Từ chợ, chúng tôi theo một số nông dân về nhà họ chơi. Tìm hiểu gia cảnh, đời sống của họ mới thấy chợ quê ảm đạm là phải.
Nợ nần như trò chơi ăn quan
Gia đình ông bà Lê Văn Thi và Nguyễn Thị Quế ở thôn Hương Phố xã Đức Hương (huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh) là một hộ kiểu mẫu phổ biến của làng quê những vùng thuần nông hiện nay. Hai ông bà già ở nhà làm đất ruộng, con cái bỏ quê vào miền Nam đi làm thuê. Một gia đình có 5 người tất thảy, ai cũng làm cật lực vậy mà cuộc sống cứ tù túng, khó khăn bộn bề, không có lối thoát.
Cả 3 đứa con nhà ông Thi đều là những thanh niên sức vóc. Đứa đầu sinh năm 1987, đứa út 1992. Chúng phải bỏ dở việc học để vào miền Nam làm công nhân, một sự lựa chọn bất khả kháng như bao thanh niên nông thôn khác ở xã Đức Hương vì những ông bố bà mẹ ở vùng quê này hầu như không thể đủ điều kiện cho con cái theo đường học hành. Đứa làm giày da ở Bình Dương, đứa làm xưởng mộc ở Đồng Nai, đứa ở Sài Gòn. Hai ông bà ở nhà làm 3 sào màu, 2 sào ruộng. Ruộng vừa đủ gạo ăn, 2 sào màu gánh trách nhiệm chi tiêu, sinh hoạt hằng ngày.
Một gia đình nông thôn có tới 5 lao động nhưng căn nhà họ đang sống đã bị mối ăn gần quẹp cũng không có tiền để sửa. Đầu tư cho con cái thoát ly, với nhà quê, đó là hi vọng sẽ có thêm một nguồn thu nhập, nhưng bây giờ, 3 đứa nhà ông Thi tự nuôi chúng còn chật vật thì trông mong gì được. Thậm chí bà Quế còn phải vay tiền ngân hàng 20 triệu đồng để gửi vào cho thằng con cả. Hai ông bà đều bị bệnh. Ông bị sỏi bàng quan, bụng thỉnh thoảng lại phình to như trống. Bà vừa đau khớp vừa bị gai cột sống. Nhưng cuộc sống hiện tại không cho phép họ nghĩ đến chuyện chữa chạy bệnh tật. Mỗi lần đau quá, ông bà kéo nhau lên trạm xá tiêm vài mũi rồi về. Hôm trước tiêm hôm sau đã phải ra ruộng, bỏ ngoài tai lời dặn dò nghỉ ngơi của mấy cô y tá.
Vợ chồng ông Thi, bà Quế bệnh tật nhưng không dám đi bệnh viện
“Mọi chi tiêu sinh hoạt đều trông vào lúa, lạc mà ra cả. Con cái đi làm không đủ nuôi chúng nó. Cũng muốn đi khám, nhưng lấy tiền ở mô mà đi. Ở quê này chỉ có sổ hộ nghèo mới dám đi khám bảo hiểm, còn lại người ta sợ đi bệnh viện. Có bệnh cũng không xoay được tiền đi chữa thì đừng đi khám có khi lại hay hơn”, bà Quế nói thế.
Bệnh tật có thể cắn răng mà chịu chứ nợ nần thì không. Mà nông dân ở những vùng quê như thế này thì chả có được mấy nhà không phải nợ. Nợ cho con cái học hành, nợ đầu tư sản xuất, nợ tiền đóng góp…
Tôi suýt bổ ngửa khi nghe bà Quế phàn nàn là gia đình đang phải đi chạy nợ mỗi khẩu 80 ngàn để đóng góp làm đường nông thôn chứ trong nhà chẳng có một đồng nào. Cả tổ liên gia 21 hộ, mỗi hộ đóng 80 ngàn/khẩu để xây dựng quãng đường chừng 100 m. Tất tật hết khoảng 10 triệu. Khổ nỗi trong 21 hộ dân ấy chỉ có mỗi ông tổ trưởng tên Nguyễn Văn Tam có sẵn tiền đẻ đóng nhờ nguồn tiền chế độ chính sách, còn lại các hộ khác đều phải đi vay cả. Thực trạng mà ông Tam tả thế này: “Ở xã này, ai cũng 12 thước ruộng, 3 thước đất, đụng đến tiền là phải đi vay. Nợ nần cứ như trò chơi ô ăn quan của bọn trẻ nít. Bốc ô này bỏ vào ô kia, chỗ nào chũng nợ. Đợt làm đường này, mỗi khẩu có 80 ngàn mà chúng tôi cũng phải làm sổ để dân đi vay ngân hàng chứ trong nhà họ kiệt quệ cả rồi”.
Kiệt quệ là phải. Mọi chi tiêu đều trông vào lạc đậu, nhưng sản xuất kiểu mua vay bán trả khiến thời điểm này nông dân phải bán tống bán tháo lạc, đậu để hoàn tiền cho Hội Nông dân xã. Trước khi vào vụ, tiền giống, tiền phân bón, tiền thuốc BVTV đều được các Cty cung ứng qua Hội Nông dân về cho bà con vay và tính lãi. Một tạ phân giá 500 ngàn thì tiền lãi 8 ngàn một tháng. Cứ thu hoạch xong, chốt hẹn vào ngày 30/6 sẽ trả cả lãi lẫn gốc. Năm nay giá lạc xuống đáy, nông dân lạy lục xin khất nhưng chỉ được phép gia hạn trả đến 30/7. Thời điểm ấy sắp đến, mỗi nhà từ 1-2 triệu, giá lạc cao hay thấp gì cũng phải bán cả thôi.
Mà đâu chỉ riêng tổ liên gia của ông Tam, ông Thi, theo thông báo mới đây, cả thôn Hương Phố có 141 hộ thì khoản nợ từ Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng NN-PTNT vào khoảng 3,8 tỷ đồng. Tức bình quân mỗi gia đình trong thôn mang nợ hơn 26 triệu. Vẫn biết nông dân nợ nần là chuyện bắt buộc, nhưng ở những vùng quê thế này thì họ lấy gì để trả.
Trưởng thôn Hương Phố Đặng Văn Thuận trả lời: Khó trả lắm. Vay để đầu tư sản xuất thì không có lãi, đầu tư cho con cái thoát ly thì công việc chúng không ổn định, chỉ nuôi được bản thân là may. Toàn là nguồn vốn vay đầu tư không có lãi cả. Cùng lắm thì người dân chỉ trả được tiền lãi mà thôi.
Trưởng thôn Đặng Văn Thuận
Thanh niên bế tắc
Ruộng đất sản xuất bí bách, đa phần nông dân đều hi vọng con cái thoát ly quê hương sẽ kiếm được việc làm, không hỗ trợ được bố mẹ thì cũng tự lo thân. Nhưng rốt cuộc con đường này cũng chỉ toàn là bi kịch.
Một cuộc khảo sát vào năm 2012 tính ra rằng số thanh niên nông thông chiếm khoảng 1/3 dân số toàn xã Đức Hương, vào khoảng 1.300 người. Trong số đó, chỉ có vỏn vẹn 150 thanh niên bám quê, còn lại bỏ làng đi hết. Bí thư Đoàn thanh niên xã Đức Hương Đặng Sỹ Lâm cũng là một thanh niên từng bỏ quê đi làm ăn tứ xứ nhưng thất bại. Nói về nguồn thu nhập từ đội ngũ lao động nông thôn rời quê Lâm vội lắc đâu: Buồn lắm anh ơi, không đủ sống mô.
Dẫn tôi đi một vài thôn trong xã, Lâm phàn nàn: Mấy năm nay suy thoái, lạm phát, thanh niên thất nghiệp cũng về nhiều, nhưng về rồi lại đi. Mà toàn là đi tự do, không theo kênh đào tạo nghề nào cả. Trước đây thì chuyện thanh niên rời quê làm ăn gửi tiền về còn có chứ bây giờ thì hiếm lắm rồi. Chỉ riêng năm 2013 này đã có hơn 20 trường hợp. Có người về không, có người còn dắt díu thêm vợ con về, có người về khi bệnh tật, thân tàn ma dại. Bỏ quê đi bán sức lao động, bây giờ về quê cũng không thể bám ruộng đồng, những người còn sức lại lang thang kiếm việc, chủ yếu là đi phụ hồ. Bản thân thanh niên nông thôn rơi vào vòng lẩn quẩn, còn gia đình họ, đa phần là gánh thêm nợ nần vì con cái không có việc làm ổn định. Lại có khoảng hơn hai chục trường hợp gia đình phải nuôi cháu để bố mẹ chúng tiếp tục bỏ làng đi làm thuê.
Đặng Sỹ Lâm đưa tôi vào căn nhà của ông Nguyễn Văn Toàn và bà Phạm Thị Tâm khi đứa con trai cả của ông bà vừa bắt xe đi miền Nam đêm qua. Đi đâu? Ông bà không biết.
“Đứa thứ hai cũng đi làm thuê trong Đồng Nai rồi. Trước đây chúng nó cũng đi xuất khẩu lao động, nhưng thất nghiệp về hết, nợ nần cả trăm triệu đồng, ở quê làm ruộng đồng không đủ ăn nên phải đi, chỉ hi vọng kiếm đủ ăn thôi chứ tình hình ni thì nợ nần trả chi nổi”, ông Toàn ngán ngẩm.
Đến ngay cả những thanh niên được bố mẹ vay mượn cho đi học nghề hẳn hoi cuối cùng cũng về đi làm thuê làm mướn cả. Xã Đức Hương vừa đón 16 thanh niên tham gia trường Luyện thép Thái Nguyên thì 14 bỏ về làng vì không có việc. Chắc lại phải kiếm chỗ nào để mà đi, Lâm bảo, đi mấy tháng rồi lại về, rồi lại đi. Có nhiều thanh niên nếu thu tiền làm hồ sơ có lẽ cả trăm ngàn nhưng cuối cùng chẳng được ai ra trò ra trống.
Khi tôi khảo sát ở phiên chợ Nướt (xã Đức Lạc, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh), trưởng thôn Thị Hòa Nguyễn Đức Hùng buồn bã: “Đi chợ bây giờ toàn người già. 95% lao động rời quê hết rồi. Nếu anh ra cây đa Lạc Thượng thì thấy một toán chăn bò, chăn trâu toàn người già. Mấy ông bà vừa chăn trâu vừa đánh bài quỳ. Năm ngoái có ông cụ quỳ nhiều quá gặp trời nắng nóng quá chết luôn”. Nông thôn già cỗi, lẩn quẩn và yếu ớt. Thành thử cứ gặp sự cố như ốm đau bệnh tật, nợ nần thì chắc chắn không thể gượng dậy nổi. |