| Hotline: 0983.970.780

Nậm Chảy thoát cảnh có gì ăn nấy

Thứ Ba 08/09/2020 , 06:35 (GMT+7)

Có cái ăn, cái mặc đảm bảo những người dân biên giới ở Nậm Chảy (huyện Mường Khương, Lào Cai) gắn bó hơn với mảnh đất này.

Đàn gà được người dân Nậm Chảy chăm sóc cẩn thận để mong chúng cho những quả trứng mỗi ngày. Ảnh: H.Đ.

Đàn gà được người dân Nậm Chảy chăm sóc cẩn thận để mong chúng cho những quả trứng mỗi ngày. Ảnh: H.Đ.

“Ở đây vẫn sống như thế mà”

Những năm trước đây, vào Nậm Chảy phải mất tới nửa ngày, đường sá đi lại rất khó khăn, nhiều thôn còn chưa có điện lưới. Giờ đây vào Nậm Chảy, cả 8km đường trục liên xã đã được rải nhựa, đường bê tông tới tận những ngõ ngách ở thôn, tới từng bản, không còn cảnh đường bùn đất lấy lội.

Ông Lùng Văn Sơn - Trưởng thôn Nậm Chảy (xã Nậm Chảy) cho biết, khi cấp uỷ, chính quyền tuyên truyền, vận động, bà con sẵn sàng đóng góp ngày công, vật chất, hiến đất để xây dựng nông thôn mới theo phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm. Và cũng chính bà con là người thụ hưởng những thành quả này nên hầu như ai cũng sẵn lòng để Nậm Chảy sạch hơn, đẹp hơn... Cũng có hộ thoát nghèo vươn lên làm giàu từ mảnh đất này nhưng cũng có hộ còn nghèo khó lắm.

Ở đây, người dân không đến mức thiếu đói nhưng nếp sinh hoạt có gì ăn nấy, cơm rau qua ngày khiến cả người lớn trong độ tuổi lao động cũng như trẻ nhỏ còi cọc do ăn không đảm bảo dinh dưỡng.

Gia đình ông Phùng Văn Kim (thôn Nậm Chảy) bao năm vẫn sống trong căn nhà gỗ ọp ẹp. Trong nhà mà cứ như ngoài sân bởi chi chít các khe hở do gỗ cong vênh, mùa hè thì oi nóng còn mùa đông thì lạnh chẳng biết tránh đâu cho hết.

Ông Kim cho biết, nhà tôi có 5 khẩu, 3 người lớn làm chính mà vẫn chẳng đủ nên là cứ có gì ăn nấy, cơm rau là chính, chúng nó vẫn lớn đấy thôi. Còn thịt lợn ngày lễ mới đụng một con chứ lấy tiền đâu đi chợ, mà chợ cũng xa, phải ra tận thị trấn.

Cũng như những hộ khác, ở Nậm Chảy bà con còn quan niệm việc ăn uống khá đơn giản, tự cung tự cấp nên hầu như không nghĩ đến phải cải thiện bữa ăn cho gia đình, kể cả hộ có trẻ nhỏ.

Gia đình chị Lù Thị Hợi thuộc diện hộ nghèo, chưa cần vào đến cửa nhà cũng đã thấy gia cảnh nhà chị khó khăn tới mức nào, nhưng đó cũng không phải điều gì quá lạ lẫm gì ở Nậm Chảy. Chị Hợi bế đứa con nhỏ trên tay, cháu đã 2 tuổi nhưng có vẻ ngoài còi cọc.

Chị Hợi cho biết, đợt này dịch bệnh, không đi làm thuê được nên ở nhà cả, có ít thóc cứ ăn dần thế thôi, ở đây vẫn sống như thế mà.

Chính quan niệm trên của những người dân và một phần do kinh tế gia đình khó khăn, sinh hoạt bằng tự cung tự cấp nên bữa ăn hầu như không được người dân Nậm Chảy quan tâm, chú trọng.

Bà Phạm Thị Hương - Phó Trưởng trạm y tế xã Nậm Chảy cho biết, tỷ lệ các bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ đạt 100% đến đủ 6 tháng tuổi. Tuy nhiên từ sau 6 tháng tuổi các bà mẹ thường cho con ăn bổ sung bằng cơm do cha mẹ ăn gì thì nhai mớm cho con ăn cái đó. Khi các con ốm thì việc chăm sóc ăn uống của các bé 100% là như bình thường vì không có điều kiện để chăm tốt hơn.

Ngoài ra, người dân thiếu kiến thức về dinh dưỡng và giữ thói quen sinh hoạt tự cung tự cấp nên người lớn ăn như thế nào thì trẻ nhỏ cũng ăn như vậy. Do đó, có tình trạng trẻ em bị thiếu cân, thấp còi… Trước thực tế này, cán bộ y tế xã tích cực tuyên truyền, vận động bà con sử dụng đất vườn quanh nhà để trồng rau xanh, chăn nuôi thêm con gà, con vịt… cải thiện dinh dưỡng bữa ăn.

Chỉ 1 - 2 tháng tới những con gà này sẽ cho trứng, giúp người dân ở Nậm Chảy cải thiện bữa ăn hàng ngày. Ảnh: H.Đ.

Chỉ 1 - 2 tháng tới những con gà này sẽ cho trứng, giúp người dân ở Nậm Chảy cải thiện bữa ăn hàng ngày. Ảnh: H.Đ.

Nậm Chảy là xã vùng cao của huyện Mường Khương, chủ yếu là người dân tộc Mông sinh sống. Do điều kiện kinh tế khó khăn và nhận thức của người dân còn hạn chế nên tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi của trẻ em xã này chiếm tới 17,4 %.

