| Hotline: 0983.970.780

Mối lo cháy nổ chợ nông thôn

Thứ Tư 11/02/2015 , 06:15 (GMT+7)

Công tác phòng chống cháy nổ ở hầu hết các chợ khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh Quảng Trị hiện nay đang bị xem nhẹ. Và hậu quả là mối nguy khôn lường nếu “bà hỏa” ghé thăm...

Cha chung không ai khóc

Chúng tôi có mặt tại chợ Kên, nằm trên địa bàn thôn Võ Xá, xã Trung Sơn (Gio Linh, Quảng Trị) vào buổi sáng phiên chợ cuối năm. Chợ Kên là chợ buôn bán tập trung của người dân xã Trung Sơn, Trung Hải và một bộ phận không nhỏ người dân xã Vĩnh Sơn, với hàng ngàn người dân tấp nập mua bán.

Mọi mặt hàng từ áo quần, giày dép đến thức ăn… đều có. Vậy nhưng, hỏi bất cứ tiểu thương nào ở chợ này về công tác phòng chống cháy nổ, họ đều lắc đầu “chợ này không có ban phòng chống cháy nổ. Quán tui không có bình cứu hỏa mini, cả chợ này không ai mua bình cứu hỏa nên tui cũng không mua”.

Bà Trần Thị Gái (60 tuổi), tiểu thương bán hàng tạp hóa ở chợ Kên cho biết: Chợ này có tuổi đời đã lâu, bà buôn bán ở chợ này ngót nghét 30 năm nhưng chẳng hề có một bình cứu hỏa nào trong quán.

“Tui cũng muốn mua cái bình cứu hỏa mini để phòng khi có chuyện gì xảy ra thì xử lý kịp thời, chứ chờ cứu hỏa tới nơi thì hàng hóa chắc thành tro bụi. Nhưng cả chợ này không ai có bình cứu hỏa, tui mua, người khác không mua cũng như không, vì cháy một lô hàng sẽ lan ra cả chợ chứ đâu có cháy một chỗ” – bà Gái phân trần.

Tại chợ Tiên Mỹ, nằm trên địa bàn thôn Tiên Mỹ, xã Vĩnh Lâm (Vĩnh Linh), tình trạng cũng tương tự. Hàng chục lô hàng đủ các mặt hàng nằm trong khu chợ khang trang mới xây dựng cách đây 4 năm, nhưng tuyệt nhiên chợ không có hệ thống báo cháy cũng như hệ thống phòng chữa cháy. Trong các lô hàng bày bán đầy đủ quần áo, giày dép và nhiều mặt hàng khác của các tiểu thương cũng không hề có bình cứu hỏa mini.

Chị Nguyễn Thị Lý, bán quần áo ở chợ Tiên Mỹ nói: “Chúng tôi lo lắm vì chợ không có hệ thống phòng chữa cháy. Dù ở chợ chưa xảy ra vụ cháy nổ lớn nào nhưng đã có nhiều lần bị chập điện, lứa bén vào quần áo giày dép, may là phát hiện dập lửa kịp thời nên không để lại hậu quả đáng tiếc.

Nhưng ai mà biết trước được điều gì, lỡ khi xảy ra cháy lớn không có bình cứu hỏa, không vòi cứu hỏa thì dân chúng tôi làm sao cứu chữa được. Đến khi xảy ra cháy nổ rồi mới chịu sắm sửa, chuẩn bị thì chắc là đã muộn. Nhưng mà ở đây không ai chịu sắm bình cứu hỏa cả, tui sắm mà người khác không sắm thì cũng vô nghĩa...”.

Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”

Theo các tiểu thương ở chợ Kên, từ năm 2010 đến nay, tại chợ này xảy ra hai vụ cháy. Vụ cháy lớn nhất xảy ra vào tháng 7 năm 2011 khi quầy áo quần của chị Võ Thị Minh bị chập điện làm cháy rụi toàn bộ tài sản.

