| Hotline: 0983.970.780

Mẹ già chăm con gái tâm thần, con trai liệt giường

Chủ Nhật 29/04/2018 , 08:01 (GMT+7)

Số phận quá ư nghiệt ngã đã cướp đi tất cả mọi thứ của bà. Chồng mất sau khi nằm liệt giường 6 năm trời. Cô con gái đầu mắc bệnh tâm thần từ nhỏ.

17-10-18_b_nm_dng_dut_tung_thi_com_cho_cu_con_tri_nm_liet_giuong_do_bi_ti_nn_gio_thong
Bà Nam bón cơm cho con trai

Đứa con trai thứ thì tàn phế bởi tai nạn giao thông. Cuộc sống của gia đình bà bao năm qua triền miên trong khổ đau, cơ cực. Đó là hoàn cảnh gia đình bà Ngô Thị Nam (67 tuổi) tại xóm Từ, thôn Xuân Biều, xã Xuân Cẩm, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang.
 

Con gái tâm thần, con trai liệt giường

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Trưởng thôn Xuân Biều, cho hay: “Hoàn cảnh nhà bà Nam thì khổ cực không ai bằng, một tay chăm chồng bị tai biến nằm liệt giường 6 năm trời. Chồng bà ấy chết chưa lâu thì đứa con trai đang khỏe mạnh không may bị tai nạn giao thông. Bao nhiêu năm chạy chữa đến khuynh gia bại sản nhưng cháu nó vẫn tàn phế phải nằm một chỗ. Đứa con gái lớn thì bị tâm thần từ nhỏ. Đã 41 tuổi rồi nhưng đến vệ sinh thân thể vẫn phải mẹ. Bản thân bà Nam mới đây lại phát hiện mắc bệnh tim, tăng huyết áp”.

Ngôi nhà nhỏ của gia đình bà Nam chỉ rộng chừng hơn hai chục mét vuông hiện ra sau con ngõ nhỏ. Vừa bước chân đến cửa nhà thì đúng lúc có tiếng la hét, chửi bới từ trong vọng ra. Trong giây lát, chúng tôi không khỏi thoáng giật mình kinh hãi. Ở góc phòng ẩm ướt, tối tăm một người đàn ông trung niên tiều tụy, chân tay được cột chặt vào thành giường bằng thép.

Bà Nam buồn thảm cho biết: “Em nó tên là Cường, đã 39 tuổi rồi, chưa kịp lấy vợ sinh con thì 12 năm trước khi đang đi làm thì bị tai nạn giao thông, giờ thành ra như vậy. Em nó bị chấn thương sọ não phải phẫu thuật não mấy lần rồi, cứ thả ra là em nó lao đầu vào tường. Sợ nhỡ ra em nó có mệnh hệ gì, tôi phải nhờ mọi người bọc xốp hết bốn xung quanh lại”.

Vừa nói vừa khóc, bà lại dẫn chúng tôi sang gian buồng bên cạnh, nơi có một người phụ nữ đang nằm cười nói một mình một cách vô thức, người mẹ khốn khổ đau xót tiếp lời: Tôi chỉ có 2 đứa con này thôi. Đây là chị thằng Cường, em nó tên là Hạnh, mắc bệnh từ nhỏ, chẳng biết gì cả, đến vệ sinh thân thể hay mặc quần áo cũng phải mẹ làm cho suốt 41 năm qua.

“Ban đầu gia đình cũng thuốc thang, chạy chữa cho Hạnh vì nghĩ con mình còn nhỏ sẽ có hy vọng nhưng hoàn cảnh gia đình quá khổ nên đành chấp nhận đưa Hạnh về”, bà Nam xót xa.

17-10-18_chi_nguyen_thi_bich_hnh_bi_tm_thn_tu_be
Chị Hạnh mắc bệnh tâm thần suốt 41 năm qua

Thật khó có thể nói hết những nỗi cơ cực mà người phụ nữ này đang phải gánh chịu. Một tay bà mấy chục năm chăm sóc đứa con tâm thần, rồi đằng đẵng 6 năm chăm chồng tai biến nằm liệt giường. Đứa con trai vốn khỏe mạnh, lanh lợi là niềm hy vọng, chỗ dựa duy nhất khi bà về già. Giờ vô thức nằm kia, chỉ biết tự hành hạ bản thân mỗi khi trái gió trở trời. Hàng ngày ngắm nhìn các con, bà lại rưng rưng nước mắt, trái tim người mẹ già như bị ai bóp nghẹt.

Mới đây, trong lúc đang thay quần áo cho con gái thì bà Nam bất ngờ khụy ngã ngất xỉu. Được mọi người đưa đi cấp cứu kịp thời nên may mắn không bị tai biến. Tại bệnh viện các bác sĩ sau khi thăm khám đã kết luận bà bị tăng huyết áp, hở van tim, suy nhược cơ thể... và chỉ định phải nằm viện điều trị. Nhưng nghĩ đến 2 đứa con bất hạnh ở nhà không ai chăm sóc, bà đành xin về nhà điều trị ngoại trú.
 

Túng quẫn

Đã quá trưa, sợ 2 đứa con đói bụng, bà Nam vội lật đật lần xuống bếp, cái lưng bị thoái hóa và bị viêm khớp nặng làm bà đau đớn bước đi không nổi. Vừa lúc, được bác hàng xóm mang sang cho bát cháo, bà lập cập bón cho các con ăn mà 2 hàng nước mắt lăn dài.

“Số tiền trợ cấp xã hội gần 500.000 đồng/tháng chỉ đủ thuốc thang, còn cái ăn hằng ngày là nhờ bà con góp cho, ai có cá cho cá, ai có rau cho rau, bữa đói bữa no chứ biết làm sao bây giờ. Giờ tôi chỉ mong có tiền để lo chạy chữa thuốc men cho đứa con gái lớn bị tâm thần suốt 41 năm và con trai bị liệt giường suốt 12 năm qua, còn bệnh tình của tôi thì phó mặc", bà Nam cay đắng nói.

17-10-18_nh_nguyen_hung_cuong_-_con_tri_b_nm_suot_12_nm_qu_nm_liet_giuong_do_ti_nn_gio_thong
Bà Nam chăm sóc con trai

Năm vừa rồi, bà Nam vay 15 triệu đồng để làm vốn nuôi 10 con lợn, chưa được bao lâu lợn chết hết, để lại cho gia đình một khoản nợ. Hoàn cảnh gia đình bà Nam lúc này đang rất cần sự quan tâm, giúp đỡ của các nhà hảo tâm gần xa.

Mọi sự giúp đỡ của bạn đọc gần xa xin gửi về bà Ngô Thị Nam (xóm Từ, thôn Xuân Biều, xã Xuân Cẩm, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang); hoặc Tuần san Kiến thức gia đình (số 14 Ngô Quyền, Hà Nội, ĐT: 024.38256492 - 0983.970780), chúng tôi sẽ chuyển giúp quý vị.

(Kiến thức gia đình số 17)

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm