| Hotline: 0983.970.780

Nam Định: Nhập lợn ông bà, phục vụ tái đàn

Chủ Nhật 31/05/2020 , 09:07 (GMT+7)

Sau nhiều tháng triển khai các giải pháp tái đàn, đến nay tỉnh Nam Định đã nuôi tái đàn được trên 80.000 con lợn. Tổng đàn lợn của tỉnh ước hiện có 627.940 con.

Lãnh đạo UBND tỉnh, Sở NN-PTNT kiểm tra công tác tái đàn lợn trên địa bàn huyện Giao Thủy. Ảnh: Mai Chiến.

Lãnh đạo UBND tỉnh, Sở NN-PTNT kiểm tra công tác tái đàn lợn trên địa bàn huyện Giao Thủy. Ảnh: Mai Chiến.

Kết quả này có được là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, từ cấp tỉnh tới các cấp cơ sở. Song, việc tái đàn trong thời gian tới vẫn còn gặp nhiều khó khăn với nhiều lí do.

Theo báo cáo của Sở NN-PTNT Nam Định, hiện nay, sản xuất chăn nuôi của tỉnh phát triển ổn định. Việc tái đàn lợn nuôi ở các huyện, thành phố được chính quyền quan tâm và người dân thực hiện nghiêm theo sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở NN-PTNT.

Qua khảo sát, giá thịt lợn hơi đang ở mức cao, khoảng 90.000 - 100.000đ/kg. Tuy nhiên, việc tái đàn gặp nhiều khó khăn, tốc độ tái đàn chậm.

Nguyên nhân do giá lợn giống quá cao (3 - 3,2 triệu đồng/con) và có rất ít cơ sở xuất bán con giống. Bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) mặc dù đã được kiểm soát, khống chế nhưng nguy cơ tái phát rất cao; vì vậy nhiều cơ sở chăn nuôi đã đủ điều kiện tái đàn nhưng họ vẫn thận trọng, e dè, không dám tái đàn hoặc tái đàn chỉ từ 40 - 50% so với quy mô trước khi có dịch.

Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Nam Định đã nuôi tái đàn được trên 80.000 con lợn, tổng đàn lợn của tỉnh ước hiện có 627.940 con, giảm 12,8% (-92.060 con). Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng tháng 4/2020 ước đạt 12.497 tấn, tăng 0,8% (+97 tấn) so với cùng kì năm 2019.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2020, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng ước đạt 55.863 tấn, giảm 1,7% (-962 tấn) so với cùng kì năm 2019; trọng lượng xuất chuồng bình quân đạt 85,2kg/con.

“Thời gian tới, việc tái đàn lợn vẫn còn gặp nhiều khó khăn, tốc độ tái đàn chậm và sẽ kéo dài 3 - 4 tháng nữa”, ông Ninh Văn Hiểu, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nam Định nhận định.

Ông Trần Quang Hưng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Giao Thủy cho hay, từ những tháng cuối năm 2019 cho đến nay, tình hình bệnh DTLCP trên địa bàn huyện từng bước được khống chế, các dịch bệnh nguy hiểm khác được kiểm soát chặt chẽ cùng với giá lợn hơi tăng cao nên một số hộ chăn nuôi đã thực hiện tái đàn.

Tuy nhiên, nguồn giống khan hiếm; giá giống cao; cơ sở chăn nuôi có đủ các tiêu chí cơ bản để đảm bảo thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học không nhiều, nên tỉ lệ tái đàn thấp. Toàn huyện có 185 hộ đã tái đàn với khoảng 8.000 con lợn.

“Theo số liệu thống kê, ước tính đến đầu tháng 4/2020, đàn lợn của huyện đạt 57.644 con (lợn nái 9.385 con, lợn đực giống 74 con, lợn thịt 48.185 và lợn con chưa tách mẹ 9.110 con), giảm 32,5% so với cùng kì năm 2019”, ông Hưng nói.

Hiện nay, giá lợn giống rất cao nên việc tái đàn còn chậm. Ảnh: Mai Chiến.

Hiện nay, giá lợn giống rất cao nên việc tái đàn còn chậm. Ảnh: Mai Chiến.

Trang trại của gia đình anh Nguyễn Văn Chung (xã Giao Phong, huyện Giao Thủy) mặc dù đã áp dụng các biện pháp an toàn sinh học, nhưng gia đình không chủ quan trước DTLCP. Trang trại chỉ nuôi với quy mô vừa phải, không tái đàn ồ ạt.  

Trao đổi với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định, ông Nguyễn Phùng Hoan cho biết, thời gian qua UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tái đàn lợn phải đảm bảo nguyên tắc an toàn, thận trọng.

Theo ông Hoan, tái đàn lợn để đảm bảo đàn lợn tăng trưởng nhanh, bền vững, hiệu quả và chất lượng nhưng phải kiểm soát tốt dịch bệnh. Bởi, hiện nay nhiều địa phương trên cả nước đã tái phát DTLCP trở lại.

“Đề nghị bà con tập trung phát triển chăn nuôi theo hướng chăn nuôi an toàn sinh học, bảo đảm quy mô chăn nuôi ở mức vừa phải; giữ sạch môi trường, để không bị lây nhiễm dịch bệnh”, ông Hoan đề nghị.

Vị này cho biết thêm, hiện giá lợn giống rất cao gây khó khăn cho công tác tái đàn lợn nuôi, do vậy cùng với việc nhập con giống chất lượng tại các địa phương khác, UBND tỉnh đã chỉ đạo Trung tâm giống gia súc, gia cầm tỉnh tổ chức nhập giống lợn ông, bà để nhân giống phục vụ việc phát triển chăn nuôi của tỉnh.

Trong điều kiện nguồn giống tại địa phương còn khó khăn, nhiều hộ nuôi đã chủ động lựa chọn ngay những con giống tốt trong đàn để gây giống, phục vụ việc tái đàn tại chỗ, tuy nhiên cách thức này chỉ là giải pháp trước mắt mang tính tình thế.

Về lâu dài, ngành chức năng, các địa phương cần tổ chức nhập con giống bảo đảm chất lượng, được kiểm soát dịch bệnh tại những cơ sở giống có uy tín bảo đảm các yêu cầu về tiêu chuẩn kĩ thuật.

Ông Nguyễn Trọng Tấn, Giám đốc Trung tâm giống gia súc, gia cầm tỉnh Nam Định chia sẻ, sau khi có sự chỉ đạo của UBND tỉnh, đơn vị đã làm đầy đủ thủ tục để chuẩn bị nhập 100 con lợn ông bà trong tháng 6 tới. Dự kiến, đến cuối năm, Trung tâm sẽ có lợn bố mẹ hậu bị để cung cấp cho bà con, phục vụ tái đàn.

Xem thêm
Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Dư địa lớn để Sơn La sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Với trên 210 nghìn ha trồng trọt, tỉnh Sơn La mới chỉ có hơn 51ha trồng rau trong nhà màng công nghệ cao, chiếm 0,02% tổng diện tích.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.