| Hotline: 0983.970.780

Nam Định rậm rịch tái đàn

Thứ Tư 19/02/2020 , 09:29 (GMT+7)

Đến nay, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Nam Định đã công bố hết bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP). Người dân đã và đang tái đàn trở lại sau “bão” dịch.

Nhiều trang trại nuôi lợn trên địa bàn Nam Định đã tái đàn trở lại.

Nhiều trang trại nuôi lợn trên địa bàn Nam Định đã tái đàn trở lại.

Dè dặt tái đàn

Tháng 3/2019, Nam Định phát hiện ổ DTLCP tại hộ gia đình ông Phạm Văn Kiên, xóm 9, xã Trực Thắng, huyện Trực Ninh. Số lợn phải tiêu hủy là 80 con. Thời điểm đó, Nam Định là tỉnh thứ 13 trong cả nước ghi nhận có DTLCP.

Sau khi có dịch, UBND tỉnh Nam Định đã chỉ đạo các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan tăng cường phòng chống DTLCP. Tuy nhiên, mức độ lây lan cao, chỉ sau gần 2 tháng (8/3-24/4/2019) bệnh DTLCP đã xảy ra ở 10/10 huyện, thành phố. 

Là một trong những hộ chăn nuôi lợn với quy mô lớn và bị DTLCP tấn công vào trang trại, anh Nguyễn Văn Thục (xóm 4, xã Trực Thái, huyện Trực Ninh) nhớ lại, vào khoảng tháng 4/2019, đàn lợn của nhà anh bỗng dưng bỏ ăn, ốm mệt.

Sau khi cán bộ thú y công bố kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh DTLCP, anh Thục như người “chết đứng”. Toàn bộ đàn lợn hàng trăm con buộc phải tiêu hủy, thiệt hại kinh tế gần nửa tỉ đồng. Tổng số lượng phải tiêu hủy là hơn 10 tấn.

Anh Thục cho hay, hàng năm tổng đàn lợn của trang trại luôn duy trì khoảng 500 con. Sau khi bị DTLCP tấn công, anh để trống chuồng một thời gian, tập trung vệ sinh lại chuồng trại, phun thuốc khử khuẩn, sau đó tìm hiểu thêm kiến thức về phòng chống DTLCP và tái đàn trở lại.

“Đến nay, bệnh DTLCP cơ bản đã khống chế, song vẫn không nói trước được điều gì. Gia đình tôi cũng mới tái đàn trở lại, tuy nhiên số lượng không nhiều. Tôi vừa nuôi vừa lo lắng. Bởi, DTLCP vẫn chưa có vacxin nên chỉ biết phòng chống theo khuyến cáo của Bộ NN-PTNT”, anh Thục giãi bày.

May mắn hơn anh Thục, anh Phạm Trọng Hiệp (xã Yên Phú, huyện Ý Yên) chia sẻ, trang trại của gia đình anh luôn duy trì từ 500 - 600 con. Năm 2019, DTLCP tấn công vào nhiều trang trại lợn trên địa bàn huyện Ý Yên nhưng trang trại của gia đình anh vẫn an toàn. Đàn lợn đến tuổi bán là anh xuất chuồng ngay.

Hiện DTLCP cơ bản đã được khống chế. Song, việc tái đàn trên địa bàn huyện rất dè dặt. Nhiều hộ chăn nuôi lợn sau khi bị DTLCP tấn công, đã chuyển sang nuôi gia cầm nên họ chưa muốn quay lại nghề nuôi lợn.

“Chúng tôi đã chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện nghiêm việc quản lí tái đàn lợn và báo cáo kết quả tái đàn theo văn bản chỉ đạo của UBND huyện”, ông Minh nói.

Tuy nhiên, hỏi về việc tái đàn sau khi xuất hết lứa lợn, anh Hiệp bảo, DTLCP không “tha” cho một trang trại nào, dù là trang trại lớn hay trang trại nhỏ.

Do đó, sau khi bán hết lứa lợn, anh Hiệp thu hẹp quy mô chăn nuôi. Hiện, gia đình anh đang nuôi vỏn vẹn 70 con, tính cả lợn nái lẫn lợn choai.

“Sau khi nhiều trang trại phải tiêu hủy đàn lợn vì dính DTLCP, gia đình tôi không chăn nuôi nhiều nữa. Việc tái đàn cũng cầm chừng, e dè, lo sợ chứ không ồ ạt. Vừa nuôi vừa ngó nghiêng tình hình dịch bệnh”, anh Hiệp thổ lộ.

Trực Ninh là một trong những huyện chăn nuôi lợn với tổng đàn khá cao, và đây cũng là huyện đầu tiên xuất hiện bệnh DTLCP ở tỉnh Nam Định. Sau gần một năm “chìm ngập” trong dịch, đến ngày 13/2/2020 có 100% xã, thị trấn công bố hết DTLCP.

Trưởng phòng NN-PTNT huyện Trực Ninh Phạm Quang Minh cho biết, trên địa bàn huyện chủ yếu là chăn nuôi nhỏ lẻ, chiếm 70 - 80%; còn chăn nuôi lớn (từ 100 con trở nên) có hơn 20 trang trại.