Cải thiện bữa ăn… từ quả trứng

“Năm nay là khó khăn, ở đây thời tiết thất thường, mới đầu năm đã mưa đá, gió lốc, rồi dịch tả lợn Châu Phi khiến lợn trong thôn chết hàng loạt. Covid-19 cũng ảnh hưởng nặng nề đến đời sống, thu nhập của nhân dân. Nói thế không phải để chúng tôi kể khó, vì có nhiều chương trình của nhà nước hỗ trợ người dân lắm”, ông Sơn trưởng thôn nói.

Cách đây gần 1 tháng, những hộ nghèo, hộ cận nghèo thôn Nậm Chảy (xã Nậm Chảy) được cấp gà nuôi lấy trứng nhằm cải thiện chất lượng dinh dưỡng cho các hộ gia đình.

Ông Giàng Chúng Dế - Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Chảy cho biết, Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT) thông qua Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Lào Cai cấp phát gà cho các hộ dân nuôi để hàng ngày có trứng gà, cải thiện bữa ăn của họ.

Các hộ này được hướng dẫn chăn nuôi gà và trồng  rau xanh ở nhiều gia đình nhằm góp phần cung cấp thực phẩm bổ sung, nâng cao chất lượng bữa ăn của các gia đình, góp phần đảm bảo sức khoẻ nhân dân…

Sau khi khảo sát thực tế 13 thôn trên địa bàn xã Nậm Chảy, chương trình đã chọn triển khai ở thôn Nậm Chảy cho 25 hộ có kinh tế đặc biệt khó khăn. Ở những thôn bản khác cũng còn nhiều hộ nghèo nhưng trước mắt thí điểm tại nơi khó khăn nhất, khi có hiệu quả có thể triển khai ở diện rộng để giúp đỡ được nhiều hộ hơn.

Theo đó, mỗi hộ được cấp phát 40 con gà ri lai với mục tiêu cho trứng gà để họ ăn hàng ngày. Tổng số gà được phát là 1.000, trị giá hơn 100 triệu đồng…

Là một trong những hộ nhận được gà, bà Nùng Tà Lờ (thôn Nậm Chảy) phấn khởi chia sẻ, gà được cấp phát con nào cũng to khoẻ, chắc khoảng 1 - 2 tháng nữa là cho trứng thôi. Với gần 40 con gà thì cả 6 người trong nhà thoải mái ăn, ăn không hết còn đem bán được ý chứ …

Gia đình chị Hồ Thị Sen cũng chưa khi nào có được đàn gà lớn như vậy. Với 7 người trong độ tuổi lao động, lo cho bữa ăn hàng ngày cũng là một gánh nặng khi kinh tế gia đình phụ thuộc vào cây ngô, cây lúa… Vì vậy, số gà trên sẽ giúp gia đình mỗi ngày có trứng gà để ăn, bổ sung đạm cho cả nhà.

Ông Giàng Chúng Dế cho biết thêm, gà phát cho những hộ dân đều được tiêm phòng dịch bệnh từ trước và là gà đã trưởng thành, cơ bản phù hợp khí hậu của địa phương cũng như điều kiện chăn thả, thói quen của người dân. Vì vậy, những con gà này kỳ vọng sẽ đạt được mục tiêu nâng cao chất lượng dinh dưỡng cho người đặc biệt là dinh dưỡng cho trẻ nhỏ…

“Sau khi bàn giao gà cho các hộ dân, chúng tôi giao cho cán bộ khuyến nông, cán bộ ở thôn bản hướng dẫn bà con xây hoặc dựng chuồng trại, hướng dẫn kỹ thuật chăm nuôi để đảm bảo gà sinh trưởng tốt. Chúng tôi cũng giao trưởng thôn đôn đốc việc chăn nuôi gà của bà con đảm bảo gà khoẻ mạnh, với mục tiêu lấy trứng, chứ không phải để thịt gà để ăn…", ông Dế nói.

Khi được đảm bảo được dinh dưỡng hợp lý, đủ vi chất, thì trẻ em ở các thôn bản cũng như người dân trong độ tuổi lao động sẽ được đảm bảo sức khoẻ, qua đó đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực cho địa phương, góp phần phát triển kinh tế xã hội cho xã, cho huyện.

Ông Giàng Chúng Dế cho biết, 99% người dân sinh sống ở đây là đồng bào dân tộc thiểu số, việc tiếp cận kiến thức, khoa học kỹ thuật rất hạn chế nên hiệu quả về chăn nuôi và một số cây trồng chưa thực hiện theo quy trình kỹ thuật nên hiệu quả còn thấp.

Tuy nhiên, từ những chương trình như thế này không những thay đổi thói quen sinh hoạt của bà con qua từng bữa ăn hằng ngày mà còn góp phần thay đổi nhận thức của họ dân đối về dinh dưỡng, nên chương trình được người dân đón nhân và rất ủng hộ.

Xem thêm
Chuyến hải trình tháng Năm

Những ngày đầu tháng Năm, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến dẫn đầu đoàn công tác của Bộ NN-PTNT thực hiện chuyến hải trình đến với Trường Sa.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Những kiếp người sống chui: [Bài 2] Sống 'mòn' giữa lòng thành phố

Mặc dù được sống ngay giữa trung tâm thủ đô Hà Nội, nhưng không ít phận người vẫn ngày ngày phải 'ra luồn vào cúi' trong chính căn nhà của mình.

Bình luận mới nhất