| Hotline: 0983.970.780

Mô hình tôm - lúa: Mục tiêu 1 tỷ USD

Thứ Năm 24/09/2015 , 06:35 (GMT+7)

Đó là con số được đưa ra tại Hội nghị bàn giải pháp nâng cao hiệu quả và phát triển sản xuất tôm - lúa tại ĐBSCL, được tổ chức sáng qua 23/9, tại TP Rạch Giá, Kiên Giang.

18-00-00_1-thu-truong-vu-vn-tm-chu-tri-hoi-nghi
Thứ trưởng Vũ Văn Tám chủ trì hội nghị

Hội nghị dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Vũ Văn Tám và đại diện các Cục, Viện trực thuộc Bộ NN-PTNT; lãnh đạo UBND tỉnh, Sở NN-PTNT các tỉnh ven biển ĐBSCL.

Báo cáo tại hội nghị, ông Phạm Khánh Ly, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản) cho biết, 9 tháng đầu năm 2015, cả nước đã thả nuôi được 657.156 ha tôm nước lợ, với lượng tôm giống là 80 tỷ con, sản lượng thu hoạch 319.769 tấn.

Trong đó, tôm sú là 588.620 ha, bằng 103% so với cùng kỳ 2014. Tôm sú thả nuôi ở các tỉnh ven biển vùng ĐBSCL gồm các hình thức: thâm canh - bán thâm canh (chiếm 5,5%), quảng canh cải tiến (35%), tôm - lúa (29%) và tôm nuôi sinh thái (30,5%).

Riêng hình thức tôm - lúa (luân canh 1 vụ tôm - 1 vụ lúa) thời gian qua phát triển khá ổn định và thể hiện tính bền vững cao, đến nay toàn vùng đạt 160.000 ha, năng suất đạt từ 300 - 500 kg/ha, sản lượng trên 600.000 tấn/năm.

Mô hình tôm - lúa chủ yếu phát triển mạnh tại các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Tiền Giang, Sóc Trăng, Bến Tre…, diện tích tiềm năng toàn vùng có thể đạt 250.000 ha.

Do đây là mô hình bền vững và cho hiệu quả kinh tế cao nên thời gian qua diện tích tôm - lúa tại ĐBSCL phát triển khá nhanh. Nếu như năm 2000 toàn vùng mới chỉ đạt 71.000 ha thì đến năm 2014 đã tăng lên hơn gấp đôi.

Mục tiêu phát triển tôm - lúa thời gian tới là tăng năng suất lên trên 500 kg/ha, diện tích thả nuôi đến năm 2020 đạt 200.000 ha, sản lượng 100.000 - 120.000 tấn. Đến năm 2030 diện tích thả nuôi tăng lên 250.000 ha, sản lượng 125.000 - 150.000 tấn.

Để mô hình này phát triển đạt hiệu quả cao thì cần tổ chức sản xuất theo hình thức tổ hợp tác, hợp tác xã, các câu lạc bộ, các Chi hội Nuôi trồng thủy sản…, nhằm khai thác mọi nguồn lực trong nhân dân, giúp đỡ nhau trong sản xuất và phòng ngừa dịch bệnh, phòng tránh thiên tai có hiệu quả, bảo vệ môi trường sinh thái.

Theo ông Ly, trong kịch bản ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng thì mô hình tôm - lúa được ưu tiên phát triển, nhằm thích ứng với điều kiện xâm nhập mặn. Luân canh tôm - lúa đã được nhận diện là mô hình thủy sản bền vững và hạn chế rủi ro so với các mô hình nuôi trồng thủy sản khác.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Mai Anh Nhịn cho biết, hiện nay toàn tỉnh có trên 90.000 ha nuôi tôm nước lợ, trong đó tôm - lúa chiếm tới 80.000 ha.

Trước đây, khi chưa có mô hình này, nhiều diện tích ven biển nông dân chỉ có thể trồng lúa 1 vụ/năm với năng suất thấp 2-3 tấn/ha, đời sống rất khó khăn. Nhưng sau gần 15 năm chuyển đổi, năng suất tôm đạt khoảng 280 kg/ha và lúa đạt 4-5 tấn/ha.

