| Hotline: 0983.970.780

Một ngôi mộ chung, hai linh hồn bất tử: Đành làm thân ngọc nát

Thứ Sáu 06/02/2015 , 06:20 (GMT+7)

Đồng huyện (huyện Nghi Lộc- Nghệ An) với Nguyễn Đức Công, lại đồng ngày xuất dương, đồng học, đồng sự, chí khí, thân thế, tư cách đại thể đều giống nhau, mà cũng bị chết một ngày với nhau là Nguyễn Thức Đường./ Toan lay hồn nước dậy

Chí mạnh những mong phò Tổ quốc

Thân sinh Nguyễn Thức Đường là cụ Nguyễn Thức Tự, hiệu Đông Khê, thi đỗ Cử nhân đời Tự Đức, từng làm quan đến chức Sơn phòng chánh sứ.

 Lúc kinh đô Huế thất thủ, cụ bỏ quan về nhà dạy học, trở thành bậc sư biểu cả nước. Các danh nhân yêu nước như Giải nguyên Phan Bội Châu, Phó bảng Đặng Nguyên Cẩn, Tiến sĩ Ngô Đức Kế, và cả Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh)... đều là học trò cụ.

Nguyễn Thức Đường là con trai thứ của cụ Nguyễn Thức Tự, tên chữ là Càn Kiện, sau khi xuất dương đổi tên thành Trần Hữu Lực. Trong “Việt Nam nghĩa liệt sử”, Đặng Đoàn Bằng viết: “Ông tướng mạo đẹp, mặt tròn mà đầy, sinh ra có tính khác người, ham phóng túng không chịu bó buộc. Lúc còn trẻ con đã có khí hào hiệp”.

Tuổi 15 - 16, Nguyễn Thức Đường đã nuôi chí đánh giặc cứu nước nhưng chưa biết liên hệ với ai.

Một hôm đến nhà Phan Bội Châu, ông được xem bản “Lưu cầu huyết lệ tân thư”. Phấn khởi, ông mang sách về nhà, đọc suốt đêm không ngủ. Từ đó, ông bỏ sự nghiệp học hành theo Nho giáo truyền thống của gia đình, giao lưu với những người có tinh thần yêu nước khắp các phủ, huyện.

Khi Phan Bội Châu xuất dương mà chưa kịp nói, Nguyễn Thức Đường bỏ nhà đi theo. Đi bộ một tháng đến Bình Định mà không gặp, ông đành quay trở về. Khi Duy Tân hội ở Nghệ An được thành lập, ông tham gia phụ trách việc trừ gian diệt ác.

 Do việc ám sát Cử Điềm (tức Nguyễn Điềm), là tay sai của mật thám đã báo với Công sứ Nghệ An về việc Phan Bội Châu mưu đánh úp Nghệ An năm 1901, nên Nguyễn Thức Đường bị thực dân Pháp truy nã gắt gao.

 Thấy tình hình nguy hiểm, lo sợ bị thực dân Pháp bắt sẽ mất tiền đồ của một chí sĩ yêu nước, tháng 4/1908, Đặng Thái Thân liền tổ chức cho Trần Hữu Lực xuất dương cùng Nguyễn Đức Công sang Nhật Bản, vào học trường Đồng Văn thư viện.

Nguyễn Thức Đường ham học và ham rèn luyện quân sự, ngày quên ăn, đêm quên ngủ. Ra trường, ông lưu lại ở Nhật Bản. "Phan Bội Châu niên biểu" viết: “Đến khi Kỳ Ngoại hầu Cường Để bị trục xuất, ông lấy làm sỉ nhục, toan tìm việc thở giận, đồng chí mới can ngăn, ông mới bỏ Nhật về Tàu”.

Sang Trung Hoa, ở Thượng Hải, Nguyễn Thức Đường thi đỗ vào trường cán bộ lục quân Quảng Tây. Sau hai năm học, ông tốt nghiệp. Nhờ đổi tên mới là Trần Hữu Lực và giả mạo quốc tịch Trung Hoa, ông được bổ nhiệm chức Bài trưởng (tương đương thiếu úy) chỉ huy một đội quân. Chưa đầy ba tháng sau nhậm chức, cách mạng Tân Hợi thắng lợi, Trần Hữu Lực liền từ chức.

Là người thông thạo học vấn quân sự, giữa lúc phong trào cách mạng nước nhà bắt đầu lên, Trần Hữu Lực nghĩ rằng Hoàng Trọng Mậu đã đảm nhiệm miền Bắc, nay miền Tây cũng phải có người, để đồng thời về nước làm chỗ dựa cho nhau. Ông liền xin với Phan Bội Châu cho về đảm nhiệm miền Tây.

Được Phan Bội Châu đồng ý, năm 1912, Trần Hữu Lực rời Trung Hoa, sang Thái Lan. Thời gian ở Thái Lan, Trần Hữu Lực đi khắp vùng giáp biên giới Lào để gây dựng cơ sở. Nếm trải đủ cảnh gian khổ, hiểm nguy, nắng mưa đói rét mà không sờn chí. Hễ khu vực biên giới nơi nào có kiều dân nước ta, ông đều hết sức vận động, vì thế người gia nhập Việt Nam quang phục hội ngày một đông.

Một ngôi mộ chung, hai linh hồn bất tử

Mùa hè năm 1915, đang lúc tổ chức có kết quả, chuẩn bị đem quân về liên hiệp với trong nước nổi dậy thì mật thám Pháp phát hiện. Chúng đã liên kết với chính quyền Thái Lan lúc đó bắt giữ Trần Hữu Lực rồi giải về Hà Nội, bàn giao cho thực dân Pháp.

Thực dân Pháp dụ dỗ ông nếu chịu quy phục làm tay sai cho chúng thì sẽ được tha tội. Trước sự khảng khái của ông, chúng kết án lưu hình chung thân nhưng Trần Hữu Lực đòi được xử bắn. Mùa đông năm 1916, Trần Hữu Lực bị bắn ở Bạch Mai khi mới 30 tuổi.

Lúc sắp chết, Trần Hữu Lực làm câu liễn tự vãn như sau: “Giang sơn dĩ tử, ngô an đắc du sinh, thập dư niên luyện kiêm ma đao, tráng chí bản phùng hồng Tổ quốc/ Vũ dực vị thành, sự dĩ tiên trung bại, cửu nguyên hạ điều binh khiển tướng, hùng hồn ám trợ thiếu niên quân” (Dịch nghĩa: Non sông đã chết, ta há lại sống thừa, từ mười năm giũa kiếm mài dao, chí mạnh những mong phò Tổ quốc/ Lông cánh chưa thành, việc bỗng đâu hóa hỏng, dưới chín suối điều binh khiển tướng, hồn thiêng cầu giúp đội thanh niên).

Hai nhà phê bình Đặng Thai Mai và Hoài Thanh đều coi những lời tuyệt mệnh cuối cùng của Nguyễn Đức Công và Nguyễn Thức Đường là “những lời nói cao cả nhất trong văn chương yêu nước của loài người xưa nay”.

Mười một năm sau vụ hành hình (năm 1927), người em của Nguyễn Đức Công là Đốc học Nguyễn Đức Đôn và con trai thứ hai của Nguyễn Đức Công là Nguyễn Đức Vân đã đưa hài cốt hai liệt sĩ từ trường bắn Bạch Mai về quê an táng chung trong một ngôi mộ tại nghĩa trang họ Nguyễn Đức.

Tháng 5/1995, Giáo sư Koyama Katsuzo tuổi 81 - Hội trưởng Hội đỡ đầu giáo dục Việt Nam của Nhật Bản đã tìm về xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An để viếng ngôi mộ táng chung hai con người lẫm liệt đầu thế kỷ XX: Nguyễn Đức Công và Nguyễn Thức Đường mà gia đình giáo sư đã lập bài vị thờ tại xứ sở hoa anh đào.

Xem thêm
3 đề án bao trùm ngành chăn nuôi bắt đầu đi vào đời sống

Chiều 3/5, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị triển khai một số đề án ưu tiên thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.

Tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc

Ngày 3/5, tại phường Hải Xuân, TP Móng Cái, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện và tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Diện tích trồng hoa, cây cảnh của Hà Nội tăng hơn 13 lần trong 19 năm

Diện tích trồng hoa, cây cảnh của Hà Nội đã tăng một mạch từ 610ha năm 2005 lên khoảng 8.000ha trong thời điểm hiện tại.