Giám đốc tài chính Huawei Meng Wanzhou. (Ảnh: New Daily) |
Bà Meng Wanzhou, giám đốc tài chính và là con gái nhà sáng lập tập đoàn Huawei nổi tiếng của Trung Quốc, đã bị bắt hôm 1/12 khi đang đợi chuyển chuyến bay ở Vancouver, Canada. Một số nguồn tin tiết lộ với Reuters rằng bà Meng có nguy cơ bị dẫn độ về Mỹ với cáo buộc vi phạm các lệnh trừng phạt của Washington.
Nếu muốn phát lệnh bắt giữ và dẫn độ các cá nhân ở nước ngoài như bà Meng Wanzhou, các nhà chức trách Mỹ phải tuân thủ theo những quy định cụ thể về vấn đề này.
Mỹ phát lệnh bắt giữ nghi phạm ở nước ngoài như thế nào?
Các công tố viên cấp bang và liên bang của Mỹ không thể chỉ đơn giản yêu cầu những người đồng cấp nước ngoài bắt giữ và bàn giao một cá nhân nào đó cho họ. Những yêu cầu như vậy phải được thực hiện thông qua Văn phòng Quan hệ quốc tế (OIA) thuộc Bộ Tư pháp Mỹ.
OIA duy trì liên lạc với các nhà chức trách tại các quốc gia khác và chịu trách nhiệm thực hiện các bước tiếp theo để dẫn tới việc bắt giữ và dẫn độ nghi phạm.
Theo Douglas McNabb, luật sư biện hộ tội phạm quốc tế tại Houston, quyết định đưa ra cáo trạng đối với một số đối tượng như bà Meng Wanzhou có thể được thực hiện ở các cấp cao hơn trong chính quyền Mỹ, do bà Meng là “một công dân Trung Quốc có cha là người có tầm ảnh hưởng rất lớn tại quốc gia này”.
Bradley Simon, luật sư bào chữa và là cựu công tố viên liên bang tại Brooklyn, cho biết bất kỳ động thái nào nhằm chống lại những nhân vật như bà Meng có thể liên quan tới một chuỗi chỉ thị được xem xét kỹ lưỡng tại Bộ Tư pháp Mỹ.
Việc dẫn độ từ Canada về Mỹ diễn ra như thế nào?
Canada là một trong hơn 100 quốc gia mà Mỹ ký hiệp ước dẫn độ, do vậy phải hợp tác theo đề nghị của OIA. Những hiệp ước này khác nhau theo từng loại tội phạm, trong đó một số hiệp ước loại trừ dẫn độ các nghi phạm là công dân của chính nước đó, hoặc các nghi phạm đang đối mặt với án tử hình.
Hiệp ước dẫn độ lâu năm giữa Mỹ và Canada quy định đối tượng bị dẫn độ phải là nghi phạm ở cả hai quốc gia. Hiện chưa rõ OIA đã chính thức đề nghị dẫn độ bà Meng Wanzhou về Mỹ hay chưa.
Sau khi đề nghị của OIA được tiếp nhận, một tòa án Canada phải xác định xem liệu có đủ bằng chứng xác thực để hỗ trợ dẫn độ hay không và Bộ trưởng Tư pháp Canada phải đưa ra chỉ thị chính thức.
Những quốc gia không có hiệp ước dẫn độ quy định ra sao?
Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình cùng các quan chức dự tiệc tối kết hợp làm việc tại Argentina ngày 1/12 - ngày bà Meng Wanzhou bị bắt giữ. (Ảnh: Reuters) |
Trung Quốc, Nga và Ả rập Xê út là 3 trong số các nước không có hiệp ước dẫn độ với Mỹ. Nếu một nghi phạm Mỹ muốn dẫn độ lưu trú tại trong số các nước trên, một phương án OIA có thể lựa chọn là liên hệ với Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol) để phát hành “thông báo đỏ”, trong đó yêu cầu một lệnh bắt giữ khẩn cấp đối với nghi phạm.
Thông báo đỏ thường không được công khai, nhưng một cá nhân có thể bị bắt trên cơ sở thông báo đỏ ngay sau khi người đó đặt chân tới đường biên giới hoặc tại sân bay ở một nước thứ ba có hiệp ước dẫn độ với Mỹ.
Giám đốc tài chính Huawei bị bắt tại sân bay ở Vancouver, song Reuters chưa thể xác nhận liệu Canada có bắt giữ bà Meng theo thông báo đỏ của Interpol hay không.
Bà Meng có thể chống lại việc dẫn độ về Mỹ không?
Các đề nghị dẫn độ của OIA thường khác nhau theo từng hiệp ước, nhưng nhìn chung đều yêu cầu giới chức Mỹ phải cung cấp các tài liệu về bản chất của cáo buộc cũng như bằng chứng liên quan.
Các nghi phạm thông thường sẽ phản đối việc bị dẫn độ dựa trên lý lẽ rằng quyền lợi của họ tại quốc gia bắt giữ bị xâm phạm khi họ bị đưa tới quốc gia yêu cầu dẫn độ để đối mặt với các thủ tục pháp lý. Một số trường hợp phản đối việc dẫn độ kéo dài tới vài tháng, thậm chí vài năm.
Vấn đề chính trị có liên quan tới vụ bắt giữ bà Meng không?
Canada bắt giữ bà Meng Wanzhou đúng vào thời điểm diễn ra các cuộc đàm phán thương mại giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tại Argentina hồi cuối tháng trước. Do vậy, một số nhà quan sát đã đưa ra nhận định về khả năng có động cơ chính trị phía sau động thái này của Canada - Mỹ.
Một quan chức Nhà Trắng hôm 6/12 nói rằng Tổng thống Trump không hay biết về yêu cầu dẫn độ bà Meng Wanzhou khi ông gặp Chủ tịch Tập Cận Bình trong bữa tiệc tối ở Argentina, đúng vào ngày giám đốc tài chính Huawei bị bắt.
Luật sư Bradley Simon cho biết Tổng thống Trump không có thẩm quyền để ra lệnh truy tố đối với bất kỳ cá nhân nào. Bất kỳ hành động nào chống lại bà Meng cần phải được xem xét ở “nhiều cấp độ” trong Bộ Tư pháp Mỹ trước khi được tiến hành.
Theo luật sư Simon, vụ bắt giữ giám đốc tài chính Huawei khi bà đang quá cảnh tại Canada dường như là một sự tình cờ để chớp lấy cơ hội, hơn là một hành động có tính toán từ trước. Tuy vậy, ông Simon cũng cho rằng có khả năng Bộ Tư pháp Mỹ đã tham vấn Nhà Trắng về thời điểm bắt giữ bà Meng do những lo ngại về chính trị hoặc tính nhạy cảm của vụ việc.