| Hotline: 0983.970.780

Mẹ già 84 tuổi nuôi hai con bị bệnh tâm thần

Thứ Sáu 24/03/2017 , 06:50 (GMT+7)

Gần 50 năm qua, một mình bà phải nuôi hai đứa con bị bệnh tâm thần. Đến nay, sức khỏe bà đã yếu, không lương hưu, cuộc sống của ba mẹ con chỉ trông chờ vào số tiền trợ cấp ít ỏi hàng tháng.

Đó là hoàn cảnh của bà Vi Thị Sáng (SN 1933, xã Hoàng Cương, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ).
 

Số phận éo le

Năm 16 tuổi, bà Sáng tham gia vào Đoàn Thanh niên của xã, sau một thời gian luyện tập, bà được điều đi làm dân công hỏa tuyến, chuyên gánh đạn dược, lương thực ở rất nhiều địa điểm cho lực lượng bộ đội trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

18-03-32_nh-1
Ba mẹ con bà Vi Thị Sáng
 

Đến năm 18 tuổi, bà xây dựng gia đình với chàng trai gần nhà, hơn mình 4 tuổi là Nguyễn Đình Hợp - người dân công tham gia cùng đoàn với bà. Tưởng chừng con gái đầu lòng ra đời sẽ đem lại niềm vui cho hai bên gia đình nội, ngoại. Nhưng niềm vui ấy bỗng biến mất trong nỗi đau vô hạn khi người con gái ấy (chị Nguyễn Thị Cảnh) sinh ra đã không được như người bình thường, ốm đau triền miên.

Thương con, không chịu nỗi đau này, ông bà đành bán thóc, bán những vật dụng quý giá nhất trong nhà, vay tiền bố mẹ, người thân để đưa con gái lên bệnh viện huyện chữa bệnh nhưng vẫn không có một chút hi vọng.

Ở nhà được một thời gian, chồng bà lại tiếp tục trở lại chiến trường, tham gia công việc thồ hàng, lương thực cho bộ đội. Mấy năm sau, ông bà sinh thêm một đứa con gái, nhưng cuộc đời thật trớ trêu, người con gái thứ hai là chị Nguyễn Thị Phong sinh ra cũng mắc bệnh như chị gái.

Ba năm sau, ông bà quyết định sinh thêm đứa con nữa, nhưng ông trời không thương họ, đứa con trai bé bỏng của ông bà chỉ sống được 2 tuổi thì mất do ốm đau triền miên, gia đình không có tiền mua thuốc để chữa trị.

“Lúc con trai bị bệnh, tài sản hai bên gia đình nội, ngoại cũng cạn kiệt, không còn tiền để đưa nó lên bệnh viện. Chúng tôi đành chấp nhận nhìn con khóc thét vì ốm đau, vợ chồng tôi lúc đó như rơi xuống vực thẳm”, bà Sáng buồn rầu.

Đến năm 1969, do sức khỏe yếu, chồng bà từ chiến trường mưa bom bão đạn trở về quê dưỡng bệnh. Đến cuối năm, chồng bà Sáng mất, để lại cho bà hai đứa con thơ dại, một mình bà vừa làm bố, vừa làm mẹ nuôi hai con khôn lớn.

Khó khăn chồng chất khó khăn, một mình bà phải còng lưng làm để kiếm bữa ăn hàng ngày cho hai con. “Thấy tôi vất vả nên nhiều người cũng khuyên tôi đi thêm bước nữa, nhưng tôi quyết định ở một mình để nuôi dậy hai con cho nên người, tôi chấp nhận số phận mà”, bà Sáng kể.
 

Ước nguyện cuối

Đến nay, đã gần 50 năm, một mình bà vẫn phải nuôi hai đứa con tâm thần. Không lương hưu, sức khỏe yếu, để có tiền chi tiêu hàng tháng, ba mẹ con bà chỉ biết trông chờ vào số tiền trợ cấp ít ỏi hàng tháng.