Năm 2019, toàn bộ 21/21 xã, thị trấn “dính” DTLCP. Tiêu hủy hơn 2.300 tấn thịt lợn. Thiệt hại 94,998 tỉ đồng.

Gần 200 xã, thị trấn công bố hết dịch

Theo Sở NN-PTNT Nam Định, trên địa bàn tỉnh, chăn nuôi nông hộ chiếm đa số với trên 70% tổng số hộ chăn nuôi.

Giai đoạn đầu bệnh DTLCP chủ yếu xuất hiện tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, điều kiện vệ sinh thú y và an toàn sinh học không tốt.

Song, đến cuối tháng 4/2019, dịch đã phát sinh tại các cơ sở chăn nuôi có quy mô lớn.

Vãi vôi bột xung quanh chuồng trại, đề phòng dịch bệnh.

Vãi vôi bột xung quanh chuồng trại, đề phòng dịch bệnh.

Nguyên dân do thời tiết mưa nắng xen kẽ, độ ẩm không khí cao rất thuận lợi cho các loại mầm bệnh phát triển, đồng thời gây khó khăn cho công tác tiêu độc khử trùng. Phương thức phát tán virus và lây lan bệnh đa dạng, phức tạp, khó kiểm soát; mầm bệnh có sức đề kháng rất cao với môi trường, có độc lực rất cao và đã lưu hành ở nhiều địa phương trong tỉnh.

Ông Ninh Văn Hiểu, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nam Định cho hay, bệnh DTLCP xuất hiện tại Nam Định đã gây thiệt hại lớn.

Năm 2019, tổng số lợn phải tiêu hủy là 266.070 con tại 37.707 hộ chăn nuôi lợn (lợn nái 57.966 con, lợn đực 897 con, lợn thịt 97.173 con, lợn choai 46.658 con, lợn con 63.376 con). Tổng trọng lượng phải tiêu hủy là 14.511 tấn. Tổng thiệt hại khoảng 560 tỉ đồng.

Đến ngày 6/2/2020, toàn bộ 214 xã, phường, thị trấn có bệnh DTLCP trên địa bàn tỉnh đã qua 30 ngày không phát sinh lợn ốm, chết do bệnh DTLCP. Và, đến ngày 12/2/2020 đã có 175 xã, phường, thị trấn (chiếm 81,8%) công bố hết bệnh DTLCP. Theo thống kê, kinh phí đã hỗ trợ cho người chăn nuôi sau dịch là hơn 404 tỉ đồng.

Chia sẻ về công tác tái đàn lợn trên địa bàn tỉnh, ông Hiểu bộc bạch, những tháng cuối năm 2019, tình hình bệnh DTLCP từng bước được khống chế, nhu cầu thực phẩm tăng cao vào dịp Tết Nguyên đán nên một số hộ chăn nuôi đã thực hiện tái đàn.

Tuy nhiên, nguồn giống khan hiếm; giá con giống cao từ 1,8 - 2,3 triệu đồng/con nên tỷ lệ tái đàn thấp (khoảng 35.000 con lợn). Ngành chăn nuôi tỉnh Nam Định đặt mục tiêu đến hết tháng 6/2020, tổng đàn lợn sẽ đạt 600.000 con. Để đạt được mục tiêu đó, theo ông Hiểu, Sở NN-PTNT đã ban hành nhiều văn bản gửi các huyện, thị trấn về việc hướng dẫn, quản lí tái đàn trên địa bàn.

Theo đó, việc thực hiện nuôi tái đàn phải thận trọng, đảm bảo an toàn, có sự kiểm soát chặt chẽ của chính quyền, thú y và người chăn nuôi, có lộ trình phù hợp với từng cơ sở chăn nuôi, từng địa phương.

Chỉ thực hiện tái đàn ở những xã, thị trấn đã công bố hết bệnh DTLCP. Và, các cơ sở chăn nuôi phải thực hiện đầy đủ các biện pháp kỹ thuật về an toàn sinh học. Ngoài ra, phải thực hiện tổng về sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại và khu vực chăn nuôi ít nhất 1 tuần trước khi nhập lợn vào nuôi.

Khi xảy ra dịch bệnh, chủ cơ sở phải báo ngay cho chính quyền địa phương. Không bán chạy, không giết mổ, không vứt xác lợn ra môi trường…

Bên cạnh đó, trong vòng 5 ngày, tính từ ngày nhập đàn, chủ cơ sở chăn nuôi phải thông báo về số lượng, chủng loại lợn thực tế đã nhập về cơ sở với UBND cấp xã.

“Sau khi nhập lợn vào nuôi được 30 ngày, chủ cơ sở cần thực hiện lấy mẫu xét nghiệm, nếu tất cả các mẫu xét nghiệm đều âm tính với bệnh DTLCP, khi đó mới nuôi tái đàn với số lượng bằng 100% tổng số lợn có thể nuôi tại cơ sở”, ông Hiểu khuyến cáo.

Xem thêm
Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Nông dân lo lắng vì giá lúa đông xuân sớm giảm mạnh

ĐBSCL Hiện một số nơi tại ĐBSCL đang vào vụ thu hoạch lúa đông xuân sớm nhưng giá lúa giảm từ 2.000 - 2.400 đồng/kg so với cùng kỳ.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.

Bình luận mới nhất