| Hotline: 0983.970.780

Một thời quan hệ Việt - Mỹ: Chuyện về con cá 'râu dài'

Thứ Năm 09/07/2015 , 06:15 (GMT+7)

Vụ “11 tháng 9 năm 2001” thế vẫn chưa đủ, sau này tôi còn gặp vụ tranh chấp thương mại đầu tiên giữa Mỹ và Việt Nam về bán phá giá cá tra da trơn./ Mở đầu một nhiệm kỳ ngoại giao vất vả

Đằng sau những vụ kiện ấy là các nhóm lợi ích ở Mỹ tác động tới chính quyền, cả ngành lập pháp lẫn hành pháp; trong trường hợp cá ba-sa là nhóm người nuôi trồng hải sản ở Mỹ. Mà ở Mỹ luật lệ, thủ tục rất rối rắm; những đường dây lợi ích chằng chịt; mới làm ăn với Mỹ ta khó lòng hiểu thấu và lần tìm được hết.

Xuất xứ vụ kiện cá ba-sa của ta là do tình hình tiêu thụ sản phẩm của các nông trại nuôi cá ở các bang miền Nam nước Mỹ trở nên khó khăn, và họ đổ cho ta xuất cá rẻ vào Mỹ làm cho SX của họ sa sút.

Họ lập luận rằng Chính phủ Việt Nam có nhiều biện pháp trợ cấp giá nên người nuôi cá có thể bán cá với giá rẻ mà vẫn có lãi; các nhà nhập khẩu Mỹ mua được rẻ hơn cá nội địa nên họ bán cho người tiêu dùng Mỹ rẻ mà vẫn có “lợi nhuận”; với tình trạng như thế cá Việt Nam sẽ nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường nội địa Mỹ và Việt Nam đang dùng cách bán phá giá làm thiệt hại các nông trại Mỹ! Nông dân thì đứng ra kiện, còn cơ quan Chính phủ Mỹ là Ủy ban Thương mại Quốc tế (ITC) thì xử kiện. Do đó Chính phủ Mỹ có vai trò lớn đối với kết quả vụ kiện…

Tôi quyết định “xách cặp” lên gặp ông McCain, Thượng nghị sỹ Đảng Cộng hòa. Khi chuẩn bị lên gặp Thượng Nghị sĩ McCain, tôi chọn đưa theo hai bức ảnh hai con cá da trơn, một của Việt Nam, một của bang Mississipi do đại diện Thương vụ ta cung cấp.

Vốn là, sau khi các nông trại Mỹ đâm đơn kiện Việt Nam, đã diễn ra tiến trình tranh luận về “sự hợp lý” và “sự vô lý” của bên nguyên. Có nhóm người dựa vào khoa học nhấn mạnh các giống cá của Mỹ khác của Việt Nam (theo danh mục cá có rất nhiều loại ngay trong họ nhà cá da trơn).

Theo đó, họ cho rằng kiện cá Việt Nam là không đúng địa chỉ! Số người khác cho là không có sự khác nhau gì nhiều giữa hai loài cá và việc phía nông trại Mỹ kiện Việt Nam bán phá giá là có lý.

Tôi vừa bước vào Văn phòng Thượng Nghị sĩ  McCain đã thấy ông đứng sẵn chờ tôi. Ông tỏ thái độ niềm nở đón chào tôi cũng vì đây là lần đầu ông tiếp tôi và tôi “kết hợp chào ra mắt” sau khi vừa đến Mỹ làm Đại sứ...

Tôi đã lấy hai bức ảnh chụp hai con cá ra cho ngài Thượng Nghị sĩ xem và nói:

- Thưa Ngài McCain, Ngài nhìn xem tôi mang đến cho Ngài cái gì đây? Ngài thấy đấy, hai con cá trông đáng yêu làm sao, thế mà không khéo chúng sẽ “cắn” nhau ngay bây giờ đó!

Ông McCain ra vẻ thích thú về câu hài của tôi, hiểu ngay ý tôi muốn nói, cầm ảnh nhìn hai con cá ba-sa, rồi cười tươi, thoải mái. Thấy ông vui và lại rất chăm chú, tôi “ra võ” tiếp. Lần này thay vì ra thế “trung bình tấn” tôi chỉ “trảo mã trái” nhẹ nhàng. Tôi nói: Thưa Ngài, không biết Ngài có nhận ra hai con cá khác nhau gì không?

