| Hotline: 0983.970.780

Một xã miền núi Quảng Trị có gần 400 trâu, bò... chết rét

Thứ Ba 12/01/2021 , 18:00 (GMT+7)

Riêng xã Pa Tầng (huyện Hướng Hóa) hiện đã có gần 400 con trâu, bò bị chết rét. Nhiều nơi, người dân chưa thể biết trâu bò của mình còn sống hay đã chết.

Ngày 12/1, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Trị cùng chính quyền địa phương đã có buổi kiểm tra tình hình thực tế trâu bò bị chết do ảnh hưởng của giá rét trên địa bàn huyện miền núi Hướng Hóa.

Ông Đào Văn An, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Sau khi nhận được thông tin trâu, bò ở một số địa phương trên địa bàn huyện Hướng Hóa bị chết rét, Chi cục đã thành lập tổ công tác kiểm tra tình hình thực tế tại xã Pa Tầng trong ngày 12/1. Ngoài xã Pa Tầng, đến ngày 12/1, Chi cục cũng đã nhận được thông tin trâu, bò chết rét ở xã Húc, tuy nhiên địa phương này chưa có số liệu thống kê thiệt hại cụ thể.

Theo báo cáo của xã Pa Tầng, từ ngày 25/11/2020 đến nay, trên địa bàn xã đã có 375 con gia súc bị chết (trong đó: trâu 52 con, bò 38 con, lợn 41 con, dê 244 con). Tuy nhiên, số liệu này do các thôn, bản báo cáo lên và UBND xã chưa kiểm tra, xác minh thực tế. Riêng trong 2 ngày 11/01 và 12/1, trên địa bàn xã này có 16 con gia súc chết do đói rét gồm 7 trâu, 5 bò, 4 dê và UBND xã đã kiểm tra thực tế.

Đa số trâu bò ở Hướng Hóa thả rông trên rừng, chưa thể biết còn sống hay đã chết Ảnh: Công Điền.

Đa số trâu bò ở Hướng Hóa thả rông trên rừng, chưa thể biết còn sống hay đã chết Ảnh: Công Điền.

Thực tế, những ngày qua thời tiết tại Pa Tầng trời mưa, nhiệt độ xuống thấp (ngày 12/1 chỉ 10 độ C), trong khi trâu, bò ở đây chủ yếu đều chăn thả tự do, không có chuồng trại nên không thể chống chịu được trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt như hiện nay.

Ông Hồ Văn Bằng, Chủ tịch UBND xã Pa Tầng hcho biết do ảnh hưởng của mưa lũ và giá rét, trong thời gian vừa qua, trên địa bàn toàn xã đã có hàng trăm con trâu, bò... bị chết. Tuy nhiên, vẫn còn một số hộ gia đình ở xa trung tâm xã, nên chưa khai báo được nên số liệu vẫn đang được tiếp tục cập nhật. 

Theo lãnh đạo xã Pa Tầng, nguyên nhân khiến đàn gia súc bị chết phần lớn là do tập quán chăn nuôi chủ yếu chăn thả tự do trên các đồi nương cách xa nhà, không làm chuồng trại kiên cố để nhốt trâu, bò.

Vì vậy khi xảy ra rét đậm rét hại, khả năng chống chọi với giá lạnh của gia súc yếu, dẫn đến nguy cơ chết rét. Bên cạch đó, thời gian qua, do mưa lũ nghiêm trọng kéo dài nên thức ăn cho gia súc rất khan hiếm, dẫn đến trâu bò không có khả năng chống chịu được rét và chết.  

Ông Lê Quang Thuận, Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa cho biết, đến nay, ngoài xã Pa Tầng, vẫn chưa có số liệu thống kê số trâu bò bị chết rét trên toàn huyện vì hiện tại vẫn còn nhiều thôn, bản vùng sâu chưa có số liệu báo cáo. Tại nhiều nơi, nhiều gia đình chăn thả rông trâu, bò trên núi nên chưa biết số trâu, bò của gia đình mình còn sống hay đã chết.

Hiện nay, huyện vẫn đang tiếp tục phối hợp với chính quyền các xã tổ chức kiểm tra thống kê lại từng gia đình để có một con số chính xác, cụ thể. Qua đó thời gian tới, sẽ có kế hoạch hỗ trợ kinh phí theo quy định cho bà con nông dân có trâu bò bị chết rét.

Về lâu dài, huyện sẽ chỉ đạo các địa phương, tổ chức, đoàn thể như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ... đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động thay đổi tập quán chăn nuôi lạc hậu... Bên cạnh đó, tăng cường cán bộ khuyến nông, khuyến lâm hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, bảo vệ, thay đổi tập quán chăn nuôi, chủ động nguồn thức ăn tránh tình trạng gia súc bị chết do sự chủ quan của người dân, từng bước ổn định lại sản xuất, chăn nuôi.

Ông Hồ Xuân Hòe, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị cho biết, trước tình hình thời tiết diễn biến bất thường trong thời gian qua, từ đầu tháng 11/2020, ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Trị đã ban hành văn bản chỉ đạo các địa phương thực hiện các phương án phòng, chống dịch bệnh và giá rét cho đàn gia súc, gia cầm.

Cán bộ ngành nông nghiệp các huyện, thị xã, thành phố cũng tích cực phối hợp các địa phương hướng dẫn người dân thực hiện phòng, chống rét cho đàn vật nuôi, vận động người dân không chăn thả trâu, bò tự do vào đợt rét đậm; chủ động giữ ấm cho trâu, bò bằng cách vệ sinh chuồng trại đảm bảo khô ráo, che đậy kín để tránh gió…

Xem thêm
Bình Phước sẽ là cực tăng trưởng vùng Đông Nam bộ

Đó là kỳ vọng của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại lễ công bố Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trà Vinh sẽ vận hành 5 dự án năng lượng tái tạo vào năm 2030

Quy hoạch giai đoạn 2026 - 2030, các dự án sẽ được vận hành gồm điện mặt trời áp mái, điện rác, điện sinh khối, hướng đến giảm phát thải ròng bằng 0.

Thái Bình phục hồi 'làng muối tâm linh’

Hạt muối sạch phơi cát Tam Đồng sẽ được phục hồi gắn với du lịch tâm linh, với di tích Đền Bà chúa Muối nức danh cả nước và sẽ là 'hạt muối di sản'.