| Hotline: 0983.970.780

Mẹ tôi

Thứ Bảy 06/01/2018 , 14:05 (GMT+7)

“Mẹ tôi, với bản tính trung hậu, hiền hòa và thanh khiết, đã là một tấm gương về nếp sống cho các con”, PGS.TS Đặng Xuyến Như tự hào chia sẻ về người mẹ của mình như vậy.

Bà Hồ Thị Toan, người vợ của GS Đặng Thai Mai, là người phụ nữ nội trợ trong gia đình, suốt đời sát cánh cùng chồng, hết lòng thương yêu chăm sóc các con. Trong hồi ức của cô con gái út Đặng Xuyến Như, mẹ là người phụ nữ trung hậu, là người chăm lo tổ ấm gia đình giúp chồng an tâm công tác, là người mẹ luôn quên mình chăm sóc các con, đã cùng chồng nuôi nấng dạy dỗ các con nên người.
 

Cốt cách của mẹ

Mẹ tôi có dáng người thanh mảnh, nước da trắng mịn, hồi trẻ tóc mẹ dài và đen rất đẹp. Tôi thích ngắm ảnh mẹ hồi còn trẻ trong chiếc áo dài nhung mầu “blơ-marin” (xanh nước biển): một khuôn mặt hiền dịu, phúc hậu với đôi mắt không to nhưng hơi dài, lấp lánh một vẻ xinh xắn kín đáo, một kiểu mắt đẹp của phụ nữ thời xưa.

25370965-813782605474735-2080146319-o153732433
Gia đình GS Đặng Thai Mai (1962). PGS.TS Đặng Xuyến Như đứng hàng sau, thứ 3 từ phải sang

Mẹ vấn tóc trần, kiểu tóc thịnh hành của phụ nữ ở các thành phố miền Bắc vào những năm 30-45 của thế kỷ trước. Ba tôi bảo: “Khi còn trẻ mẹ con có đôi mắt xinh lắm”. Sau cuộc kháng chiến chống Pháp, mẹ gầy đi nhiều và từ đấy đến cuối đời mẹ không béo lên được. Mẹ búi tóc, thỉnh thoảng mới vấn tóc trần như ngày xưa.

Mẹ tôi thích mặc quần áo bằng lụa tơ tằm, quê mẹ vốn là quê lụa. Mẹ tôi là cô gái dệt lụa giỏi ở làng, tôi thấy mẹ gỡ chỉ rối rất tài, mẹ bảo vì hồi nhỏ mẹ phải gỡ tơ rối những khi dệt lụa. Thời kháng chiến chống Pháp, thỉnh thoảng mẹ tôi vẫn nhận được những vuông lụa vàng óng từ quê nhà. Tuy còn bé tôi cũng cảm nhận được vẻ mượt mà của lụa và vẻ thô ráp của đũi cũng như một mùi đặc biệt của lụa tơ tằm, hơi ngai ngái nhưng thật dễ chịu khiến ta cảm thấy như đang ở rất gần với làng quê.

Thời kháng chiến không được mặc áo sáng mầu vì sợ máy bay Pháp phát hiện, mẹ tôi nhuộm lụa thành màu nâu đỏ may áo cho các chị. Sau khi ký Hiệp định Giơnevơ, chị Đào (PGS.TS Đặng Anh Đào - PV) kể mẹ tôi đã mua sẵn lụa làng Quỳnh cho ba chị lớn đang ở Việt Bắc, mua cả nón và hạt sen cho các chị nữa (ở Việt Bắc những thứ đó không sẵn), mẹ rất mong ngày trở về Hà Nội gặp lại các con. Những năm hòa bình mới được lập lại, hình như ở làng Quỳnh vẫn còn một số khung cửi. Mẹ tôi thỉnh thoảng vẫn nhận được lụa gửi ra từ quê. Tôi nhớ dáng mẹ đứng bên bàn, trải miếng lụa thật ngay ngắn rồi chăm chú đo và cắt. Mẹ bảo tôi: “Phải khâu lược trước rồi mới may vì lụa rất mềm, nếu không làm vậy sẽ bị “ăn tay” (nghĩa là lúc may sẽ bị xô xệch, không chính xác”. Sau khi mẹ tôi mất, chị Đào đã giữ lại tất cả những áo dài lụa của mẹ…

Con gái út & con đường riêng

PGS.TS Đặng Xuyến Như sinh năm 1945 tại Hà Nội. Là con gái út trong gia đình, bà tìm một con đường đi riêng. Không theo văn chương của cha, bà bỏ nhiều công sức nghiên cứu sinh học. Trước khi nghỉ hưu, PGS.TS Đặng Xuyến Như là Phó Viện trưởng Viện ứng dụng Công nghệ, Giám đốc Trung tâm Sinh học Thực nghiệm (Bộ Khoa học và Công nghệ).