Xem ra câu hỏi của mình cũng hơi đường đột, không khéo “bất lịch sự” với ông nên tôi tự giải trình. Tôi chỉ vào hai cái râu dài của con cá tra Việt Nam và nói: Ngài thấy không, cá Việt Nam gọi là “cá tra”, theo nghĩa tiếng Việt chúng tôi là “cá già”, thành thử “râu” cũng dài hơn râu cá Mỹ, nên đây là hai loài cá khác nhau. Và do cá Việt Nam “râu dài hơn” nên thịt cũng “ngon hơn đấy”! Ông lại cười rất vui.

Liếc nhìn đồng hồ, tôi dự liệu còn ít thì giờ, và biết chi tiết cá ta có râu dài hơn râu cá Mỹ chỉ là để nói cho vui, nên tôi tranh thủ đi ngay vào “nội dung chính”.

Tôi nói dịu giọng: vụ kiện đầu tiên làm cho phía Việt Nam thấy rất phi lý, mong Ngài góp phần cho vụ kiện được thụ lý một cách khách quan, công bằng, tính đến sự nhạy cảm của quan hệ hai nước ở thời điểm vừa mới bắt tay vào thực hiện Hiệp định BTA, kim ngạch buôn bán còn quá nhỏ, chỉ khoảng 400 triệu đô...

Kết quả vụ kiện ra sao sẽ rất ảnh hưởng đến sự suy nghĩ của người Việt Nam về mối quan hệ làm ăn với Mỹ, về chính sách của Mỹ... Tôi dừng lại, nghĩ bụng nói thế với nhà chính trị và nhà chiến lược McCain là quá đủ rồi!

Ông McCain diễn giải lại với tôi vài ý rằng, không phải Chính phủ có ý muốn đưa kiện mà xuất phát là từ các nông trại Mỹ, rằng không chỉ với Việt Nam mà với tất cả các nước Mỹ đều áp dụng một cơ chế giải quyết tranh chấp như nhau, rằng ông đồng tình nên cố giải quyết vụ kiện sao cho bớt nhạy cảm chính trị; ông nói sẽ cố gắng làm việc với bên Chính phủ về việc vụ kiện nên được giải quyết thế nào, tuy nhiên mong Đại sứ hiểu, ở Mỹ Quốc hội không chỉ đạo Chính phủ… Ông cũng không quên chúc tôi một nhiệm kỳ Đại sứ thành công.

Từ sau vụ kiện về cá tra tháng 2 năm 2002 cho đến nay, những vụ Mỹ kiện Việt Nam bán phá giá cá tra, tôm đông lạnh… “xuân thu nhị kỳ” lại lặp lại. Nhưng vụ kiện đầu tiên ấy thật “giá trị” về nhiều phương diện. Tôi nhớ ông Tổng Thư ký Liên hợp quốc Kofi Annan đã dẫn trường hợp vụ kiện làm thí dụ điển hình cho quan hệ kinh tế bất công bằng giữa thế giới đang phát triển và các nước phát triển.

Còn điều thú vị là, Việt Nam “đáng ra” phải trả công cho Mỹ về vụ kiện (mặc dù kết quả tranh kiện là Mỹ đã đánh thuế nhập khẩu cao vào cá của ta) vì nhờ nó mà danh tiếng của con cá tra tăng lên vùn vụt vào loại “lừng lẫy”.

Con cá “râu dài” của Việt Nam từ ngày đó trở nên nổi tiếng khắp năm châu mà không mất mấy tiền cho quảng cáo, và đến nay cá tra của ta đã có được thị trường xuất khẩu rộng khắp với kim ngạch hàng tỉ đô-la mỗi năm.

(*) Tác giả nguyên là Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ từ năm 2001 -2007

Xem thêm
Lợn cấp cho hộ nghèo bị chết nghi do dịch tả lợn châu Phi

GIA LAI Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chư Pah nghi lợn bị chết do mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi. Đơn vị đã phối hợp lấy mẫu xét nghiệp để kết luận nguyên nhân.

Bắt giữ xe khách chở 1,2 tấn nội tạng lên Điện Biên tiêu thụ

1,2 tấn nội tạng chứa trong 9 thùng xốp được chủ xe khách chở từ huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội lên Điện Biên đã bị bắt giữ tại Hòa Bình.

Tập huấn nhân rộng mô hình khuyến nông cộng đồng

AN GIANG Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Trung tâm Khuyến nông An Giang tổ chức 3 lớp tập huấn nhân rộng mô hình khuyến nông cộng đồng.