Không chỉ vậy, mà còn xuất hiện thêm những cách làm sáng tạo như nuôi ghép tôm sú, cua biển, lúa; tôm sú, tôm càng xanh, lúa… mang lại thu nhập khoảng 150 triệu đồng/ha, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa.

18-00-00_2-voi-nhieu-tiem-nng-loi-the-mo-hinh-tom-lu-hon-ton-cothe-dt-1-ty-usd
Với nhiều tiềm năng lợi thế, mô hình tôm - lúa hoàn toàn có khả năng đạt 1 tỷ USD

Để nhân rộng mô hình này, ông Nhịn đề xuất Bộ NN-PTNT không tiếp tục mở rộng vùng ngọt hóa Bán đảo Cà Mau (phần diện tích của Kiên Giang đã được đổi tên thành vùng U Minh Thượng) mà giữ nguyên hệ sinh thái như hiện nay để phát triển tôm - lúa.

Ngoài ra, Kiên Giang sẽ chuyển đổi thêm khoảng 20.000 ha ven biển thuộc huyện Hòn Đất từ độc cay cây lúa sang luân canh tôm - lúa, nhằm nâng cao thu nhập cho người dân trong bối cảnh đầu ra của hạt lúa đang gặp nhiều khó khăn.

Tại hội thảo, các đại biểu đều cho rằng, để phát triển tôm - lúa thì cần quy hoạch, đầu tư tốt khâu thủy lợi, đồng thời chuyển giao, nhân rộng các mô hình hiệu quả.

PGĐ Sở NN-PTNT Kiên Giang Quảng Trọng Thao kiến nghị Bộ NN-PTNT sớm cấp vốn để tỉnh hoàn thành dự án xây dựng, khôi phục và nâng cấp đê biển An Biên - An Minh, nhằm phục vụ tốt cho công tác điều tiết nước cho các mô hình nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản (hiện mới khởi công được 6/27 cống).

Đồng thời, xúc tiến thành lập trạm kiểm dịch vùng tại huyện An Biên, Kiên Giang để kiểm tra, kiểm soát chất lượng và quản lý giống thủy sản tốt hơn.

Ông Tiết Tiến Dũng, GĐ Trung tâm Khuyến nông Cà Mau đánh giá cao hiệu quả mô hình tôm - lúa. Hiện nay, toàn tỉnh có 43.000 ha tôm - lúa, năng suất bình quân 320 - 350 kg tôm/ha và lúa đạt 4-4,2 tấn/ha. Nếu so sánh với các mô hình sản xuất khác như: mía, lúa 2 vụ, trồng rừng thì tôm - lúa cho hiệu quả kinh tế cao gấp 3 lần.

“Để phát triển tôm - lúa bền vững, Bộ NN-PTNT cần bố trí nguồn vốn cho tỉnh nâng cấp hệ thống thủy lợi, nhất là vùng quy hoạch thực hiện mô hình tôm lúa. Đồng thời, hỗ trợ thiết lập hệ thống quan trắc cảnh báo môi trường phục vụ cho nuôi trồng thủy sản nhằm hạn chế rủi ro dịch bệnh”, ông Dũng kiến nghị.

Ông Văng Đắc Phuông, Quyền GĐ Trung tâm Tập huấn và chuyển giao công nghệ nông nghiệp vùng ĐBSCL (Trung tâm Khuyến nông Quốc gia) đề nghị, các địa phương cần hướng dẫn nông dân thiết kế ruộng nuôi tôm phù hợp, đảm bảo cấp, thoát nước tốt.

Nông dân cần tuân thủ lịch thời vụ thả nuôi, tuyệt đối không nóng vội thả lại vụ tôm mới ngay sau khi bị dịch bệnh, ruộng nuôi chưa được xử lý triệt để mầm bệnh.

Khi thả nuôi, cần chọn tôm giống chất lượng, đã được cơ quan chuyên môn kiểm dịch, nuôi trong vèo và thuần hóa độ mặn thích hợp trước khi thả nuôi diện rộng.

Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt Phạm Văn Dư cho rằng, phát triển mô hình tôm - lúa chúng ta có được 2 sản phẩm sạch, đó là tôm sinh thái và lúa gạo hữu cơ.

Đặc biệt là mô hình này thích ứng với biến đổi khí hậu, thay vì các địa phương phải ra sức ngăn mặn, giữ ngọt thì lại tận dụng nước mặn xâm nhập để nuôi tôm, phát triển sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp.

Với khoảng 200.000 ha lúa - tôm, chúng ta sẽ có sản lượng 800.000 tấn lúa hữu cơ phục vụ chế biến xuất khẩu. Nhiều nước trên thế giới đang có nhu cầu lớn về loại gạo sạch này, giá xuất lên đến 800 - 900 USD/tấn. Thành công của giống lúa ST 20 tại Sóc Trăng trên mô hình lúa - tôm là một ví dụ điển hình.

Các đại biểu tham dự hội nghị cũng đề xuất nên xây dựng cánh đồng lớn tôm - lúa để tạo sự liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời có chính sách hỗ trợ xây dựng mô hình, xây dựng các tiêu chí công nhận tôm sinh thái, lúa hữu cơ…

Giải pháp thực hiện

Thứ trưởng Vũ Văn Tám nhấn mạnh, với mục tiêu phát triển 200.000 - 250.000 ha tôm - lúa, chỉ riêng sản lượng tôm thương phẩm 100.000 - 150.000 tấn, nông dân đã có doanh thu trên 20.000 tỷ đồng, tương đương 1 tỷ USD.

Mục tiêu này hoàn toàn có thể đạt được nếu có sự đầu tư và khai thác hết các tiềm năng lợi thế.

Về giải pháp căn cơ lâu dài, trước hết các đơn vị trực thuộc Bộ NN-PTNT cần sớm nghiệm thu đề án quy hoạch nuôi tôm nước lợ, đề án phát triển tôm - lúa để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và triển khai thực hiện. Quy hoạch và đầu tư hoàn thiện hệ thống thủy lợi cho vùng tôm - lúa.

Về giải pháp kỹ thuật, cần chú trọng nghiên cứu, phát triển giống tôm sạch bệnh; giống lúa chịu mặn, chất lượng gạo tốt để đưa vào sản xuất.

Đa dạng các đối tượng nuôi trong cùng mô hình như: tôm sú, tôm càng xanh, cua, kết hợp trồng lúa. Những nơi độ mặn cao không thể trồng lúa thì nghiên cứu thay thế bằng các loại cây khác nhằm làm sạch môi trường.

Hoàn thiện quy trình nuôi từ khung thời vụ, mật độ thả nuôi, quan trắc môi trường để hạn chế rủi ro dịch bệnh. Xây dựng các tiêu chí tôm sinh thái, lúa hữu cơ để các địa phương đăng ký thực hiện.

Các Viện, trường cần tổng kết, chuyển giao các mô hình hiệu quả để nhân rộng ở các địa phương.

Tổ chức chỉ đạo sản xuất, hướng dẫn nông dân thiết kế đồng ruộng thích hợp, quy trình nuôi, trồng, tạo mối liên kết trong sản xuất giữa nông dân với nhau để tăng tính hiệu quả; giữa doanh nghiệp và nông dân để thu mua, chế biến tăng gị trị xuất khẩu.

 

Xem thêm
Đàn ngựa bạch của người hùng cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Ít người biết, cha con ở Bắc Giang cứu trạm bơm Cống Bún trong trận bão Yagi hôm nào đang sở hữu đàn ngựa bạch có nguồn gốc từ Mông Cổ…

Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Nông dân lo lắng vì giá lúa đông xuân sớm giảm mạnh

ĐBSCL Hiện một số nơi tại ĐBSCL đang vào vụ thu hoạch lúa đông xuân sớm nhưng giá lúa giảm từ 2.000 - 2.400 đồng/kg so với cùng kỳ.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.

Bình luận mới nhất