Chị Võ Thị Vân, quầy hàng kế bên nhớ lại: “Lúc phát hiện vụ cháy, chúng tôi người múc nước tạt, người đi gọi cứu hỏa, cố gắng hết sức nhưng do lửa đã lan rộng nên không tài nào cứu được. Đến khi 2 xe cứu hỏa đến nơi thì tất cả đã bị thiêu rụi. Giá mà có cái bình cứu hỏa xịt vào từ sớm thì đã không đến nỗi”.

Sau vụ cháy năm đó, một số tiểu thương chợ Kên cũng muốn có bình cứu hỏa. Nhưng nhìn hàng bên này không có, hàng bên kia cũng không, rốt cuộc chẳng ai mua.

“Tài sản của chúng tôi đổ hết vào hàng quán ở đây. Đề nghị xã cấp bình cứu hỏa cho chúng tôi để lỡ khi có chuyện gì thì còn xử lý kịp thời. Nếu không có tiền, thì nên quyết định để mỗi tiểu thương đều phải mua bình cứu hỏa. Chúng tôi sẵn sàng bỏ tiền túi ra mua nếu tất cả mọi người cùng mua” – bà Võ Thị Gái dứt khoát.

Ông Phan Thanh Tý - Chủ tịch UBND xã Trung Sơn cho biết, tổ phòng cháy chữa cháy chợ Kên do xã đảm nhiệm. Hiện nay tổ có 16 người bao gồm cả lãnh đạo xã. Nhưng tình hình xã rất khó khăn, chỉ có một bình chữa cháy mini. UBND xã lại cách xa chợ Kên nên nếu có xảy ra chuyện gì cũng khó lòng ứng cứu kịp thời.

“Chợ Kên đã thành lập từ lâu, là nơi buôn bán của người dân các xã lân cận nên tập trung đông quán xá, hàng hóa. Nhưng lâu nay chợ không được đầu tư, lều quán lụp xụp, chật hẹp. Chúng tôi mong sẽ nhận được sự đầu tư của các cấp để xây mới chợ Kên, phục vụ nhu cầu buôn bán của người dân, đồng thời tạo điều kiện để củng cố công tác phòng chống cháy nổ”, ông Tý nói.

Ông Lê Văn Hóa - Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lâm lo lắng: “Xã đã phổ biến với tiểu thương về công tác phòng chữa cháy ở chợ nhưng vì họ thiếu quan tâm. Kinh phí để thành lập ban quản lý chợ với đầy đủ các tổ, trong đó có tổ phòng cháy chữa cháy hoặc mua cho mỗi tiểu thương một bình cứu hỏa là hoàn toàn không có.

Chúng tôi mong nhận được sự giúp đỡ từ chính quyền cấp trên, còn trước mắt sẽ tiếp tục vận động bà con tự bỏ tiền túi ra mua bình cứu hỏa phòng khi bất trắc”.

Trên địa bàn tỉnh Quảng Trị còn rất nhiều chợ nông thôn, mà ở đó công tác phòng cháy chữa cháy còn bị xem nhẹ. Tại nhiều chợ xép, tự phát, dù mặt hàng chủ yếu là thức ăn hàng ngày, nhưng cũng không vắng bóng các mặt hàng dễ cháy như quần áo, giày dép bày bán.

Nguy cơ cháy tiềm ẩn mọi lúc, mọi nơi. Vậy nhưng từ trước tới nay việc trang bị thiết bị, hệ thống phòng chữa cháy ở các chợ nông thôn dường như chưa hề được quan tâm đúng mức.

Tuy các chợ chưa xảy ra vụ việc cháy nổ gì quá nghiệm trọng, nhưng đừng để sự việc đáng tiếc xảy ra rồi mới lo kiện toàn lại hệ thống phòng chữa cháy. Chính vì vậy, tự mỗi tiểu thương và chính quyền địa phương các cấp, các ngành cần phải nhanh chóng quan tâm, củng cố công tác phòng chống cháy nổ ở chợ nông thôn. Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm