Nhân chuyến công tác vào một ngày chiều tháng 3, chúng tôi đến thăm vườn bơ của anh Lê Minh Hiền (xã Hoà Khánh, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang), một thợ sửa máy nhưng làm nông nghiệp rất giỏi. Chứng kiến khu vườn hơn trăm cây, trong đó có đến hơn 40 cây trái sai cành sắp thu hoạch, năng suất vụ này ước chừng gần 1 tấn.
Anh Hiền chia sẻ, rất đam mê nông nghiệp nên đã đầu tư hơn chục triệu đồng cải tạo 1.000m2 vườn tạp thành vườn chuyên bơ năng suất cao. Anh kể, khoảng 2 năm trước đọc báo thấy giống bơ lùn Thanh Sơn ở Bến Tre trồng mau có trái, lại ăn ngon nên hai vợ chồng cất công tìm hiểu, mua cây giống về trồng, đến khi cây được 16 tháng tuổi bắt đầu để trái cho đến nay.
“Vụ này trái sai trĩu cành nhưng đang mùa dịch bệnh cũng sợ không có đầu ra. Tôi liên lạc với cơ sở cây giống Thanh Sơn để tìm đầu ra và được nơi đây bao tiêu trọn vụ với giá cố định 50.000 đồng/kg. Trong lúc dịch bệnh mà có giá tốt như vậy là rất mừng”, anh Hiền phấn khởi nói.
Nói về chăm sóc cây bơ lùn siêu sớm, ông Nguyễn Thanh Sơn - Chủ vườn ươm cây giống Thanh Sơn ở huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre cho biết: Đối với cây bơ này tuỳ vùng đất mà có cách chăm sóc khác nhau. Như tại vườn của anh Hiền là đất gò, sét nhiều nên khi trồng cần có mô cao và rãnh thoát nước. Đất khô ráo thì cây phát triển tốt, kéo dài tuổi thọ. Mùa nắng cần tưới 2 lần/ngày để giữ ẩm cho cây phát triển tốt, mau cho trái.
Bơ lùn siêu sớm Thanh Sơn là giống bơ cho trái to, cơm dày, thành phần ăn được nhiều. Cây thích nghi tốt, ít bị sâu bệnh hại tấn công nên hạn chế được các loại phân bón lá, thuốc xịt ngừa trừ sâu. Khi cây bơ được 3 tuổi trở lên sẽ có trái theo mùa và có trái nghịch vụ theo xử lý của nhà vườn. Để xử lý nghịch vụ bà con chỉ cần rải phân cho ra đọt cứng cáp rồi cắt nước là ra bông. Năng suất cây bơ lùn trưởng thành ổn định từ 25 – 30 tấn/ha. Đây là cây trồng mới hứa hẹn nhiều tiềm năng cho nhà vườn ở ĐBSCL.