| Hotline: 0983.970.780

Nạn vàng tặc tại Bồng Miêu bao giờ mới kết?

Thứ Năm 09/05/2013 , 11:09 (GMT+7)

Tình trạng vàng tặc lộng hành ở địa phương này đã lâu, thậm chí vàng tặc còn xông vào Cty cướp quặng, cày xới các khu vực ngoài tầm kiểm soát của Cty Bồng Miêu.

Tại khu vực mỏ vàng Bồng Miêu - ngoài khu vực khai khoáng của Cty TNHH khai thác vàng Bồng Miêu (Cty Bồng Miêu), sau khi Công an huyện Phú Ninh (Quảng Nam) mở đợt truy quét 3 ngày phá hủy hơn 40 máy nổ, dàn máy phát điện Đinamo, máy nghiền đá các loại; thu giữ trên 3.000 m dây dẫn nước; tháo dỡ và tiêu hủy gần 50 lán trại dựng tại các khu vực trái phép; đuổi hơn 100 đối tượng khai thác vàng trái phép ra khỏi khu vực Thác Trắng - Hầm Hô, Núi Kẽm,... tưởng nạn vàng tặc tạm lắng xuống không ngờ mới đây lại xảy ra việc 3 phu vàng tử nạn dưới hầm sâu.

Tình trạng vàng tặc lộng hành ở địa phương này đã lâu, thậm chí vàng tặc còn xông vào Cty cướp quặng, cày xới các khu vực ngoài tầm kiểm soát của Cty Bồng Miêu. Rõ ràng với lực lượng bảo vệ khoảng 100 người đang ngày đêm làm nhiệm vụ ở các khu vực thuộc quyền quản lý của Cty Bồng Miêu thì họ không thể quản ngoài khu vực của mình được mà trách nhiệm là thuộc về chính quyền địa phương.

Thời gian qua không chỉ ở Thác Trắng - Hầm Hô có đến hàng trăm phu vàng khai thác trái phép mà tại các nơi khác như khu vực Đồi Sim và trên các hầm lò số 10, số 7,... vàng tặc tự nhiên như chốn không người.

Lực lượng chức năng đã tổ chức không biết bao nhiêu lần đẩy, đuổi nhưng rồi lực lượng này rút đi thì đâu lại vào đây. Thật đáng lo ngại như khu vực Núi  Kẽm đã được khai thác từ thời Pháp, tàng tích để lại rất nguy hiểm do có khí độc, đá rơi, sập hầm, mìn sót lại, hệ thống chèn chống mục nát,... trong khi đó đêm ngày có hàng trăm người chui vào đây khai thác quặng trái phép. Vì vậy, việc bảo vệ và giữ được tốt an ninh trong lò là rất khó khăn.


Những cái chết đua lòng đã xảy ra với vàng tặc

Mới đây trong một chuyến đột nhập vào các hang động trong hệ thống hầm lo tại các khu vực thời Pháp khai thác vàng để lại ở Bồng Miêu, chứng kiến cảnh làm vàng trong chốn hiểm nguy này chúng tôi không khỏi lo sợ. Như tại các hầm lò đi vào hệ thống hang động, Cty Bồng Miêu đã cho đánh sập thế nhưng vàng tặc manh động cho đào khoét mở đường để đột nhập vào khai thác quặng.

Khi được người dẫn đường đưa vào các hang động này chúng tôi không khỏi kinh sợ. Đường hầm dài hun hút tối đen, ban ngày cũng phải bật đèn pin để dò đường. Thế nhưng vàng tặc hiển hiện khắp nơi. Mỗi người một ba lô, đèn pin, đục, búa họ lầm lũi bước đi và tìm nơi quặng có vàng để đục, cõng.

Người dẫn đường giải thích, các tuyến hang động này đa số là do người Pháp tổ chức khai thác vàng trước đây hình thành nên. Có tuyến dài hàng chục km và hàng trăm tuyến ăn ngang, dọc với nhau như một ma trận. Nếu không quen đường khi đã vào đây là không có lối ra. Càng đi vào bên trong hang động càng xuống sâu nhiều chỗ đến lạnh người. Lắm chỗ đá quặng lởm chởm, hang động nứt nẻ, dấu vết những tảng đá nghìn tấn rơi xuống nền vẫn đầy rẫy trong các tuyến động.

Bất chấp hiểm nguy, phu vàng ngày đêm cứ đục quặng. Nhiều nơi hang động chật và thấp lại, chúng tôi phải bò cả đoạn đường dài. Những nơi như Hội trường Barit độ rộng lên đến trên nghìn mét vuông và chiều cao hàng chục mét. Hang động nứt nẻ khắp nơi, nguy cơ sập xuống bất cư lúc nào. Nhưng bất chấp hiểm nguy, ở bất cứ nơi đâu cũng đều thấy có phu vàng đua nhau đi tìm quặng vàng. Thậm chí nhiều nơi phu vàng đem cả máy nghiền, máy nổ xuống tận đây thuê người khai thác quặng, ăn ở tại chỗ xay, tuyển vàng.

Lân la làm quan một phu vàng, anh này cho biết tên là Dũng. “Mình đi đơn lẻ vào đánh được cõng nào là cõng ra ngay cõng đó để bán. Có lúc trúng mánh thì kiếm đến cả triệu, ít thì vài trăm. Nhưng phải có kinh nghiệm, phải biết chỗ nào quặng có vàng chứ không thì cũng công cốc mà thôi”, Dũng cho biết. Thế anh không sợ à? Khi nghe câu hỏi đó, Dũng cho biết: “Sợ chứ, chết người mà ai không sợ, nhưng nếu không vào đây tôi lấy gì để trang trải cho cuộc sống của gia đình. Nhà tôi có đến 5 người, hai con nhỏ, vợ đau ốm, mẹ già phải đi kiếm tiền thôi. Làm riết rồi quen thôi”. Nói xong anh đứng dậy và mất hút trong bóng tối. Nhiều phu vàng cho biết, họ vào đây để làm thuê, mỗi tháng được chủ trả khoảng 3 triệu đồng. Táo tợn hơn có những ông chủ đưa cả máy xay đá vào đây để xay nghiền đá và tuyển vàng.

Trước vấn nạn vàng tặc ở Tam Lãnh, mới đây trong chuyến đi thị sát ở khu vực này, ông Nguyễn Cảnh, Bí thư huyện Phú Ninh đã chỉ yêu cầu Cty Bồng Miêu phải thường xuyên tăng cường lực lượng bảo vệ kết hợp với lực lượng chức năng của huyện và xã Tam Lãnh truy quét, đẩy đuổi hết vàng tặc ra khỏi địa phương. Lực lượng Công an huyện Phú Ninh và công an xã Tam Lãnh phải thường xuyên chốt chặn, kiểm tra tất cả các đối tượng vào rừng, núi, người nào có rừng thì phải cấp thẻ, tránh tình trạng lợi dụng vào rừng, núi để làm vàng trái phép. Phương tiện nào không chính chủ, qua kiểm tra sẽ tịch thu bán xung vào công quỹ...

Trong khi đó, ngoài các hầm lò này, tại các khu vực mỏ lộ thiên như khu vực Đồi Sim, Thác Trắng nơi đâu cũng có dân làm vàng chui khai thác. Tại phía trên các hầm lò 10, lò 7 vàng tặc tự nhiên như chốn không người. Tại bãi lộ thiên hầm lò số 10, anh Nguyễn Văn Nhân người dân xã Tam Đại, huyện Phú Ninh cho biết: “Thấy lực lượng truy quét thì chúng tôi bỏ chạy, họ đi rồi thì chúng tôi đào kiếm cõng quặng bán kiếm tiền để sống anh ơi”.

Ông Bùi Quang Minh, Chủ tịch UBND xã Tam Lãnh, thừa nhân: “Khu vực Thác Trắng - Hầm Hô, xã vẫn còn quản lý chỗ này. Nhưng do đồi núi cao, lực lượng công an xã mỏng nên không xua đuổi xuể vàng tặc”.

UBND xã Tam Lãnh cũng cho biết, Bộ Công an đã có quyết định cho phép Công an huyện Phú Ninh thành lập 1 Đồn công an ở Tam Lãnh để duy trì, quản lý an ninh, trật tự của Tam Lãnh và khu vực lân cận.

Rõ ràng với tình hình phức tạp của vàng tặc tại địa phương này và tình trạng chết người cứ xảy ra, Quảng Nam cần có những biện pháp hữu hiệu chứ không thể chỉ tổ chức truy quét đẩy đuổi rồi đâu cũng vào đó. Nếu không muốn xảy ra thêm những cái chết đau lòng và tình hình phức tạp thêm.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nhiều bến xe 'bỏ thì thương, vương thì tội'

Tiền Giang Trong thời gian dài, bến xe thị xã Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) rất ít phương tiện ra vào đón khách, bốc dỡ hàng hóa, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.