Rùa quý được rao bán tràn lan trên mạng
Tình trạng buôn bán rùa quý hiến tuy không mới nhưng chưa bao giờ hết 'nóng', thậm chí ngày càng nhức nhối hơn khi những hành vi trái pháp luật có dấu hiệu gia tăng trở lại trên các nền tảng mạng xã hội. Bởi các đối tượng có thể kiếm được lợi nhuận “khủng” từ công việc này.
Theo bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV), trong hai năm trở lại đây, các vi phạm về mua, bán rùa trên mạng xã hội đang gia tăng đáng báo động. Lợi dụng khả năng dễ dàng tiếp cận người mua và che giấu danh tính, nhiều đối tượng thường xuyên rao bán rùa quý hiếm trên không gian mạng.
Trong vai người có nhu cầu tìm mua các loại rùa quý hiếm, phóng viên chỉ cần tìm kiếm cụm từ “tìm rùa nuôi” trên mạng xã hội Facebook, hàng chục nhóm kín sẽ hiện ra với đủ tên gọi như “Thế Giới Rùa Cảnh”, “Nuôi Rùa Cạn Cảnh Việt Nam”, “Cộng Đồng Rùa Nước Việt Nam”,… Tất cả đều sở hữu từ vài chục đến vài trăm nghìn thành viên hoạt động sôi nổi mỗi ngày.
Tại đây, từ những loại rùa cạn phổ biến như rùa tai đỏ, rùa cá sấu, cho đến một số loại rùa nguy cấp, quý hiếm như rùa núi vàng, rùa hộp ba vạch, rùa hộp trán vàng, rùa răng, rùa đất lớn, rùa mũi lợn được rao bán hằng ngày.
Sau nhiều ngày làm quen tương tác với các chủ tài khoản đăng bài trên hội nhóm kín, phóng viên đã liên hệ với chủ tài khoản Facebook có tên Tr.C.A sống tại Con Cuông, Nghệ An để giả vờ đặt mua rùa núi vàng với giá từ 1 triệu đến 1,2 triệu đồng/con mà đối tượng này giao bán.
Với những lời chào hàng quen thuộc như: Rùa này là rùa của nhà, người mua không phải suy nghĩ về các loại giấy tờ. Loài này dễ nuôi nhất trong các loại rùa cạn. Anh đặt bao nhiêu nhà em cũng đều có, hàng của nhà nên lúc nào cũng sẵn.
Thực tế, việc kiểm chứng nguồn gốc của rùa trước khi đặt mua trên mạng là gần như không thể. Bởi khi có nhu cầu tìm mua, người bán cũng không đưa ra giấy tờ hợp pháp cho người mua xem. Thậm chí, nhiều trường hợp khi vận chuyển còn phải ngụy trang dưới dạng đồ trang sức, mỹ phẩm, nhằm tránh tai mắt của cơ quan chức năng.
Điều đặc biệt, trong các hội nhóm kín này luôn tồn tại những quy định ngầm... Chẳng hạn như khi đăng bài, tuyệt đối không được sử dụng những từ như mua và bán, giá và tên loài rùa. Thay vào đó, những thành viên sẽ phải thay đổi sang các từ ngữ quy ước khác. Cụ thể hình bông lúa để thay cho giá tiền, từ "bay" thay cho "đã bán".
Hễ ai vi phạm, là lập tức sẽ bị Addmin xóa bài, nặng hơn thì bị đưa ra khỏi nhóm. Sở dĩ các hội nhóm mua bán rùa phải sử dụng quy tắc ngầm là để tránh vi phạm chính sách của Facebook, hạn chế nguy cơ bị xoá nhóm. Vì chính sách thương mại của mạng xã hội này hiện không cho phép buôn bán động vật hoang dã, kể cả trong các hội nhóm mua và bán. Nhờ sự tinh vi và khéo léo trong cách vận hành nhóm của Addmin mà chợ ảo mua bán rùa được duy trì với đông đảo thành viên tham gia.
Chợ ảo - rùa thật
Chợ ảo này không chỉ tồn tại với mục đích chia sẻ hiểu biết, kinh nghiệm nuôi rùa mà còn trở thành nơi để giao dịch rùa giữa các thành viên, nhằm qua mắt cơ quan chức năng. Dù chỉ tồn tại trên không gian mạng, mỗi ngày các hội nhóm kín này có đến hàng chục cuộc giao dịch được chốt đơn thành công.
Chỉ cần bỏ ra số tiền từ vài trăm cho đến vài triệu đồng, là người mua có thể sở hữu ngay một con rùa ưa thích, kể cả những loại nằm trong danh mục quý hiếm, nguy cấp.
Các bài viết về giống rùa nước được đăng bán nhiều hơn bởi mức giá rẻ, dễ nuôi, nhiều người săn đón. Như rùa mai vàng có giá từ khoảng 400.000 đồng đến 600.000 đồng/con, kích thước từ 7-8cm. Một số loại rùa nước cỡ nhỏ cũng được bán với giá từ 2 triệu đến 2,5 triệu đồng/con tùy kích thước như rùa cá sấu.
Đối với một số loại rùa quý hiếm thường sẽ có giá cao như rùa núi vàng, giá từ 600.000 - 900.000 đồng/con. Rùa đất lớn có giá từ 400.000 đồng/con size nhỏ. Có những loại rùa cỡ lớn thuộc hàng quý hiếm, mức giá có thể lên tới vài chục triệu đồng một con. Mặc dù đắt nhưng những loại rùa này luôn được người mua săn đón với mong muốn chúng có thể sinh sản, đem nuôi rồi bán lại kiếm lời.
Sau nhiều ngày theo dõi hoạt động mua bán rùa trên các hội nhóm kín, rất nhiều câu chuyện dở khóc dở cười trong các hội nhóm này, bởi không phải ai cũng may mắn mua được rùa thật. Nhiều đối tượng đã bắt người mua phải chuyển khoản trước một khoản tiền nhất định sau đó mới lên đơn để ship. Sau nhiều ngày chờ không thấy rùa, nhiều người đã viết bài đăng lên để cảnh báo cho các thành viên trong nhóm.
Chưa khi nào mà nhiều loại rùa quý hiếm lại được buôn bán công khai như bây giờ. Trong khi muốn được nuôi các loại rùa quý hiếm vì mục đích thương mại thì bản thân trang trại cũng như người cung cấp, bán rùa phải được cấp phép, có đăng ký mã số cơ sở nuôi, trồng các loài động vật hoang dã nguy cấp với cơ quan quản lý CITES cho từng cá thể rùa.
Các đối tượng buôn bán rùa đã lợi dụng những ưu điểm của mạng xã hội để trao đổi, giao dịch, đe dọa đến sự đa dạng sinh học của loài vật này. Mạng xã hội Facebook có các ưu điểm như giao dịch không trực tiếp, khả năng kết nối từ xa, ẩn danh tính đã và đang trở thành một chợ buôn bán 4.0 cho việc trao đổi, giao dịch các loài rùa quý hiếm. Và chợ ảo này đã thành chợ buôn bán rùa thật.
Mỗi ngày qua đi không thể đếm hết có bao nhiêu con rùa quý hiếm được quảng cáo buôn bán trên mạng xã hội và được đưa đến tay người tiêu thụ. Đã đến lúc cơ quan chức năng có liên quan cần mạnh tay hơn nữa, áp dụng các quy định của pháp luật để xử lý hành vi mua, bán rùa thật sự hiệu quả.