Gây hấn với đồng minh
“Tôi có cảm giác như cuộc sống của mình đang bị phá hủy. Tình trạng kinh tế hiện tại thật tồi tệ với những người lao động như tôi. Lệnh trừng phạt đã khiến mọi thứ trở nên tệ hại. Tôi không thể mua thực phẩm, trả tiền nhà… Không ai quan tâm đến chúng tôi”- Ali Paphi, một công nhân xây dựng ở thủ đô Tehran của Iran cho biết. Lệnh trừng phạt do Mỹ áp đặt lên Iran sau khi Tổng thống Donald Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 đã lập tức có tác dụng.
Iran đang gặp nhiều khó khăn do lệnh cấm vận của Mỹ lên nước này |
Yasaman, một phóng viên ảnh 31 tuổi ở Tehran cho biết thêm, giá cả thực tế đã tăng lên từ 3-4 tháng nay. Tổng thống Donald Trump, bất chấp phản ứng của các đồng minh châu Âu, đã quyết định đơn phương áp đặt lệnh trừng phạt lên Iran. Trong tuyên bố trên trang cá nhân Twitter hôm qua, ông Trump đồng thời cho biết, các nước phải lựa chọn giữa Iran và Mỹ khi khẳng định, đã chơi với Iran thì… miễn chơi với Mỹ.
DW cho hay trong phát biểu đưa ra sau đó không lâu, Cao uỷ đối ngoại EU Federica Mogherini đã bác bỏ đe dọa của ông Trump. Bà Mogherini tuyên bố các doanh nghiệp EU có toàn quyền lựa chọn chơi với ai, dù là Mỹ hay Iran. Theo bà Moghrini, EU đang bằng mọi cách duy trì thoả thuận với Iran, hướng tới đem lại lợi ích chung cho người dân Iran cũng như thế giới.
“Chúng tôi đặc biệt khuyến khích các doanh nghiệp vừa và nhỏ hợp tác với Iran, trong đó một số chúng tôi tin rằng cần thiết cho những ưu tiên về an ninh”-bà Mogherini cho biết. Bất chấp điều đó, giới phân tích cho rằng lệnh trừng phạt của Mỹ sẽ khiến các doanh nghiệp EU, đặc biệt là Pháp và Ý chịu tổn thất. Iran hiện vẫn là thị trường nhỏ bé của EU nếu so với Mỹ, nên lựa chọn theo phương án nào cũng là một khó khăn.
Theo DW, sẽ có những doanh nghiệp châu Âu phải ngừng hợp tác với Iran, dĩ nhiên với những lý do được viện dẫn chỉ đơn thuần về kinh tế. Deutsche Bank (Đức) hay Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) đã bắt đầu có những động thái để chuẩn bị cho sự tháo lui.
Mạnh nhất, nhưng chưa đủ
Giá dầu đã tăng lên từ giữa tuần qua, sau khi lệnh trừng phạt của Mỹ với Iran chính thức có hiệu lực. Tình hình sẽ có thể căng thẳng hơn vào tháng 11 tới, khi Mỹ áp đặt cấm vận vòng 2 lên lĩnh vực năng lượng của Iran. Iran là thành viên Tổ chức xuất khẩu dầu mỏ thế giới (OPEC), là quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn thứ 5 trên thế giới.
Tuy nhiên theo đánh giá của giới quan sát, ông Trump khó lòng đạt được mục tiêu buộc Tehran phải quy phục, bởi tình hình hiện tại so với thời điểm trước là rất khác nhau. Washington không nhận được sự ủng hộ về mặt chính trị từ phía các đồng minh châu Âu. Bên cạnh đó, Iran chắc chắn sẽ tìm được “không gian sống” từ mối quan hệ với Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ. Thực tế vừa qua, Tehran đã thực hiện một cuộc vận động để tìm kiếm sự ủng hộ từ những nước này, chưa kể EU.
Ừ thì có thể lạm phát đang tăng lên, cũng như giá trị đồng rial đã giảm tới 2/3 so với đầu năm. Biểu tình xảy ra nhiều hơn ở nhiều nơi. Nhưng vốn dĩ ở Iran, biểu tình vẫn xảy ra lâu nay, trước cả khi Mỹ đe dọa rút khỏi thoả thuận hạt nhân.
“Giá cả lại tăng lên. Nhưng lý do là tình trạng tham nhũng trong chính phủ chứ không phải cấm vận”- Ali, 35 tuổi, nói với AFP.