| Hotline: 0983.970.780

Mong ước gặp lại con nuôi

Thứ Tư 20/01/2010 , 11:00 (GMT+7)

Trong năm 1976 tôi thêm một anh con nuôi. Nghiệp chướng thế nào, đứa con này chính là người đã lái chiếc xe đè bẹp chồng tôi.

Ảnh minh họa

Chị Dạ Hương quý!

Tôi viết thư này gửi tới chị với tâm trạng vô cùng khó tả. Một chút hồi tưởng lại ký ức của người quanh năm bên lũy tre làng và với một người năm nay đã 80 tuổi.

Chị ạ, tôi xem những cuộc đoàn tụ trong chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly mà nghĩ gần nghĩ xa. Những cuộc gặp lại trong nghẹn ngào nước mắt quả là rất xúc động. Mỗi con người chúng ta chịu ảnh hưởng của đổi thay từng ngày từng giờ nhưng cũng có những người lúc nào cũng dạt dào tình cảm con người, số ấy nhất định có tôi. Những suy nghĩ đó ngự trị trong tôi cả trong giấc ngủ.

Chị Dạ Hương ạ, trong năm 1976 tôi thêm một anh con nuôi. Nghiệp chướng thế nào, đứa con này chính là người đã lái chiếc xe đè bẹp chồng tôi. Tôi tưởng mình gục ngã luôn từ đó. Chế độ mỗi tháng 7 cân thóc, tôi 7 đứa con, chỉ một đứa lớn đi bộ đội đóng ở Tây Ninh, 6 đứa nhỏ trứng gà trứng vịt. Tôi thì mất sức lao động, chắc chị cũng hình dung tôi hoàn cảnh khó khăn thế nào. Vậy mà tôi nhận anh vào lòng, coi anh như con nuôi vì tôi nghĩ anh ấy cũng như thằng con của mình đang nghĩa vụ ở xa nhà. Vả lại người chết rồi có sống lại được đâu.

Nhưng mà điều tôi băn khoăn bây giờ là không biết anh con nuôi ấy ở đâu. Lúc đấy cháu nói cháu quê Thái Bình, có vợ là Hà. Con ơi, mẹ chẳng trách con đâu nhưng trong thế giới đầy phương tiện này, sao con xa với quá vậy? Người ta sống với nhau bằng tình thương cao cả chứ đâu phải vì đồng tiền mà cách bức hở con?

Sau 2 năm khi tôi và cháu nhà sang cát cho chồng tôi xong thì không biết tin gì về người con nuôi này nữa. Ở cái tuổi như tôi có thể là lẩn thẩn nhưng để gặp lại người con xưa và nói chuyện hồi ức chắc cũng được chứ chị nhỉ? Tôi mong thư được lên báo, biết đâu con nuôi tôi sẽ đọc được những dòng ngắn ngủi này mà có đôi chút ngẫm nghĩ.

Mong chị đừng in tên tôi lên.

Tôi ở Từ Sơn – Bắc Ninh

Bác quý mến!

Thật quý hóa cho Trang Tư vấn gia đình, bác là người cao tuổi nhất có thư về trong số 1680 kỳ thư đã lên báo. Cháu lấy làm ngạc nhiên về sự minh mẫn của bác. Thật là phúc cho nhà ta, cho 7 anh chị con cái nhà bác. Một người mẹ mất mát nặng nhọc thế mà vẫn còn viết được, vẫn theo dõi thường tivi, vẫn khóc cùng những người của chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly và đặc biệt, vẫn bứt rứt về một người con nuôi như vậy, chứng tỏ bác còn trường lực và bác phúc hậu lắm vậy.

Thưa bác, thư bác viết ngắn gọn nên cháu không rõ người ấy là con nuôi rồi mới gây ra tai nạn cho bác trai hay là khi sự đã mà bác vẫn cưu mang vì người này đi lại một cách ân tình thích đáng quá? Dù đầu đuôi thế nào thì chuyện cay đắng đã biến thành trái ngọt, bác đã tha thứ và đã thương lo cho con người đã để lại trong lòng bác một vết thương và những hành vi hối lỗi đàng hoàng.

Có thể suy diễn rằng sau khi sang cát cho bác trai, người con ấy cũng đi khỏi địa bàn ấy, thực sự cách xa gia đình bác. Bộ đội mà. Sâu xa trong lòng anh ấy chắc vẫn có một gánh nặng như một cái án trong lương tâm cho dù anh ta không vô tình gây tai nạn. Trên đời này có nhiều sợi ân tình được thắt chặt bằng một quan hệ oái oăm, ban đầu là vậy, sau thì hận thành nghĩa từ phía vị tha mà hóa giải và sâu đậm. Việc ấy quá đặc biệt đến mức hai bên khó quên nhau, như việc của bác và người con nuôi ấy vậy.

Cháu cũng hy vọng anh con nuôi có vợ tên Hà quê ở Thái Bình sẽ đọc báo, hoặc là bạn bè của anh ấy có đọc NNVN và sẽ giúp anh nhận ra kỳ thư này. Cháu cũng nghĩ, nếu không có vấn đề kinh tế hay lương tâm thì thời buổi thông tin toàn cầu này, làm sao anh ấy lãng quên một người mẹ nuôi như bác được? Mẹ chồng cháu cũng có ba bốn anh con nuôi để giỗ bà lần thứ 20 rồi mà họ vẫn tự đến nhang đèn như những đứa con ruột. Gia tộc bên cháu cũng từng có những người con bộ đội hay cán bộ tìm về bằng quan hệ con nuôi một thuở khiến cho hương vị cuộc sống thêm đậm, thêm duyên.

Kính mong bác có một năm mới an khang, mạnh khỏe. Chúc bác sớm có tin vui từ đứa con thêm kia và sẽ có một cái Tết quây quần, đầm ấm.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm