Nơi còn làm muối duy nhất của Thái Bình
Hiện cả nước có 21 tỉnh ven biển sản xuất muối, nhưng diện tích tập trung chính ở các tỉnh: Bạc Liêu, Ninh Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh, Bến Tre, Khánh Hòa, Bình Thuận, Hà Tĩnh, Nghệ An, Nam Định, Thanh Hóa...
Muối ở Việt Nam chủ yếu được sản xuất bằng 2 phương pháp. Một là phương pháp phơi cát thủ công ở miền Bắc và Bắc miền Trung. Hai là phương pháp phơi nước gồm: Phơi nước phân tán ở miền Trung và miền Nam; phơi nước tập trung để sản xuất muối công nghiệp ở 3 tỉnh Khánh Hoà, Ninh Thuận và Bình Thuận.
Năm 2020, diện tích sản xuất muối cả nước đạt xấp xỉ 12.000ha, trong đó, muối thủ công là 8.422ha, muối công nghiệp là 3.504ha, sản lượng khoảng 1,35 triệu tấn. Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam vẫn đang phải nhập khẩu rất nhiều muối từ nước ngoài để phục vụ sản xuất công nghiệp, chế biến và sinh hoạt hàng ngày.
Thái Bình hiện chỉ còn duy nhất xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy đang sản xuất muối. Sản phẩm muối ở Thái Bình được làm theo phương pháp truyền thống của miền Bắc là thẩm thấu nước mặn qua cát nên muối giữ được nhiều vitamin, khoáng chất cùng hơn 60 nguyên tố vi lượng có lợi cho sức khỏe con người, có thể làm thuốc chữa bệnh.
Tổng diện tích đất làm muối ở Thái Bình là 38,8ha, trong đó diện tích hiện đang sản xuất muối là 4ha, chiếm 10,3%. Diện tích để hoang hóa 33,36ha chiếm 86%, diện tích tự ý chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản 1,44ha chiếm 3,7%. Sản lượng muối năm 2020 đạt 200 tấn.
Tại xã Thụy Hải giờ chỉ còn 53 hộ diêm dân tham gia sản xuất muối. Nguyên nhân là do nghề muối không còn là nghề đảm bảo đời sống cho diêm dân, làng nghề sản xuất muối truyền thống hàng trăm năm có nguy cơ mai một, thất truyền.
Xây dựng thương hiệu 'Muối Bà Chúa Muối
Điều đặc biệt của làng nghề muối Thụy Hải không chỉ là nghề truyền thống mà còn gắn liền với di tích Bà Chúa Muối ở thôn Tam Đồng, xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy. Hàng năm, cứ đến ngày giỗ của Bà Chúa Muối, 14/4 Âm lịch, dân làng xã Thụy Hải lại mở hội, trong hội có trò “múa ông Đùng bà Đà”.
Đây là một trong những điệu múa cổ xưa nhất của người Việt, mang đậm nghi lễ nông nghiệp gắn với tín ngưỡng phồn thực độc đáo. Vì vậy, rất cần bảo tồn nghề sản xuất muối phơi cát tại Thủy Hải bởi ngoài các ý nghĩa về kinh tế, còn là sự bảo tồn làng nghề nhiều đời, bảo tồn văn hóa truyền thống của di tích văn hóa, lịch sử Phủ Bà Chúa Muối.
Theo báo cáo của tỉnh Thái Bình về Đề án “Bảo tồn và phát triển làng nghề sản xuất muối Thụy Hải gắn với du lịch giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến 2030”, quan điểm chính của dự án là việc bảo tồn, phát triển nghề sản xuất muối cổ truyền sẽ giải quyết vấn đề lao động, nâng cao đời sống cho diêm dân, đồng thời phát triển kinh tế xã hội ở địa phương theo hướng gắn việc khôi phục làng nghề sản xuất muối với du lịch và giữ vững an ninh quốc phòng.
“Tôi mong muốn có một đề án bảo tồn và phát triển làng nghề sản xuất muối gắn với du lịch vì trên thực tế ở miền Bắc chưa có mô hình như vậy. Bên cạnh đó là việc sản xuất sản phẩm rau muống biển để tạo thêm màu xanh cho khu cánh đồng muối”. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam.
Ngoài ra việc bảo tồn và phát triển làng nghề muối tại địa phương sẽ tôn vinh Phủ Bà Chúa Muối, Di tích lịch sử Quốc gia được Nhà nước công nhận. Bảo tồn lễ hội hằng năm tôn vinh Bà Chúa Muối cũng là hoạt động quan trong trong quá trình phát triển du lịch Thái Bình.
Bên cạnh đó, cũng cần bố trí quỹ đất cho việc bảo tồn phát triển nghề muối trong quy hoạch chung Khu kinh tế tỉnh Thái Bình là 50 ha theo đúng Quyết định số 1325/QĐ-TTg ngày 31/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Dự án có mục tiêu chung là bảo tồn và phát triển làng nghề sản xuất muối truyền thống của xã Thụy Hải gắn phát triển du lịch văn hóa, tâm linh lịch sử của địa phương tích hợp cùng với các điểm du lịch của Thái Thụy nói riêng và của Thái Bình nói chung. Đồng thời dự án sẽ thực hiện xây dựng các khu dịch vụ nghỉ dưỡng nhằm phát triển nghề muối theo hướng hiệu quả, bền vững trên cơ sở tận dụng tối đa lợi thế của địa phương.
Từ đó, nâng cao năng suất, chất lượng và đa dạng hóa các loại sản phẩm về muối đáp ứng nhu cầu muối ở nhiều lĩnh vực và hướng đến xuất khẩu muối và tạo việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống của người dân làm muối.
Cụ thể, Dự án sẽ tổ chức lại sản xuất nghề muối, sản xuất gắn với du lịch tâm linh, du lịch trải nghiệm hòa cùng mạng lưới các điểm du lịch của tỉnh để tạo công ăn việc làm và thu nhập cho diêm dân; tăng quy mô diện tích cho các hộ có nhu cầu sản xuất muối với quy mô khoảng 2-3ha/hộ.
Tỉnh Thái Bình phấn đấu đến năm 2025, diện tích đất sản xuất muối, khu vực phục vụ cho du lịch gồm khách sạn, khu dịch vụ vui chơi giải trí, làng du lịch thông minh tổng cộng là 50ha, sản lượng đạt 5.000 tấn/năm trong đó diện tích ô kết tinh đạt 2ha. Cải tạo, nâng cấp kết cấu hạ tầng đồng muối; ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến muối, tăng năng suất tối thiếu 30%.
Đến năm 2030, phấn đấu sản lượng đạt 7.000 tấn/năm với các sản phẩm muối đặc thù để phối hợp, phát triển với Du lịch tâm linh lễ hội Đền thờ Bà Chúa Muối gắn kết với mạng lưới các điểm du lịch chung của tỉnh và của huyện Thái Thụy.
Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam, Dự án “Bảo tồn và phát triển làng nghề sản xuất muối Thụy Hải gắn với du lịch giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến 2030” nên thành lập 2 phân khu. Một là phân khu sản xuất muối, người dân làm Nhà nước hỗ trợ. Hai là phân khu dành cho các nhà đầu tư để xây dựng những khu du lịch nghỉ dưỡng hay nhà máy sơ chế chế biến muối tinh chất lượng cao.
“Để tận dụng nguồn sản xuất cộng đồng, trước tiên phải vận động các hộ dân tập hợp vào một hợp tác xã để sau này doanh nghiệp có thễ dễ dàng kí hợp đồng thu mua muối. Bộ NN-PTNT sẽ hỗ trợ tỉnh một số mô hình công nghệ cao để đảm bảo chất lượng muối. Bên cạnh đó, tỉnh Thái Bình cần xác định rõ việc bảo tồn nghề sản xuất muối có nên không hay chỉ cần 1 khu bảo tồn để du khách đến tham quan, còn lại sẽ sản xuất theo công nghệ hiện đại, ứng dụng khoa học công nghệ để giảm công sức lao động cũng như chi phí, tăng năng suất?" Trước tiên, tỉnh Thái Bình cần xây dựng được thương hiệu “Muối Bà Chúa Muối”, từ đó mới có thể gắn thương hiệu, phát triển sản phẩm muối của địa phương." Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.
“Muối ở những tỉnh khác có độ mặn cao. Đặc điểm vùng miền có nắng quanh năm nên rất thuận lợi cho việc sản xuất muối ăn. Ở Thái Bình nước biển có độ mặn thấp, thời gian nắng trong năm ít nên nếu đẩy mạnh sản xuất muối ăn sẽ thất bại. Nếu Thái Bình muốn phát triển ngành muối cần đa dạng hóa việc sản xuất muối theo các hướng muối spa, muối tắm, muối tâm linh…”, ông Bùi Sơn Long, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Công nghệ Muối biển góp ý.