| Hotline: 0983.970.780

Mẹ 80 tuổi mắc bệnh tim chăm những người con điên dại

Thứ Sáu 25/08/2017 , 06:40 (GMT+7)

Niềm hạnh phúc của bậc làm cha làm mẹ là khi được nhìn thấy các con của mình trưởng thành, khỏe mạnh. Thế nhưng, đối với gia đình bà Đinh Thị Định (SN 1936) ở xóm 6, xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam thì niềm mong ước ấy quá xa vời.

Bốn người con tâm thần

Hình ảnh đầu tiên hiện ra trước mắt chúng tôi khi đặt chân tới cổng của căn nhà cấp bốn ẩm thấp, rộng khoảng 20m2 nằm sâu trong một con hẻm là 3 người con của bà Định đang lê lết trước thềm nhà, thấy người lạ cứ ngây ra rồi cười hềnh hệch, miệng lẩm bẩm không ngừng. Trong nhà, trên chiếc giường đã mục, bà Định đang nằm co ro, thi thoảng lại lên cơn ho kéo dài khiến cơ thể run lên bần bật.

15-12-57_b_dinh_thi_dinh_ben_cnh_3_nguoi_con_thn_kinh_dien_lon_cu_minh
Bà Đinh Thị Định và những người con rất cần sự giúp đỡ

Bà Định kể, bà được sinh ra trong một gia đình thuần nông, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Năm 1964, như bao người con gái khác, bà Định được sự chúc phúc của người thân và bà con lối xóm khi kết hôn với ông Nguyễn Văn Truyền (SN 1937).

Ba năm sau ngày cưới, người con gái đầu lòng của ông bà là Nguyễn Thị Hòa (SN 1967) sinh ra trong niềm vui khôn xiết của bố mẹ. Thế nhưng, sau một trận sốt cao kéo dài, chân tay chị Hòa cứ dần teo lại, còn tâm trí thì cứ ngơ ngơ không nhận biết được, mắt đờ dại, mắc bệnh suy tim bẩm sinh.

Sáu năm sau, người con trai thứ hai của ông bà là Nguyễn Văn Bình (SN 1973) ra đời cũng khỏe mạnh và kháu khỉnh. Nhưng có ai ngờ đâu, khi được hơn một tuổi thì anh Bình cũng bắt đầu có những biểu hiện giống như người chị gái.

Mong muốn có một đứa con lành lặn lại thôi thúc ông bà sinh tiếp chị Nguyễn Thị Mai (SN 1977). Thế nhưng khi chị Mai lớn lên cũng lại ngơ ngơ như anh, chị của mình. Lần này ông bà đã đưa chị Mai lên Hà Nội khám và nằm viện hơn 3 tháng trời để các bác sĩ châm cứu bấm huyệt, dùng cả thuốc đông y và tây y nhưng tình hình cũng chẳng được cải thiện.

Năm 1979, bà Định sinh thêm chị Nguyễn Thị Mài. Thế nhưng từ lúc mới sinh bệnh tình của chị Mài còn nặng hơn các anh chị của mình. Những hôm trái gió trở trời, chị Mài đi lang thang la hét khắp làng trên xóm dưới, thậm chí có lần chị Mài còn cầm dao rựa rượt đuổi đòi chém chết bố mẹ và bà con lối xóm.

“Khổ lắm anh ạ, bốn đứa con của tôi sinh ra đều mắc chứng bệnh tâm thần điên loạn bẩm sinh. Cơm mang vào cho chúng nó ăn đều phải để ở góc nhà, rồi mấy đứa lom khom mò tới bốc ăn. Chúng nó ăn bằng tay, chẳng nhai nghiền gì hết, cứ và tới tấp rồi nuốt chửng. Nhiều hôm trái gió trở trời, chúng nó cầm cốc chén, bát đũa ném nhau khắp nhà. Có lần một trong số chúng còn ném cả chiếc bát mắm vào mặt khiến mắt tôi cay xè", bà Định chia sẻ.

Ông Nguyễn Chí Kiên - hàng xóm với nhà bà Định cho hay: “Ở cái xóm 6 nghèo khó này, không ai khổ hạnh và thương tâm như mẹ con nhà bà Định. Bản thân bà ấy đang mắc bệnh tim, rối loạn tiền đình mà vẫn phải một tay chăm sóc cho những đứa con điên loạn suốt ngày la ó, đập phá. Hàng xóm chúng tôi ai cũng thương xót, tiền thì không có cho, chỉ có ít gạo hay nắm rau mang cho mẹ con bà ấy ăn qua ngày”.
 

Thiếu trước hụt sau

Thấy những lúc trời nắng nóng, thấy bà Định thường xuyên ngất lên ngất xuống và khó thở vì bệnh tim nên mọi người khuyên bà đi khám căn bệnh tim nhưng bà sợ tốn kém và sợ chết nên nhất định không đi.

Bà Định nói: “Bây giờ tôi mà vào bệnh viện thì kiểu gì cũng khám ra vài ba bệnh, mà những bệnh này chắc tốn kém nhiều tiền lắm. Mười nghìn đồng trong túi có lúc còn không có thì lấy đâu ra tiền để chữa bệnh".

Rời khỏi căn nhà cấp bốn tuềnh toàng của gia đình bà Định, hình ảnh 3 đứa con bị điên loạn, bò lê lết khắp nhà và những trăn trở của bà Định khiến chúng tôi không khỏi day dứt.

“Giờ còn sức khỏe còn lo được cho chúng, mai này tôi chết đi thì không biết ai sẽ lo cho chúng đây?”, bà Định rơm rớm nước mắt nói.

Trao đổi với chúng tôi về gia cảnh bà Định, ông Nguyễn Duy Hiếu - trưởng xóm 6, xã Thi Sơn, cho biết: “Bốn mẹ con bà Định thuộc diện đặc biệt khó khăn ở địa phương. Nhưng do kinh tế trong xóm còn gặp nhiều khó khăn nên cũng chỉ động viên gia đình bà Định mớ rau là chủ yếu”.

Gia đình bà Định rất mong nhận được sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm. Mọi sự giúp đỡ xin gửi về bà Đinh Thị Định ở xóm 6, xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam; hoặc gửi về Văn phòng Báo NNVN tại ĐBSCL số 49 Lý Tự Trọng, TP Cần Thơ, ĐT: 0292.3835431, chúng tôi sẽ chuyển giúp quý vị.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm