| Hotline: 0983.970.780

Nam Giang chú trọng phát triển sản xuất

Thứ Hai 14/03/2022 , 08:51 (GMT+7)

Những tín hiệu tích cực từ các mô hình sản xuất nông nghiệp là tiền đề để người dân địa phương nâng cao hiệu quả sản xuất góp phần xây dựng nông thôn mới (NTM).

Cơ sở hạ tầng ở huyện Nam Giang được đầu tư đồng bộ. Ảnh: CTV.

Cơ sở hạ tầng ở huyện Nam Giang được đầu tư đồng bộ. Ảnh: CTV.

Nam Giang là huyện miền núi đặc biệt khó khăn của tỉnh Quảng Nam với 85% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Từ thời điểm bắt đầu triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nNTM vào năm 2010, địa phương này đã có những chuyển biến rõ rệt về nhiều mặt.

Mặc dù đến nay, Nam Giang vẫn chưa có xã nào được công nhận đạt chuẩn nhưng so sánh với thời điểm xuất phát rồi qua từng năm, mỗi tiêu chí được tăng thêm đã cho thấy sự nỗ lực vượt khó của chính quyền địa phương cũng như người dân trong huyện.

Theo phòng NN-PTNT huyện Nam Giang, thống kê mới nhất, số tiêu chí đạt xã NTM trên địa bàn huyện là 129 tiêu chí (trung bình 11,72 tiêu chí/xã). Trong đó, cao nhất là xã Tà Bhing đạt 16/19 tiêu chí và thấp nhất là 4 xã mới chỉ đạt 9/19 tiêu chí là Đắc Pre, Đắc Pring, La Êê đạt 09/19 và Chơ Chun.

Ông Hồ Văn Luyến, Phó phòng NN-PTNT huyện Nam Giang chia sẻ, trong những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của cấp ngành từ tỉnh đến huyện cùng với các nguồn vốn từ Trung ương và địa phương, huyện Nam Giang đã có sự thay đổi rõ rệt. Trong đó, cơ sở vật chất, hạ tầng ở một số xã dần được đầu tư đồng bộ.

“Chỉ còn một số xã ở khu vực biên giới do điều kiện giao thông đi lại còn khó khăn nên một số tiêu chí cứng vẫn chưa thể đáp ứng. Tuy nhiên, trong khoảng 3 năm tới thì các tiêu chí này cơ bản sẽ đạt được. Khó nhất của huyện hiện nay là việc phát triển sản xuất, giúp người dân thoát nghèo.

Người dân vẫn chủ yếu canh tác theo tập quán cũ, hiệu quả thấp và tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Những năm qua, huyện cũng đã tập trung vào thực hiện các mô hình kinh tế vườn và chăn nuôi nhưng vẫn chưa đủ thời gian để đánh giá hiệu quả. Nhìn chung, để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân là một quá trình dài, không thể thực hiện được trong ngày 1 ngày 2”, ông Luyến nói.

Các mô hình trồng cây ăn quả đang mở ra triển vọng nâng cao thu nhập cho người dân Nam Giang. Ảnh: CTV.

Các mô hình trồng cây ăn quả đang mở ra triển vọng nâng cao thu nhập cho người dân Nam Giang. Ảnh: CTV.

Ban chỉ đạo xây dựng NTM huyện Nam Giang thông tin thêm, hiện nay việc xây dựng NTM ở trên địa bàn cũng đang gặp một số khó khăn. Trong đó có thể kể đến như: Văn bản xây dựng NTM rất nhiều, trong khi đó, việc cập nhật, xử lý văn bản mới ở một số địa phương còn chậm. UBND các xã chủ yếu tập trung vào xây dựng cơ sở hạ tầng, chưa quan tâm đúng mức đến việc thực hiện các tiêu chí còn lại trong bộ tiêu chí quốc gia về NTM.

Ngoài ra, chất lượng công tác quy hoạch NTM của các xã còn thấp, địa phương và đơn vị tư vấn chưa đạt được sự thống nhất tại một số điểm trong quy hoạch; công tác đào tạo nghề chưa gắn với nhu cầu thực tế của người dân; việc đầu tư các mô hình sản xuất chưa được đánh giá nghiêm túc về hiệu quả để làm cơ sở nhân rộng trên địa bàn huyện…

Trước những tồn tại đang gặp phải, trong giai đoạn tiếp theo, huyện Nam Giang đã có những định hướng để khắc phục nhằm tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa. Trong đó, địa phương đặc biệt chú trọng đến mục tiêu phát triển sản xuất, nâng cao đời sống người dân, giảm dần tỷ lệ hộ nghèo.

Ông Nguyễn Đăng Chương, Phó chủ tịch UBND huyện Nam Giang cho biết, nhằm định hướng cho việc phát triển sản xuất tại địa phương, trong 2 năm gần đây, huyện Nam Giang đã ban hành đề án phát triển cây ăn quả. Đến hiện tại đã lựa chọn được 2 loại cây phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương là cây cam Vinh và bưởi da xanh. Mô hình trồng 2 loại cây này đã thực hiện ở hầu hết các xã với diện tích trên 100ha.

“Các mô hình này mới trồng được khoảng 2 – 3 năm, chưa có kết quả thu hoạch nhưng nhìn chung đang phát triển rất tốt. Ngoài ra, tại xã Cà Dy cũng đang triển khai mô hình trồng cây chuối tiêu hồng với diện tích 2ha từ nguồn kinh phí NTM hiện nay đã trổ buồng. Thời gian tới, sau khi thu hoạch chúng tôi sẽ đánh giá về hiệu quả làm cơ sở để nhân rộng các mô hình, giúp người dân phát triển kinh tế”, ông Chương nói.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Hà Nội có hơn 2.700 sản phẩm OCOP, nhiều nhất cả nước

Tính đến tháng 4/2024, 63 tỉnh/thành trên phạm vi toàn quốc đã đánh giá, phân hạng được 12.075 sản phẩm OCOP, trong đó Hà Nội có 2.711 sản phẩm, chiếm số lượng nhiều nhất.