Thay thế thỏa thuận trị giá 1.200 tỷ USD
Theo BBC, bản thỏa thuận tay ba giữa Mỹ, Mexico và Canada (USMCA) được cho là có liên quan trực tiếp đến việc chính phủ Mỹ đang tìm cách tiếp cận thị trường sữa của Canada, đồng thời giới hạn xuất khẩu lượng xe hơi của nước này sang thị trường Mỹ. Tuy nhiên, bản tuyên bố chung giữa đôi bên sau khi kí kết thỏa thuận hiện không đưa thông tin chi tiết.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Canada Minister Justin Trudeau (Ảnh: Kevin Lamarque/Reuters) |
Trước đó, giới quan sát cho hay, Tổng thống Mỹ Donald Trump từ lâu đã tìm cách thay đổi Hiệp định Nafta, vốn chi phối hơn 1 ngàn tỷ USD (tương đương 767 tỷ bảng) trong giao dịch thương mại. "Hôm nay, Canada và Mỹ đã đạt được thỏa thuận, cùng với Mexico về một thỏa thuận thương mại mới, hiện đại cho thế kỷ 21. Đó là bản hiệp định ba bên Mỹ-Canada và Mexico”, đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Ngoại trưởng Canada, Chrystia Freeland đồng tuyên bố.
Theo đó, hiệp định mới "sẽ tạo ra cho công nhân, nông dân và doanh nghiệp một thỏa thuận thương mại tiêu chuẩn cao, mang lại thị trường tự do hơn, thương mại công bằng hơn và tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ hơn cho toàn khu vực". Đây là kết quả của Mỹ sau một cuộc chiến đấu nỗ lực trong vấn đề thương mại trên nhiều mặt trận, kéo dài từ đầu năm tới nay, bao gồm cả việc áp đặt hạn ngạch nhập khẩu đối với sản phẩm thép và nhôm từ Mexico và Canada.
Thỏa thuận mới có gì mới?
Trong khi các chi tiết chính xác của bản thỏa thuận chưa được công bố, thì theo các nguồn tin hiệp định mới này dự kiến sẽ bao hàm các quy định chính về ngành công nghiệp sữa của Canada và vấn đề xuất khẩu xe hơi sang Mỹ.
Theo Reuters, ước tính nông dân Mỹ sẽ tiếp cận khoảng 3,5% thị trường sữa của Canada. Trong khi đó, phía Canada cũng loan báo sẽ bảo đảm một số biện pháp bảo hộ cho ngành công nghiệp xe hơi của mình, chống lại các mức thuế tiềm năng của Mỹ. Tuy nhiên, các lệnh áp thuế của Mỹ đối với thép và nhôm sẽ vẫn tồn tại.
Theo Bloomberg, trước đó hồi tháng Tám, Mỹ đã ký một thỏa thuận với Mexico, nhưng quan hệ giao thương giữa Mỹ và Canada bất ngờ trở nên căng thẳng cho tới những tuần gần đây. Mãi cho tới hôm Chủ nhật (30/9), chính quyền của ông Trump mới thiết lập hạn chót để Canada tiến đến một thỏa thuận.
Giới quan sát nhìn nhận, các chính sách bảo hộ dưới thời ông Trump đều cho thấy Mỹ luôn ưu tiên các giao dịch thương mại đơn phương và từ chối các hiệp định đa phương, đặt ra thách thức hàng thập kỷ đối với thương mại tự do toàn cầu. Và một phần của chính sách này, chính là cuộc chiến thương mại hiện nay của Mỹ đối với Trung Quốc, được cho đã làm tổn thương các công ty và có thể làm sụt giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu .
Bản thỏa thuận mới USMCA được thiết lập sau 13 tháng đàm phán giữa ba bên. Theo AFP, trong quá trình thương thảo có những lúc phải dừng lại đột ngột vì bế tắc, tưởng như không bao giờ đạt được tiếng nói chung. Và đã hơn một lần Tổng thống Donald Trump lớn tiếng, đe dọa sẽ xé nát bản hiệp định Nafta, hoặc “bỏ mặc Canada trong giá lạnh”, sau khi Mỹ đã đạt được thỏa thuận song phương với Mexico hồi tháng Tám.
Thậm chí, quan hệ giữa các nhà lãnh đạo Mỹ và Canada có lúc ví như “đá va vào nhau” trong quá trình đàm phán bế tắc. Chính vì vậy, việc đạt được thỏa thuận hôm nay được ví như là một chiếc “phao cứu trợ” cho nhiều ngành công nghiệp ở cả Mỹ và Canada, vốn phụ thuộc vào Nafta và họ luôn sống trong nơm nớp lo âu kể từ khi các cuộc đàm phán bắt đầu.
Theo lịch trình, Quốc hội Mỹ sẽ có 60 ngày để phê chuẩn hiệp định sửa đổi này, trước khi Tổng thống Donald Trump ký ban hành. Trong thời gian này, Quốc hội có thể đề xuất thay đổi. |