Mẹ tôi có cốt cách rất riêng, mẹ ít nói về mình nhưng những điều mẹ làm đã nói lên rất nhiều. Những ngày hậu chiến, một người quen cũ thời trước cách mạng ở Hà Nội từ Sài Gòn ra chơi tặng mẹ một món đồ trang sức, mẹ kể với ba: “Tôi cám ơn nhưng không nhận”. Có lẽ mẹ thừa hưởng rất nhiều ở “nếp nhà” của ông ngoại.

Sau khi mẹ tôi mất, anh Văn (Đại tướng Võ Nguyên Giáp, phu quân của PGS.TS Đặng Bích Hà - PV) nói với các em: “Mẹ là người phụ nữ rất tốt, trước cách mạng khi ba góp tiền ủng hộ cách mạng, mẹ luôn ủng hộ ba. Không phải người phụ nữ nào cũng hiểu và ủng hộ chồng trong những việc như vậy”.

Mẹ tôi không phải là người phụ nữ ăn nói khéo léo theo nghĩa thông thường mà tất cả cách cư xử tế nhị, lịch sự, nói năng nhẹ nhàng đều xuất phát từ một bản chất tự nhiên dịu dàng và tử tế. Rất lạ là cả cuộc đời tôi chưa bao giờ nghe mẹ tôi nói một câu nào gay gắt với bất kỳ ai. Mẹ tôi hiền quá…
 

Một đồng tác giả không in trên bìa sách

Mẹ tôi là người phụ nữ của gia đình, mẹ không có cái mà ngày nay chúng ta vẫn gọi là “sự nghiệp riêng” nhưng thật ra bà vẫn có một sự nghiệp, mẹ đã cùng ba tôi đem đến cho các con một tuổi thơ hạnh phúc và nuôi nấng dậy dỗ chúng tôi nên người. Trong tình yêu của mẹ tôi đối với chồng con luôn có sự quên mình. Mẹ tôi là người vợ hiền hậu, hết lòng lo lắng chăm sóc sức khỏe của chồng, giúp ba tôi có đủ sức khỏe để làm việc, dậy học, nghiên cứu.

Họa sĩ Phạm Văn Đôn đã rất hiểu mẹ tôi khi ông viết những dòng sau đây: “… Còn chị, suốt đời chăm sóc sức khỏe cho anh, bao giờ cũng tận tụy, dịu dàng, nhỏ nhẹ qua bao nỗi vất vả và khó khăn. Phải chăng, trong sự nghiệp nghiên cứu sáng tác đồ sộ của anh, trong những kết quả to lớn của sự nghiệp đào tạo của anh từ những ngày ở trường Thăng Long đến Viện Văn học Việt Nam gần đây có một đồng tác giả không in tên trên bìa sách, không đứng trên bục giảng là chị Mai kính yêu”.

Một gia đình văn hóa truyền thống

GS Đặng Thai Mai (1902 - 1984), sinh tại làng Lương Điền, nay là xã Thanh Xuân, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Xuất thân trong một gia đình Nho học có truyền thống yêu nước, ông đã giữ nhiều nhiệm vụ khác nhau, chủ yếu trong hai lĩnh vực Văn hóa và Giáo dục: Bộ trưởng Bộ Quốc gia giáo dục (1946), Đại biểu Quốc hội từ khóa 1 đến khóa 5 (1946 - 1976); Giám đốc Trường Đại học Sư phạm Văn khoa (1954 - 1956); Viện trưởng Viện Văn học (1956 - 1979); Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Việt Nam…

Bà Hồ Thị Toan (1903 - 1986), sinh tại làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An trong một gia đình truyền thống khoa bảng lâu đời.

Ông bà Đặng Thai Mai có 6 người con đều công tác tại các trường Đại học và Viện nghiên cứu: PGS Lịch sử Đặng Bích Hà, phu nhân Đại tướng Võ Nguyên Giáp; PGS Văn học Đặng Thị Hạnh; GS Văn học Đặng Thanh Lê; PGS.TS Văn học Đặng Anh Đào; PGS.KTS Đặng Thai Hoàng; PGS.TS Sinh học Đặng Xuyến Như.

 

(Kiến thức gia đình số 1)

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm