Malaysia dưới thời tân Thủ tướng Mahathir Mohamad (giữa) được dự báo có thể điều chỉnh quan hệ với Trung Quốc |
Quan hệ giữa Malaysia và Trung Quốc dự báo có thể thay đổi sau khi ông Mahathir lên nắm quyền.
Tăng phi mã
Ở tuổi 92, ông Mahathir Mohamd đã tạo nên chiến thắng đầy ngoạn mục trước đương kim Thủ tướng Najib Razak để trở lại nắm quyền ở Malaysia. Giới quan sát mặc dù vậy nhận định, thách thức phía trước của ông Mahathir là vô cùng lớn.
Bên cạnh tham nhũng của chính quyền, sự suy giảm về kinh tế là một trong những mối bận tâm lớn nhất của công chúng Malaysia. Đây cũng là lý do quan trọng khiến ông Najib Razak đánh mất tín nhiệm từ các cử tri. Không hề ngạc nhiên khi công việc đầu tiên ông Mahathir đặt ra là lên kế hoạch tăng tốc nền kinh tế Malaysia.
Hồi cuối tuần trước, ông Lim Guan Eng, người vừa được Thủ tướng Mahathir chỉ định vào vị trí Bộ trưởng Tài chính trong chính quyền mới, tuyên bố sẽ xem xét lại toàn bộ các hợp đồng kinh tế không đem lại lợi ích cho Malaysia. Ngay lập tức, người ta nghĩ tới các dự án đầu tư vào Malaysia của Trung Quốc.
Theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), trong vài năm trở lại đây, nguồn vốn đầu tư của Trung Quốc vào Malaysia đã tăng với tốc độ phi mã. Báo cáo của tổ chức Economist Intelligence Unit (EIU) cho biết, Malaysia đã nhảy từ vị trí thứ 21 trong năm 2015 lên thứ 4 trong danh sách quốc gia nhận vốn đầu tư trực tiếp (FDI) từ Trung Quốc. Số liệu của ngân hàng DBS cho thấy, năm 2017 đã có 2,36 tỉ USD từ Trung Quốc đổ vào Malaysia. Nhiều dự án khác giữa Trung Quốc với Malaysia đang được triển khai, trong đó các dự án về đường sắt và cảng biển lên tới 101 tỉ USD.
Theo một dữ liệu khác do This Week Asia tổng hợp, sẽ có khoảng 134 tỉ USD dự án liên quan đến 13 công ty, tổ chức tài chính của Trung Quốc ở Malaysia có thể bị xem xét lại nếu chính quyền mới thực sự hành động. Trong số này có thể kể tới dự án trị giá 13 tỉ USD đường sắt, nối khu vực kém phát triển ở vùng duyên hải phía đông của Malaysia tới thủ đô Kuala Lumpur. Dự án này được mô tả là kẻ “thay đổi cuộc chơi” của cựu Thủ tướng Najib, nhưng từng bị ông Mahathir “điểm danh” trong cuộc vận động tranh cử hồi tháng 4 vừa qua.
Cuộc chơi của người mới
Đây không phải lần đầu các dự án của Trung Quốc ở nước ngoài bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi của chính phủ nước sở tại. Năm 2015, khi cựu Tổng thống Mahinda Rajapaksa thất bại trong cuộc tranh cử ở Sri Lanka, chính quyền mới đã đỉnh chỉ dự án bất động sản trị giá 1,4 tỉ USD của Tập đoàn Xây dựng Trung Quốc (CCCC). Nhưng chỉ 1 năm sau đó, CCCC đã xin được cấp phép để tiếp tục dự án trên. Đây được dự báo cũng có thể là kịch bản đối với các dự án Trung Quốc đang triển khai ở Malaysia.
Thực tế, quan hệ giữa Trung Quốc và Malaysia đã tăng mạnh dưới thời ông Razak Najib. Bản thân tân Thủ tướng Mahathir dù nhiều lần chỉ trích rất mạnh mẽ các dự án của Trung Quốc dưới thời người tiền nhiệm, nhưng ít có khả năng dám gây nên những đứt gãy đột xuất trong quan hệ kinh tế với Bắc Kinh. Ông Mahathir, từng nắm quyền ở Malaysia trong giai đoạn 1981-2003, vốn không xa lạ gì với Trung Quốc khi từng nhiều lần tới Bắc Kinh và cũng là người ủng hộ tổ chức “Hiệp hội Trịnh Hoà” ở Malaysia, được thành lập với mục tiêu thúc đẩy quan hệ song phương và đầu tư giữa 2 nước.
Vấn đề chỉ là dưới thời ông Najib, các dự án liên quan đến Trung Quốc bị đặt nhiều câu hỏi về tính minh bạch, cũng như việc Malaysia “lợi ít, hại nhiều”. Lu Jinyong, chuyên gia nghiên cứu về đầu tư của Trung Quốc thuộc Đại học Kinh tế và Kinh doanh quốc tế ở Bắc Kinh tin rằng, đích ngắm chính quyền ông Mahathir hướng tới là đàm phán lại các điều khoản hợp đồng nhằm tăng lợi ích cho Malaysia, thay vì huỷ bỏ hoàn toàn dự án với Trung Quốc.