Miền đất hứa
Nhà tuyển dụng đưa ra những lời hứa vàng. Dewi quyết định lên đường.
Cô phải học tiếng Anh, nấu ăn và làm việc nhà. Sau hai tháng, các nhà tuyển dụng tiết lộ rằng cô sẽ trở thành người giúp việc ở Singapore, một quốc đảo gần đó giàu hơn 15 lần so với Indonesia.
Bây giờ công việc của cô là rửa bát, nấu ăn và dọn dẹp cho hai giáo viên, chăm sóc con cái của họ. Mức lương khá tốt, cô nói: 500 USD/tháng, cộng với ăn ở cùng chủ trong căn hộ thoải mái của họ. Do chi rất ít cho phí sinh hoạt, cô có thể tiết kiệm hoặc gửi về nhà phần lớn tiền lương của mình.
Theo số liệu năm 2017, khoảng một phần sáu (17%) hộ gia đình Singapore thuê người giúp việc. Đối với những hộ gia đình thu nhập cao (hơn 11.000 USD/tháng), con số này lên tới 32%. Khoảng 44% người giúp việc gia đình ở Singapore đến từ Indonesia, tiếp theo là Philippines (26%), Myanmar (11%) và Malaysia (7%). 12% còn lại là từ các quốc gia khác nhau.
Husnul Khotimah, cũng là người Indonesia, 40 tuổi, rời làng ở Lampung tới Singapore vào đầu năm ngoái và xin làm người giúp việc.
May mắn cho cô khi chỉ phải trả hai tháng phí sắp xếp là đã nhận được công việc.
Cô tin rằng mình đã được đền đáp, đồng thời ví chuyện được làm việc cho những người Singapore tốt bụng giống như trúng số.
Nhìn chung, khoảng 53% người Singapore sẽ mô tả chất lượng cuộc sống của những người giúp việc gia đình là trung bình. 35% chọn tốt và phần còn lại, 12%, chọn kém. Những người hiện đang thuê người giúp việc có nhiều khả năng mô tả nó tốt hơn những người không (59% so với 30%).
Đãi ngộ lao động nước ngoài tại Singapore ở mức khá. HelperChoice, một nền tảng giúp kết nối nhà tuyển dụng với người giúp việc, thống kê mức lương trung bình của người giúp việc ở Singapore là 430 USD/tháng.
Ngoài ra, Đạo luật về việc làm của lao động nước ngoài quy định rằng những người giúp việc ở Singapore sẽ được nghỉ một ngày mỗi tuần.
Cuộc sống nô lệ thời hiện đại
Không phải ai cũng may mắn như Dewi và Khotimah.
Theo một khảo sát do Research Across Border thực hiện năm 2017, khoảng 60% lao động nước ngoài ở Singapore bị lạm dụng dưới nhiều hình thức khác nhau, từ đe dọa bằng lời nói và ép làm việc quá sức đến bị đánh đập hay bỏ đói.
Điều này phù hợp với một cuộc khảo sát năm 2019 gần đây của YouGov cho thấy cứ 7 người Singapore có 1 người báo cáo chứng kiến giúp việc bị lạm dụng.
Chomden (không phải tên thật), người Myanmar, bị chủ nhà Singapore lạm dụng chỉ ba tuần sau khi bắt đầu làm việc.
Chomden cho biết mình bị tát, đánh đập bằng dụng cụ nhà bếp mỗi ngày trong hơn một tháng. Sau đó, cô gửi đơn khiếu nại đến Bộ Nhân lực Singapore (MOM), nơi đã mở một cuộc điều tra.
Hơn hai năm trôi qua, Chomden vẫn mòn mỏi chờ đợi phiên tòa được mở.
Quản lý vụ việc của Tổ chức Nhân đạo về Di cư Kinh tế (HOME) Jaya Anil Kumar cho biết, đối với các trường hợp phức tạp hơn, toàn bộ quá trình điều tra và xét xử có thể mất hơn 5 năm.
Đây là trường hợp xảy ra đối với Moe Moe Than, quốc tịch Myanmar, 32 tuổi, người báo cáo bị lạm dụng vào năm 2012 nhưng phiên tòa liên quan đến nhà chủ của cô chỉ kết thúc vào tháng 3/2019.
Cơm với đường nâu là tất cả những gì Than, 31 tuổi, được phép ăn. Khi cô than phiền không được ăn uống đầy đủ, nhà chủ cho cô ăn thông qua một cái phễu như nhồi vịt. Thậm chí, thời điểm Than nôn ọe, họ còn bắt cô ăn lại chính bãi nôn của mình.
Theo báo cáo trên các phương tiện truyền thông địa phương, cô bị nhốt và buộc phải thực hiện công việc trong khi chỉ mặc đồ lót.
Một trong những vụ lạm dụng nghiêm trọng nhất là trường hợp Thelma Oyasan Gawidan từ Philippines năm 2015.
Cặp vợ chồng người Singapore, Lim Choon Hong và vợ Chong Sui Foon, bắt Gawidan thực hiện chế độ ăn uống khổ hạnh. Thức ăn duy nhất họ cung cấp cho cô là mì ăn liền và bánh mì thường hai lần một ngày. Kết quả là cân nặng của cô giảm đáng kể từ 49kg xuống còn 29kg!
Mới đây nhất, Amandeep Kaur, quốc tịch Ấn Độ, được Mohammad Tasleem và vợ, Farha Tehseen, thường trú nhân Singapore, thuê về giúp việc.
Trong hơn hai tháng, cô liên tục bị tát, đấm và đánh bằng nhiều vật phẩm như chày cán bột, vòi hoa sen, chổi và dùng kẹp nóng “đóng dấu” lên tay.
Theo Tam Peck Hoon, trưởng ban vận động của HOME, không phải tất cả sự lạm dụng người giúp việc đều hữu hình. “Chúng tôi nói về lạm dụng tâm lý, ép buộc, đe dọa đuổi về nhà”.
Trên thực tế, một nghiên cứu năm 2015 của HOME chỉ ra rằng hơn một nửa trải qua lạm dụng bằng lời nói và 25% trải nghiệm sức khỏe tâm thần kém.
Lý giải nguyên nhân
- Nhiều người Singapore đánh giá người khác dựa trên số tiền kiếm được
Một trong những thực tế đáng buồn ở Singapore là giá trị của bạn trong mắt người khác thường dựa trên số tiền kiếm được và địa vị trong xã hội.
- Nhiều người nhận thức “ông chủ” cao quý hơn người lao động
Singapore là quốc gia thường có khoảng cách quyền lực cao. Ông chủ được “đặt trên bệ” và có thể làm bất cứ điều gì họ muốn.
- Người Singapore “không hạnh phúc”?
Một nghiên cứu mới được công bố bởi Ipsos APAC và Toluna, cho thấy Singapore là quốc gia kém hạnh phúc thứ hai ở châu Á Thái Bình Dương, với 24% số người được hỏi cho biết họ "không hạnh phúc" và "hoàn toàn không hạnh phúc".
Trong khi đó, những kẻ lạm dụng thường có xu hướng là những người không hạnh phúc và cảm thấy không an toàn.