Từ hàng chục năm nay, họ âm thầm chấp nhận một cuộc sống đầy khó khăn, thiếu thốn để làm công việc dạy chữ cho trẻ em nghèo, không có điều kiện học như hàng triệu đứa trẻ khác.
HƠN 30 NĂM TRƯỚC…
“Thời gian trôi nhanh thật, mới đó mà đã hơn 30 năm”, vừa vuốt mái tóc muối tiêu, in đậm dấu thời gian, vừa dõi mắt vào màu xanh ngút ngàn của rừng Mã Đà, thầy Tượng nói với chúng tôi mà như nói với chính mình.
Năm 1983, có cả trăm gia đình từ Bình Thuận, khăn gói vào vùng Phú Lý, Vĩnh Cửu lập nghiệp, hình thành 2 xóm mang tên Long Thành và Đồng Bợ. Chàng trai 19 tuổi Nguyễn Đức Tượng, khi đó vừa tốt nghiệp cấp 3, cũng là một thành viên trong đoàn ấy. Anh Tượng vào làm công nhân lâm trường khai thác lâm sản rừng đầu nguồn Trị An. Lúc rảnh rỗi, anh lại cùng gia đình làm rẫy, trồng mì và thả lưới bắt cá ở hồ Trị An.
“Hồi ấy, ở đây là “bốn không”, (điện, đường, trường, trạm). Nói như thế là anh biết cuộc sống khó khăn thế nào rồi. Với người lớn thì không sao, nhưng tôi cứ trăn trở mãi khi thấy những đứa trẻ cũng suốt ngày chân lấm tay bùn, lớn rồi mà một chữ bẻ đôi cũng không biết. Sau này lớn lên sẽ ra sao? Nghĩ thế nên tôi muốn giúp tụi nhỏ, ít nhất là phải biết đọc, biết 4 phép tính cơ bản”, thầy Tượng nhớ lại.
Kể từ đó, sau mỗi ngày làm việc về, khi ánh mặt trời đã tắt, thầy Tượng lại đến từng nhà kêu các em tập trung lại, đốt đèn dầu lên để dạy chữ.
“Lúc đầu lớp chỉ có 5 em, sau tăng lên 15 em, từ 8-12 tuổi. Chưa kể làm không công, vì gia đình các em đều rất khó khăn, tôi còn phải bỏ tiền mua dụng cụ học tập như sách vở, bút viết cho các em. Không thể nào nói hết khó khăn khi ấy, nhất là mùa mưa, đi lại vất vả, nhiều em không đến, tôi lại phải lội bùn đến thuyết phục gia đình và các em.
Sau 8 tháng thì các em học xong chương trình lớp 1. Thấy các em đọc thông viết thạo, tôi mừng lắm. Lúc này, thêm nhiều em khác được gia đình đưa đến nhờ dạy chữ nên tôi mở thêm lớp nữa và dạy tiếp chương trình lớp cho lớp đầu tiên.
Những ánh mắt rạng ngời của các em học trò khi được đến lớp, trước tình cảm yêu thương của các thầy cô ở Suối Bon
Lúc này, tôi có thêm người anh trai (thầy Hoàng Đức Hiếu, hiện là giáo viên Trường tiểu học Bàu Phụng) ra phụ giúp. Từ đó, bà con, chính quyền xã, lâm trường mới bàn nhau chọn khu đất cao trong xóm Long Thành dựng cho tôi một căn nha lá làm lớp học”, thầy Tượng kể.
Ngày lớp học lán tranh Long Thành khánh thành cũng là lúc anh em thầy Tượng được Phòng GD-ĐT thị xã Vĩnh An (nay là Phòng GD-ĐT huyện Vĩnh Cửu) ký hợp đồng làm giáo viên chính thức, còn lớp học của anh em thầy Tượng cũng được công nhận là điểm trường của trường tiểu học Bàu Phụng, mang tên Suối Bon.
Năm 1992, hai anh em thầy Tượng được Phòng GD-ĐT cử đi học sư phạm. “Làm giáo viên chính thức cũng đồng nghĩa với việc thôi không đi làm những việc khác nữa, nhưng lương ngày đó có 29.000/tháng nên tranh thủ buổi trưa, buổi tối tôi thường đi làm những việc lặt vặt kiếm thêm thu nhập.
Ở đây có rất nhiều đồng bào dân tộc như Chơ Ro, Chăm, Tày, Khơ Me, trước giờ ít đi học nên việc vận động gia đình cho các em đến trường cũng là một vấn đề, nhất là mùa thu hoạch đến, trẻ con nhiều đứa bỏ học ở nhà đi mót mì, mót điều. Những lúc như thế thầy phải đến từng nhà, tìm hiểu hoàn cảnh từng em, khuyến khích cha mẹ tạo điều kiện cho con tiếp tục đến trường”, thầy Tượng nói tiếp.
...VÀ QUẢ NGỌT HÔM NAY
"So với cách đây 10 năm, khó khăn đã bớt nhiều, nhưng chưa hẳn đã hết. Học sinh ở Suối Bon cũng như Bàu Phụng, đa phần là con em lao động nghèo, mưu sinh bằng làm thuê mướn. Lúc trước tỷ lệ học sinh bỏ học còn cao. Nguyên nhân chủ yếu là do bố mẹ đi làm ăn xa phải gửi con cho người thân chăm sóc, cha mẹ thay đổi chỗ ở… Nay tỷ lệ học sinh bỏ học giảm nhiều, chỉ còn dưới 2%. Đây là sự cố gắng lớn của giáo viên trong việc phối hợp cùng với địa phương, hội phụ huynh học sinh vận động các em trở lại lớp”, thầy Trần Hữu Đức, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bàu Phụng. |
Năm 2007, một người Nhật thông qua Trường Nhật ngữ Đông Du và Phòng GD - ĐT huyện Vĩnh Cửu tặng kinh phí trị giá 330 triệu đồng xây dựng 5 phòng học khang trang cho điểm trường Suối Bon. Năm học 2014-2015 này, điểm trường Suối Bon có 5 lớp, từ lớp 1 đến lớp 5 với tổng số 122 em học sinh.
Sau khi 2 anh em thầy Tượng “khai sinh” điểm trường Suối Bon, nhiều đồng nghiệp khác cũng đã góp công bằng cả chục năm gắn bó với điểm trường như cô Mến, thầy Long… Tất cả họ bám vùng sâu dạy học vì một lẽ rất đơn giản, đó là cái duyên và tình cảm chân chất của học sinh, phụ huynh giành cho giáo viên.
“Trước ở vùng này phụ huynh và học sinh có biết ngày 20/11 là ngày gì đâu, khi biết rồi những ngày lễ, tết học sinh đem biếu thầy cô con cá bắt dưới hồ hay vài bó rau trong vườn, bằng tất cả sự chân tình. Chúng tôi gắn bó ở đây và vì cái tình người như vậy”, thầy Long, người đã có hơn 20 năm “gieo chữ” trong rừng xúc động nói.
“Bây giờ, dù có cho tôi nhà cao cửa rộng ở thành phố mà phải xa nơi này tôi cũng không chịu đâu. Ngày mùa, sau giờ học, thầy trò rủ nhau đi tát nước bắt cá, giăng câu. Các vị phụ huynh thấy thầy khổ bèn bảo con đem tặng thầy vài cân nếp, con cá, trái bầu, quả đu đủ…
Thầy thấy trò không có sách vở, thiếu ăn, thiếu mặc thì mua tặng hoặc xin người khác sách vở, quần áo cũ, cân gạo đem cho trò. Tình cảm thầy trò chúng tôi đến tận bây giờ vẫn đầy ắp kỷ niệm đẹp…”, thầy Tượng cười, nét rạng ngời trên khuôn mặt đã nhiều nếp nhăn.
Điểm trường Suối Bon giữa rừng chiến khu Đ
Có thể nói, tình cảm, trách nhiệm của các thầy cô ở đây chính là động lực mạnh mẽ để các em và gia đình gắn bó, dù còn bao khó khăn. Em Hoàng Thị Yến, học sinh lớp 3, kể: Nhà em ở bên đồi Củ Chi, gia đình em sống trên sông. Sáng em phải dậy từ lúc 4 giờ sáng rồi tự đạp xuồng sang bên này đi học. Xe đạp thì em gửi ở bờ bên này, sau khi neo xuồng vào bờ em lấy xe đi đến lớp. Hôm nào mưa lớn quá em không dám đi 1 mình thì phải nghỉ học, những lúc như thế em chỉ mong trời sớm hết mưa.
Còn em các em ở ấp Cây Cầy, mỗi ngày đi học bố mẹ phải dùng xuồng chở đi. Nhưng chỉ trừ những ngày mưa lớn không thể chèo xuồng được vì sóng to, gió lớn, hoặc ốm đau, còn lại chưa em nào nghỉ học với lý do chán.
“Học sinh giờ nhiều em gọi tôi bằng ông thầy rồi, bởi trước tôi đã từng dạy cha mẹ chúng. Riêng mấy trường học tại Phú Lý này có 3 em trước là học sinh của tôi, giờ thành đồng nghiệp”, thầy Tượng nói.