Chỉ tay vào người con gái đầu, bà Sáng nói: “Năm nay, nó cũng bước sang tuổi 59 rồi, sức khỏe yếu không làm được việc gì nặng nhọc. Ở nhà chỉ quanh quẩn cắm nồi cơm, nhặt nhạnh cành củi, làm mấy việc nhẹ trong nhà. Giặt được bộ quần áo thì bất đầu thở dốc, mặt mày tái nhợt”.

Theo lời bà Sáng, người con gái đầu của bà đã lấy chồng nhưng chồng mất sớm nên chị lại trở về nhà ngoại sinh sống cùng mẹ và em gái. Những lúc tỉnh táo, chị cũng phụ giúp bà làm mấy việc nhỏ nhặn, còn những lúc lên cơn thì bà cũng đành chấp nhận nhìn con gái gào thét.

18-03-32_nh-3
Bằng khen kháng chiến chống thực dân Pháp do UBND tỉnh Phú Thọ tặng bà Vi Thị Sáng năm 2007

 

Kể đến đây, bà Sáng lau vội những giọt nước mắt, rồi kể tiếp về đứa con gái thứ hai. Bà bảo, cô con gái thứ bệnh nặng hơn chị gái, miệng luôn ú ớ, đầu óc không được minh mẫn. Nhiều đêm đang ngủ, bỗng bật dậy gào thét, hô ầm nhà rồi nói một mình trong đêm tối.

Tôi hỏi, hàng ngày ba mẹ con bà ăn gì? Bà Sáng cho hay: “Hàng ngày, gia đình chỉ ăn cơm với rau cải bắp luộc, nếu nhạt quá thì trộn ít nước mắm vào cơm. Mỗi tuần, tôi chỉ dám mua 2 - 3 lạng thịt lợn về kho để thay đổi khẩu vị”.

Hàng tháng, cả ba mẹ con bà Sáng được Nhà nước trợ cấp gần 1,3 triệu đồng. Số tiền ít ỏi đó, bà trích một ít để chi tiêu ăn uống hàng ngày, số còn lại bà mua thuốc cho các con và cho chính mình. Thời gian gần đây, căn bệnh đau đầu và viêm khớp chân của bà nặng nên khiến sức khỏe bà Sáng yếu đi nhiều.

Bà phân trần, do trước đây làm mất hết hồ sơ công nhận là dân công hỏa tuyến nên không có tiền lương hưu hàng tháng. “Cuộc đời tôi khổ lắm chú ạ! Từ lúc chồng mất, một mình tôi phải nuôi hai đứa, không lương hưu, sức khỏe lại yếu dần, tôi chỉ mong sao ông trời cho tôi sức khỏe để nuôi chúng nó”.

Hỏi ra mới biết, bà không có nhiều anh em, bên nội chỉ còn một người em gái nhưng hoàn cảnh cũng khó khăn nên mẹ con bà không nhờ vả được gì. Mỗi khi căn nhà hư hỏng, có biểu hiện xuống cấp, bà chỉ biết “cắn răng” bỏ tiền ra thuê thợ về sửa lại.

Biết là khổ, nhưng bà Sáng chỉ có một ước nguyện, khi bà trút hơi thở cuối cùng, hai con bà sẽ được Nhà nước tạo điều kiện cho vào Trung tâm chăm sóc và nuôi dưỡng người tâm thần tỉnh Phú Thọ để hai con bà có cuộc sống đầy đủ hơn, không phải khổ sở như hiện tại.

Trao đổi với chúng, ông Trần Duy Phương - Chủ tịch UBND xã Hoàng Cương (huyện Thanh Ba) xác nhận, bà Vi Thị Sáng là một trong những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhất xã, một mình bà phải nuôi hai con bệnh tật, ốm đau triền miên. Chúng tôi cũng tạo mọi điều kiện để mẹ con bà Sáng có cuộc sống tốt hơn.

Hoàn cảnh của bà Sáng rất mong nhận được sự giúp đỡ của bạn đọc gần xa. Mọi sự giúp đỡ xin gửi về bà Vi Thị Sáng (xã Hoàng Cương, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ); hoặc gửi về Văn phòng Báo NNVN tại ĐBSCL, số 47 Lý Tự Trọng, TP Cần Thơ, ĐT: 0710.3835431, chúng tôi sẽ chuyển giúp quý vị.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.