành xử. Chỉ dám mong và khuyên đến mức ấy thôi, em nhỉ? 

Xem thêm
Giáng Sinh an lành và bài thánh ca đêm xa vắng

Giáng Sinh an lành đang đến với mọi người trong những mong chờ riêng và những hạnh phúc riêng, nhưng mỗi bài thánh ca lại vang lên mỗi tâm trạng khác.

Chuyện ly hôn: Hành trình vượt qua đau thương

Ly hôn - hai chữ tưởng chừng đơn giản nhưng lại chất chứa biết bao đau thương và mất mát.